Trang chủ Tin Tức Ứng dụng trí tuệ nhân tạo để chữa ung thư: kết quả...

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo để chữa ung thư: kết quả đáng mừng tại Bệnh viện Phú Thọ

802

Tại Hội thảo “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hỗ trợ điều trị ung thư” diễn ra tại Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ ngày 8/5, bác sĩ Trần Xuân Vĩnh – Phó trưởng Đơn vị Phẫu thuật ung bướu – Hóa trị liệu, đã minh chứng quá trình tư vấn ứng dụng hệ thống IBM Watson for Oncology trên người bệnh cụ thể để người xem hiểu rõ hơn về quy trình cũng như cách thức vận hành của hệ thống. Hội thảo cũng công bố một số kết quả bước đầu sau một thời gian thí điểm công nghệ này.
Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Xuân Vĩnh, Phó trưởng Đơn vị Phẫu thuật ung bướu – Hóa trị liệu, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ
Điển hình cho hiệu quả của chương trình là trường hợp chị Đàm Thị Hạnh (quê Phúc Yên, Vĩnh Phúc). Theo lời kể của bác sĩ Trần Xuân Vĩnh, chị Hạnh được chẩn đoán ung thư phổi từ năm 2015, đã được điều trị nhiều lần tại một bệnh viện ở Hà Nội. Tháng 1/2018 bệnh của chị Hạnh xấu đi, chị bắt đầu khó thở, đau xương do ung thư di căn vào xương. Chị phải giảm đau bằng morphin và fentanyl (một thuốc giảm đau nhóm opioid mạnh). Tháng 3/2018 khi biết Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ triển khai IBM Watson for Oncology (Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hỗ trợ lựa chọn phác đồ điều trị ung thư), gia đình đã đưa chị đến đây. Khi đó tình trạng của chị Hạnh rất xấu, đau rất nhiều, chị đi lại rất khó khăn do ung thư di căn vào xương cột sống và xương chậu, khó thở khi hoạt động do ung thư lan tràn khắp 2 phổi. Tại đây các bác sĩ đã hội chẩn với sự tham khảo từ IBM WFO. Phác đồ điều trị do hệ thống Trí tuệ nhân tạo đưa ra có sự thống nhất cao với hội đồng chuyên môn. Chị được quyết định điều trị với một thuốc điều trị trúng đích sinh học thế hệ 3 mới nhất, cùng chỉ định xạ trị giảm triệu chứng vào vị trí di căn xương. Và thật kỳ diệu, sau 1 tháng điều trị, chị Hạnh hoàn toàn có thể đi lại bình thường, không phải sử dụng thuốc giảm đau, và phim chụp phổi của chị đạt được sự đáp ứng rất tốt.
Chị Đàm Thị Hạnh chia sẻ về diễn biến bệnh của chị trước và sau khi tham gia chương trình thí điểm
Một trường hợp khác là chị Nguyễn Thị Bích Loan, quê ở xã Văn Lang (Hạ Hòa, Phú Thọ). Chị bị ung thư vú giai đoạn 3, đã di căn đến hạch. Sau khi được hệ thống IBM Watson for Oncology hỗ trợ lựa chọn phác đồ điều trị và các bác sĩ Bệnh viện Phú Thọ cùng hội chẩn, chị Loan đã trải qua 2 chu kỳ hóa trị thì các khối u hạch sát nách đã nhỏ lại, kích thước khối u tại vú giảm kích thước từ 6cm còn lại 2cm. Với phương pháp điều trị này, chị Loan không chỉ khỏi bệnh, mà có thể phẫu thuật bảo tồn vú.
Hiện Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ đang điều trị cho 19 bệnh nhân và 1 bệnh nhân đến từ Cần Thơ theo chương trình thí điểm này và đều đang có những tiến triển tốt.
Theo bác sĩ Trần Xuân Vĩnh, IBM Watson for Oncology không phải là một phương pháp điều trị mà là một công cụ hỗ trợ bác sĩ đưa ra các lựa chọn điều trị tối ưu nhất cho từng đối tượng người bệnh, dựa trên nền tảng Điện toán biết nhận thức của IBM. IBM Watson for Oncology được dạy (không phải lập trình), có khả năng hiểu ngôn ngữ tự nhiên và các dữ liệu phi cấu trúc, cùng với cơ sở dữ liệu về ung thư khổng lồ lên tới hàng triệu hồ sơ bệnh án được đào tạo bởi trung tâm ung thư hàng đầu thế giới – Trung tâm Ung bướu Memorial Sloan Kettering (MSK) Cancer Center. IBM Watson for Oncology có khả năng đọc và phân tích nhiều dữ liệu khác nhau, sử dụng các chẩn đoán chi tiết của người bệnh để đưa ra gợi ý điều trị cho các bác sĩ, sau khi nghiên cứu sâu. Tuy nhiên, IBM Watson for Oncology là công nghệ rất hiện đại nhưng không thay thế được các bác sĩ.
Bác sĩ chuyên khoa II Ngô Hữu Hà – PGĐ Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ cũng cho biết: “Sau khi khám, chẩn đoán, xét nghiệm…, việc chọn một phác đồ điều trị cho người bệnh rất quan trọng, cần tham khảo rất nhiều tài liệu trên thế giới mà nếu làm thủ công, chắc chắn bác sĩ sẽ không đủ thời gian. Nhưng với IBM Watson for Oncology – đã được “học” hàng trăm tài liệu nên khi đưa ra thông tin, công nghệ sẽ cho phác đồ trong thời gian rất ngắn để bác sĩ lựa chọn, từ những kinh nghiệm tiên tiến nhất trên thế giới Công nghệ này giúp các bác sĩ tập hợp được các nghiên cứu, rất hữu ích cho bác sĩ, giúp bác sĩ cập nhật được kiến thức cho mình, rút ngắn quá trình chẩn đoán và đưa ra phác đồ điều trị, các bác sĩ vẫn phải cập nhật, học hỏi kiến thức chuyên sâu bên cạnh công nghệ.
Bác sĩ Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Trung tâm Ung bướu – Trưởng đơn vị Phẫu thuật Ung bướu – Hóa trị cho biết: “Việc ứng dụng IBM Watson for Oncology hỗ trợ, giúp chúng tôi tự tin hơn, nhanh chóng hơn trong việc đưa ra quyết định về phác đồ điều trị thay vì tự tìm hiểu rất mất thời gian, công sức như trước kia. Thực tế khi áp dụng hệ thống của IBM hỗ trợ điều trị ung thư thì tôi thấy rất có ích với bác sĩ. Thứ nhất chúng tôi tự tin hơn khi đưa ra một quyết định điều trị, tại vì các pháp đồ điều trị được đưa ra đều dựa trên những nghiên cứu công phu trên thế giới. Và thứ hai qua việc sử dụng hệ thống này chúng tôi có thể tự học hỏi được dựa trên những bằng chứng được đưa ra, từ đó nâng cao kiến thức của mình trong thực hành lâm sàng, điều trị ung thư. Trước đây, để tìm được các bằng chứng cho pháp đồ điều trị chúng tôi phải mất rất nhiều thời gian, rất công phu, thậm chí phải bỏ tiền ra mới mua được. Khi điều trị bệnh nhân ung thư, đưa ra pháp đồ thì trong một tập thể chúng tôi cũng thường có những ý kiến khác nhau, người thì bảo điều trị thế này, người thì bảo điều trị thế kia. Và chúng tôi có thành lập hội tư vấn chuyên môn, một tuần họp 2 lần, để khắc phục khó khăn đấy, nhưng không hết được. Từ khi có IBM Watson thì việc thống nhất trong điều trị được đẩy lên rất cao”.
Được biết, thời gian đầu áp dụng chương trình IBM Watson for Oncology, nhiều bệnh nhân không hiểu đây là máy, là thuốc hay là phác đồ điều trị… Tuy nhiên sau khi có một số ca bệnh đầu tiên được điều trị và đạt được kết quả bước đầu, bệnh được đẩy lùi thì tiếng lành đồn xa. Tính từ giữa tháng 4/2018 trở lại đây, lượng người bệnh quan tâm đến công nghệ tăng lên nhanh chóng. Số điện thoại chăm sóc bệnh nhân và số di động của các bác sĩ nhận được nhiều cuộc gọi từ toàn quốc như Hà Nội, Quảng Ninh, TP.HCM, Đà Nẵng… Theo bác sĩ Vĩnh, mỗi ngày chương trình nhận được khoảng 30-50 yêu cầu tư vấn.
IBM Watson for Oncology được phát triển bởi hãng công nghệ IBM, dựa trên tư vấn của Trung tâm Memorial Sloan Lettering (Mỹ) có hơn 130 năm kinh nghiệm. Phần mềm này tổng hợp 1,5 triệu hồ sơ bệnh án, 300 tạp chí y khoa, 200 cuốn sách giáo khoa và 15 triệu trang bản thảo. Sau khi bác sĩ nhập thông tin chẩn đoán, kết quả xét nghiệm của bệnh nhân vào phần mềm, hệ thống sẽ tra cứu tài liệu với tốc độ 4 tỷ trang văn bản trong một phút, để đưa ra các lựa chọn điều trị. Bác sĩ có thể tham khảo những đề xuất này, quyết định phác đồ điều trị phù hợp nhất với tình trạng bệnh nhân. Hiện tại IBM Watson for Oncology BM Watson for Oncology đã ứng dụng trên 80 bệnh viện tại 11 quốc gia trên thế giới, hỗ trợ được 11 bệnh ung thư phổ biến như: ung thư vú, ung thư phổi, ung thư dạ dày, ung thư đại tràng, ung thư trực tràng, ung thư bàng quang, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư cổ tử cung, ung thư buồng trứng, ung thư gan, ung thư tuyến giáp…
Giải pháp IBM Watson for Oncology do IBM và Công ty Five9 hợp tác triển khai vào Việt Nam. Trước khi ứng dụng tại Phú Thọ, Five9 và IBM đã giới thiệu công nghệ này tại nhiều sự kiện, hội thảo, các bệnh viện. Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ là nơi đầu tiên thí điểm công nghệ này.
Để tìm hiểu thêm về IBM Watson for Oncology tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, bất kỳ ai quan tâm có thể truy cập website benhviendakhoatinhphutho.vn, hoặc liên hệ trực tiếp Trung tâm Ung bướu qua tổng đài số 0210 627 8888, hotline 0210 627 6666 để được các bác sĩ tư vấn trực tiếp miễn phí.
N.M