Trang chủ Tin Tức Tuổi thọ của loài vật sống dai nhất hành tinh

Tuổi thọ của loài vật sống dai nhất hành tinh

717

Chỉ dài một milimet, cơ thể nhỏ bé của gấu nước ẩn giấu nhiều siêu năng lực giúp chúng chịu đựng các điều kiện khắc nghiệt có thể xóa sổ hầu hết sinh vật khác. Tuy nhiên, tuổi thọ của gấu nước phụ thuộc vào nơi tìm thấy chúng, theo Live Science.
Gấu nước có lẽ là động vật có nhiều mặt trái ngược nhất hành tinh. Một mặt, loài vi sinh vật có vẻ ngoài dễ thương, trông giống như khí cầu tí hon vô hại đi lang thang trên những chiếc chân mập lùn. Nhưng chúng nổi tiếng là sinh vật sống dai nhất, khó hủy diệt nhất trên Trái Đất.
Gấu nước phân bố ở hầu hết mọi nơi trên thế giới. Đa số các loài gấu nước ưa sống trong môi trường ẩm ướt, như rêu bao phủ đá ở lòng sông.
Khi gấu nước có đủ thức ăn và nước uống để duy trì chức năng cơ thể, chúng chết theo tuổi thọ tự nhiên, thường hiếm khi lâu hơn 2,5 năm, theo Animal Diversity Web, cơ sở dữ liệu do Đại học Michigan điều hành.
Gấu nước có thể sống sót lâu hơn nhiều nếu tiến vào trạng thái sống ẩn (cryptobiosis), được kích hoạt khi điều kiện môi trường trở nên không thể chịu nổi với chúng. Gấu nước là những con quái vật nhỏ thú vị.
Chúng có khả năng đương đầu với môi trường khắc nghiệt bằng cách ngưng trao đổi chất. Khả năng này cũng giúp chúng dễ hóa khô hoặc đông lạnh để tăng sức chịu đựng ở Nam cực, Sandra McInnes, nhà nghiên cứu gấu nước tham gia dự án Khảo sát Nam cực.
Sống ẩn đưa gấu nước vào trạng thái “sẵn sàng”, khiến quá trình trao đổi chất chậm dần rồi ngừng lại, làm giảm nhu cầu về oxy và khử gần như hoàn toàn nước ở tế bào, theo Encyclopedia Britannica.
Ở trạng thái co lại, gấu nước giả chết tốt tới mức chúng có thể sống sót ở những nơi không có nước, với nhiệt độ thấp đến -200 độ C và cao tới 151 độ C. Khi gặp nước, chúng lại cử động, quay về đời sống bình thường chỉ trong vài giờ.
McInnes từng rã đông mẫu vật rêu từ thí nghiệm trước đây và phát hiện nó chứa những con gấu nước còn sống. Cô suy luận sinh vật sống sót dù đóng băng ít nhất 8 năm.
Năm 2016, một bài báo đăng trên tạp chí Cryobiology gây xôn xao khi báo cáo một nhóm gấu nước đóng băng trong mẫu vật rêu ở Nam cực năm 1983, đã sống ở trạng thái này suốt 30 năm trước khi hồi sinh vào năm 2014.
Giới nghiên cứu cho rằng khả năng tự bảo tồn của gấu nước một phần là kết quả của những protein độc đáo, có thể phong tỏa các thành phần tế bào dễ tổn thương. Cấu tạo đó tránh cho màng, protein và ADN khỏi bị phá hủy, đâm thủng và xé rách khi tế bào khô đi, theo nghiên cứu năm 2017 trên tạp chí Molecular Cell.
Những điều kiện khắc nghiệt mà gấu nước có thể sinh tồn gây bối rối cho các nhà khoa học. “Không chỉ sống sót trong điều kiện đóng băng, đun sôi và khô kiệt, gấu nước còn chịu được áp suất lên tới 600 megapascal, gấp 6 lần áp suất ở đáy biển. Chỉ nửa mức áp suất đó đã đủ giết chết hầu hết sinh vật trên Trái Đất”, McInnes cho biết.
Giới nghiên cứu thậm chí còn đưa gấu nước vào vũ trụ, để chúng tiếp xúc trực tiếp với bức xạ Mặt Trời và tia gamma. Nhưng chúng vẫn hoạt động bình thường khi trở lại Trái Đất. Gấu nước dường như có khả năng chịu bức xạ và thậm chí sửa chữa ADN. Điều này có thể lý giải tại sao chúng mau phục hồi trước tác động của bức xạ, theo nghiên cứu đăng năm 2013 trên tạp chí Plos One.
“Nếu có sức sống bền bỉ như vậy, gấu nước có thể sống được bao lâu? Chắc chắn chúng không thể bất tử”, McInnes nói.