Theo The Verge, mới đây trong thư trả lời Ủy ban kỹ thuật số, văn hóa, truyền thông và thể thao của Anh, người đứng đầu chính sách công của Facebook, Rebecca Stimson, đã viết rằng CEO của công ty là Mark Zuckerberg “hiện tại không có kế hoạch gặp gỡ với ủy ban hoặc đi du lịch đến nước Anh”.
Đây được xem là phản hồi chính thức và cuối cùng trước việc chính quyền nước này nhiều lần yêu cầu Zuckerberg tới để tham dự một phiên trả lời chất vấn, giống như từng làm tại Mỹ. Tuy nhiên, hành động từ chối này cũng đồng nghĩa với việc CEO Facebook có nguy cơ sẽ bị buộc phải làm điều trần theo lệnh triệu tập trong lần tiếp theo ông đặt chân xuống sân bay London Heathrow tại Anh. Khi đó, nếu tiếp tục từ chối hợp tác, Mark Zuckerberg sẽ bị bắt giữ.
Bức thư của Stimson khoảng 17 trang với các phần trả lời những câu hỏi từng nhận từ Ủy ban trước đó. Một câu trả lời cho thấy nút Like của Facebook, hiện có trên 8,4 triệu trang web, sẽ gửi dữ liệu trở lại hệ thống ngay cả khi nó chưa được bấm. Pixel Facebook, đoạn mã JavaScript được cung cấp cho các nhà quảng cáo để chèn vào các trang web cũng theo dõi người dùng, đã được cài đặt trên 2,2 triệu trang. “Chúng tôi thất vọng sau khi cung cấp một lượng thông tin rất quan trọng, mà Ủy ban vẫn tuyên bố rằng phản hồi của chúng tôi là không đủ”, Stimson viết.
Trên thực tế, trước khi Zuckerberg xuất hiện trước Quốc hội Mỹ và có kế hoạch gặp gỡ với các nhà lập pháp EU, ông đã từ chối gặp Ủy ban này. Thay vào đó, Facebook đã cử Mike Schroepfer, Giám đốc kỹ thuật của công ty, ra trả lời các câu hỏi. Nhưng phía Ủy ban đã không hài lòng với những câu trả lời này và đã gửi cho Facebook một lá thư hôm 1/5 nói rằng muốn Zuckerberg xuất hiện để cung cấp các phản hồi thỏa đáng.
“Chúng tôi hy vọng rằng ông (Mark Zuckerberg) sẽ phản ứng tích cực với yêu cầu này, nếu không, Ủy ban sẽ giải quyết bằng cách đưa ra một giấy triệu tập chính thức khi ông tới Vương quốc Anh”, chủ tịch Ủy ban Damian Collins đã viết.
Trong tuyên bố đưa ra hôm qua (15/4), Collins cho biết ông “thất vọng” với phản ứng cũng như sự thiếu minh bạch của Facebook. Trước đó phía Ủy ban từng đề nghị chấp nhận lấy lời khai từ Zuckerberg thông qua hình thức video call.
Theo một số ý kiến, Facebook muốn tránh việc đưa Mark Zuckerberg ra trước Ủy ban này vì hai lý do. Ngoài việc muốn kéo dài thời gian để thoát khỏi vụ bê bối Cambridge Analytica, so với Quốc hội Mỹ, Ủy ban này cũng tỏ ra hiểu biết về mặt công nghệ hơn khi đưa ra nhiều câu hỏi khó. Các câu hỏi này liên quan nhiều tới các nguyên tắc bảo mật dữ liệu của Facebook cũng như các vấn đề xung quanh việc tuyên truyền, quảng cáo bầu cử và kiểm duyệt nội dung.
Mai Anh