Trang chủ Tin Tức Tương lai smartphone và cuộc chiến hiệu năng không hồi kết

Tương lai smartphone và cuộc chiến hiệu năng không hồi kết

754
Thị trường smartphone tiềm năng nhưng khắc nghiệt
Tỷ lệ người dùng Việt sở hữu smartphone so với điện thoại phổ thông cán mốc 84%, được xem là tin mừng lớn đối với các hãng di động. Theo báo cáo Nielsen công bố cuối năm 2017, ở nhiều thành phố lớn như Hà Nội, 98% người dân dùng điện thoại thì có đến 87% sắm smartphone. Thậm chí ở Hải Phòng, tỷ lệ dân cư phổ cập smartphone gần như tuyệt đối, lên đến 95%.
Tuy nhiên, người Việt cũng nằm trong top những người dùng ‘kém chung thuỷ’ nhất với smartphone. Theo Nielsen, 49% người dùng khi được hỏi về kế hoạch lên đời điện thoại cho biết: Sẵn sàng đổi máy mới trong vòng 1-2 tháng tới nếu có sản phẩm phù hợp.
Mức 49% này tăng quá nhanh so với tỷ lệ 26% năm 2016 và chỉ 4% năm 2015. Trong khi hai năm trước đó, 60% người dùng cho biết không hề có ý định nâng cấp smartphone. Vậy là sau hơn 20 năm kể từ ngày chiếc điện thoại thông minh đầu tiên được bán ra, Việt Nam đã trải qua một giai đoạn bùng nổ nhu cầu thực sự. 

“So với các thị trường khác như hàng tiêu dùng, xe máy, ôtô hay thậm chí là may mặc, người dùng smartphone là những người kém chung thủy nhất. Còn so với thị trường di động toàn cầu, thị trường Việt khốc liệt hơn rất nhiều vì hoàn toàn không có điều kiện nào đảm bảo người dùng sẽ chung thủy với thương hiệu”, ông Vũ Minh Trí – Cựu CEO Microsoft Việt Nam chỉ rõ thách thức.
Ông Trí cũng cho biết, nếu các nước phương Tây bán máy theo hợp đồng với nhà mạng, người dùng dù muốn dù không vẫn phải gắn bó với mẫu điện thoại ít nhất 1-2 năm, thì ở Việt Nam hoàn toàn khác. Một người đang dùng hệ điều hành iOS, nhưng khi thấy bạn dùng Samsung với thiết kế bắt mắt, tính năng mới, thì ngay sáng hôm sau họ có thể chuyển sang Android.
Cuộc chiến hiệu năng ngày càng khốc liệt
Nếu smartphone dày cộm có thể lướt web, check mail, nghe nhạc…từng là niềm mơ ước của người dùng năm 2006, thì 2007 – 2012 là giai đoạn bùng nổ cải tiến thiết kế và chip xử lý. Cứ 3-6 tháng, các hãng di động lại tung ra siêu phẩm mới thiết kế mỏng hơn, màn hình lớnhơn, chip mạnh hơn… để “quyến rũ” người dùng.
Tuy nhiên 5 năm trở lại đây, khi mọi dòng flagship đều có thiết kế nịnh mắt, thì mối quan tâm của người dùng lại chuyển sang hiệu năng với mục đích tối ưu năng suất làm việc và giải trí. Nghiên cứu của Nielsen cũng chỉ rõ trong các yếu tố chọn mua smartphone, 74% người dùng quan tâm đến phần cứng, 65% người dùng quan tâm pin, tăng cao so với năm 2016 (lần lượt 41% và 61%).
Trong phần cứng, dung lượng bộ nhớ chính là yếu tố được quan tâm hàng đầu (chiếm 77%) so với tốc độ truy cập Internet, CPU, RAM… Với pin, 93% người dùng chú trọng dung lượng thay vì tốc độ sạc hay tuổi thọ. 

Theo Nielsen, 19% người dùng Việt chọn các dòng smartphone cao cấp 10-30 triệu đồng có hiệu năng vượt trội.

“Phần cứng, dung lượng, pin… ngày càng trở thành yếu tố cơ bản, trong khi thiết kế, tính năng vẫn là những điểm tạo nên khác biệt cho sản phẩm. Smartphone cao cấp cũng ngày càng được kỳ vọng nhiều hơn trong việc tích hợp các hiệu năng và mang đến cho người tiêu dùng những trải nghiệm khác biệt, giúp nâng tầm cuộc sống trong tương lai”, ông Đoàn Duy Khoa – Giám đốc bộ phận Nghiên cứu hành vi người tiêu dùng, Nielsen Việt Nam cho biết.
4 “vũ khí sát thương” trong cuộc chiến hiệu năng
Pin, bộ nhớ, camera, tiện ích là 4 “vũ khí” thường được các nhà sản xuất nhắc đến khi ra mắt một sản phẩm smartphone mới. Thay vì khoe khoang số lượng tính năng được cải tiến, các hãng tập trung vào trải nghiệm người dùng dựa trên nhu cầu của số đông.
Pin: Năm 2006, một viên pin có dung lượng 800mAh được coi là siêu khủng, sạc mất khoảng 2h và sạc 500-1.000 lần thì “chai” đến 80%. Còn nay, những chiếc điện thoại pin “trâu” trên 3.000mAh đã được ra mắt. Thậm chí Viện Công nghệ Tiên tiến Samsung (SAIT) mới đây đã phát triển thành công công nghệ carbon nguyên tử cho phép sạc đầy chỉ trong 12 phút. Rất có thể, công nghệ này sẽ được áp dụng cho viên pin khủng được dự đoán lên đến 4000mAh của Galaxy Note9 sắp ra mắt ngày 9/8 tới đây tại New York (Mỹ).
Bộ nhớ: Thời của những chiếc điện thoại cao cấp RAM 2GB (bộ nhớ trong), ROM 16GB (bộ nhớ ngoài) không còn nữa. Khi ranh giới giữa smartphone, laptop và máy ảnh xích lại gần nhau, người dùng có xu hướng ưu ái các model RAM 4GB chạy mượt mà, dung lượng lưu trữ trên 128GB. Những thông số “ao ước” này chắc chắn sẽ còn tăng lên khi các tin đồn đoán tiết lộ, Galaxy Note9 trình làng RAM 8GB và các phiên bản ROM 256GB, thậm chí 512GB. 

Galaxy Note9 phiên bản RAM 8GB, ROM 512GB có thể làm thay đổi quan niệm thị trường smartphone.

Camera: Nếu thập kỷ trước, các hãng chạy đua độ phân giải camera, thì nay chú trọng nhiều vào trải nghiệm hình ảnh. Các dòng flagship thời nay sở hữu camera thông minh đến không tưởng. Không ai ngờ rằng 2 ống kính nhỏ xinh, bằng phẳng phía sau Galaxy S9+ hay Note9 sắp ra mắt lại có khả năng thay đổi khẩu độ linh hoạt từ f/1.5 đến f/2.4, zoom quang 2X, xóa phông bokeh… như máy ảnh DSLR chuyên nghiệp. 
Tiện ích: 10 năm qua, Android và iOS đã hạ gục 7 nền tảng khác nhờ kho tiện ích phong phú. Tiện ích S Pen khác biệt cũng giúp dòng Note ra mắt đến thế hệ thứ 9. Mỗi năm, cây bút này lại được nâng cấp mạnh hơn để đối thủ không thể thay thế. Nếu cây bút Note 8 có khả năng nhận biết 4.096 cấp độ cảm ứng lực, tạo tin nhắn động Live Message trong kỷ nguyên giao tiếp bằng hình ảnh, thì “đũa phép” của Note9 được tiết lộ còn tích hợp thêm tính năng Bluetooth trên bo mạch. Hơn một cây bút, nó có thể trở thành thiết bị IoT đầu tiên chụp ảnh từ xa hoặc phát lại nhạc mà không cần chạm vào màn hình.
Trong cuộc chiến không hồi kết, giới số hóa đặt ra câu hỏi: Hiệu năng nào mới đủ sức ‘cân’ cả thị trường? Câu trả lời đến nay vẫn là ẩn số. Bởi Galaxy Note8 và iPhone X năm ngoái từng khuynh đảo làng công nghệ, thì năm nay, những chuẩn mực hiệu năng mới sẽ do Galaxy Note9 thiết lập nên.
Minh Nguyễn(tổng hợp)