Trang chủ Tin Tức Universal Robots nhắm tới thị trường tự động hóa trị giá 184,5...

Universal Robots nhắm tới thị trường tự động hóa trị giá 184,5 triệu USD tại Việt Nam

712
Thông tin nêu trên vừa được bà Shermine Gotfredsen, Tổng Giám đốc Universal Robots (UR) khu vực Đông Nam Á và châu Đại Dương chia sẻ tại buổi họp báo ngắn vào ngày 8/8, trước thềm Triển lãm Sản xuất Việt Nam – Vietnam Manufacturing Expo (VME) 2018.
Bà Shermine Gotfredsen – TGĐ UR khu vực Đông Nam Á và châu Đại Dương nhận định: “Nhu cầu cobot đang ngày càng gia tăng ở Việt Nam khi các doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng của việc sử dụng công nghệ tiên tiến và robot để duy trì lợi thế cạnh tranh”

Nhu cầu robot hợp tác đang gia tăng mạnh tại Việt Nam

Theo kế hoạch, Vietnam Manufacturing Expo 2018 sẽ diễn ra trong 3 ngày từ 8/8 – 10/8 tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế ICE – Cung văn hóa hữu nghị Hà Nội. Đây là chương trình tập trung giới thiệu các công nghệ và giải pháp sản xuất mới cho ngành công nghiệp sản xuất và công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.
Với triển lãm này, bên cạnh hơn 200 công nghệ và máy móc tiên tiến được trưng bày, Vietnam Manufacturing Expo 2018 cũng phối hợp với UR để tổ chức khu trưng bày “Co-bot Showcasse” nhằm giới thiệu đến các doanh nghiệp Việt Nam các ứng dụng, thể hiện chức năng làm việc chặt chẽ với người điều khiển. Sự kiện lần này sẽ giúp các nhà sản xuất trong nước nâng cao năng lực sản xuất với các máy móc, giải pháp và dịch vụ hiện đại mà còn mở rộng mạng lưới kinh doanh bám sát xu hướng của công nghiệp 4.0.

UR sẽ tham gia Triển lãm Sản xuất Việt Nam 2018 (VME) – đây là triển lãm về máy móc và công nghệ hàng đầu đất nước trong ngành công nghiệp sản xuất và hỗ trợ, diễn ra từ ngày 8-10/8/2018 tại I.C.E. Hà Nội.

Tham dự sự kiện, tại gian hàng UR C14 của Universal Robots, du khách có thể có những trải nghiệm thực tế với cobots và chứng kiến ​​việc sử dụng và lên chương trình cho cobots một cách dễ dàng. Ngoài ra, du khách có thể hiểu được cách cobots được sử dụng trong một thiết lập công nghiệp thông qua một robot cầm-đặt và có gắn camera đóng vai trò như cảm biến để cung cấp tín hiệu phản hồi nhằm giúp robot di chuyển đến mục tiêu một cách chính xác hơn và một ứng dụng dán keo được cung cấp bởi đối tác kênh của UR, Công ty CPTự động hóa Tân Phát.

Bên cạnh đó, thông tin từ UR cũng cho hay, sẽ có một màn trình diễn cobot bóng đá tương tác cho phép du khách nhắm và đá một quả bóng thông qua một bảng hiển thị cầu môn với việc sử dụng cobot UR. Ngoài ra, cũng sẽ có một cuộc trình diễn robot nhảy múa sôi động, đây là một phần của một loạt các hoạt động nhằm mục đích chứng minh tính dễ sử dụng và việc triển khai  công nghệ cobot một cách linh hoạt cùng với con người.
Cobots – những robot được thiết kế để làm việc cùng với con người một cách an toàn – đang giúp  các doanh nghiệp ở mọi quy mô tiếp cận với quá trình tự động hóa. Với những tính năng an toàn sẵn có, người lao động có thể làm việc với cobots ở cự li gần một cách an toàn mà không phải lắp đặt hàng rào an toàn (tùy thuộc vào việc đánh giá rủi ro). Được thiết kế một cách gọn nhẹ, chắc chắn và linh hoạt cobots có khả năng làm việc trong không gian nhỏ và ở nhiều ngành công nghiệp khác nhau. So với robot công nghiệp truyền thống, cobots cũng có giá rẻ hơn, và chi phí thiết lập cũng ít hơn.
Có mặt tại Việt Nam từ năm 2016, UR đã phân phối cobots thông qua nhà phân phối công nghệ Việt Nam và các đối tác tích hợp hệ thống – Servo Dynamics Engineering và Công ty CP Tự động hóa Tân Phát. Tại Việt Nam, cobots được triển khai trong những ngành công nghiệp như ô tô, điện tử, dệt may, giày dép và công nghiệp chế biến thực phẩm.
Bà Shermine Gotfredsen – TGĐ UR khu vực Đông Nam Á và châu Đại Dương nhận định: “Nhu cầu cobot đang ngày càng gia tăng ở Việt Nam khi các doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng của việc sử dụng công nghệ tiên tiến và robot để duy trì lợi thế cạnh tranh. Hơn nữa, chính phủ đã đưa cuộc công nghiệp 4.0 trở thành ưu tiên hàng đầu, phát triển các kế hoạch hành động để thúc đẩy việc áp dụng công nghệ tự động mới và thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn”.

“Cobots mang lại lợi ích vô tận cho các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô, vì chúng làm tăng năng suất, cải thiện chất lượng đầu ra và tăng cường sức khỏe và hạnh phúc của người lao động. Việc sớm áp dụng công nghệ tự động hóa sẽ cho phép các nhà sản xuất vượt trội hơn đối thủ của mình, giúp họ giải quyết nhiều vấn đề như gia tăng chi phí hoạt động, cung cấp môi trường làm việc thân thiện với vấn đề về sức khỏe, an toàn và nhân quyền của người lao động, và đây là điều cần thiết để các doanh nghiệp mở rộng quy mô hoạt động trên toàn cầu có thể duy trì được tính cạnh tranh”, bà Shermine Gotfredsen cho biết thêm.
Cũng theo chia sẻ của bà Shermine Gotfredsen, gần đây nhất, công ty đã cho ra mắt hệ thống cobots “e-Series” hàng đầu, cung cấp khả năng tiếp cận nhiều ứng dụng hơn, tăng khả năng sử dụng và triển khai nhanh hơn.

Gia tăng tầm quan trọng của tự động hóa ở Việt Nam

Cũng tại cuộc họp báo ngắn vào ngày 8/8, TGĐ UR khu vực Đông Nam Á và châu Đại Dương Shermine Gotfredsen lạc quan về việc UR mở rộng hoạt động của hãng tại Việt Nam để phù hợp với sự tập trung ngày càng gia tăng của chính phủ trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Bà Shermine Gotfredsen cho hay, toàn bộ thị trường tự động hóa và điều khiển tại Việt Nam sẽ trị giá 184,5 triệu USD (4,3 nghìn tỷ đồng) vào năm 2021 theo khảo sát từ Frost & Sullivan.
Kết quả hoạt động tại Việt Nam trong gần 2 năm qua cũng là lý do để UR quyết định đầu tư mạnh hơn vào thị trường Việt Nam. Dù không tiết lộ con số chính xác song bà Shermine Gotfredsen cho biết tăng trưởng của UR tại Việt Nam từ năm 2016 đến cuối 2017 ở mức 2 con số. “Đây thực sự là con số tăng trưởng ấn tượng. Với các thị trường khác, UR không có được con số tăng trưởng mạnh như ở Việt Nam”, bà Shermine Gotfredsen nói.

Bà Shermine Gotfredsen cùng các cộng sự tại khu trưng bày “”Co-bot Showcasse” tại gian hàng UR C14 trong khuôn khổ Triển lãm Sản xuất Việt Na m – Vietnam Manufacturing Expo 2018.

Theo đại diện UR, đến nay đã có hơn 25.000 cobots của hãng đã được triển khai trên toàn cầu, mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp ở nhiều ngành khác nhau. Ở Việt Nam, hệ thống cobots UR đang cải thiện hiệu quả sản xuất và sự an toàn của công nhân tại Công ty TNHH Thương mại và Kỹ thuật Meiko Việt Nam, một nhà sản xuất bảng mạch PCB. “Hình dạng nhỏ, độ linh hoạt và an toàn của cobots giúp thợ máy của chúng tôi nhẹ bớt việc thực hiện những công việc vất vả và lặp đi lặp lại, chúng dễ dàng để sử dụng và làm nâng cao mức độ hài lòng trong công việc ở công ty”, ông Trần Tuấn Anh, PGĐ Công ty Meiko Việt Nam cho biết.
Đại diện UR cũng chia sẻ, nhu cầu đối với robot trong các ngành công nghiệp gia tăng mạnh mẽ trên toàn cầu phản ánh sự tăng trưởng trong kinh doanh của UR. Công ty hiện đang là người dẫn đầu trên thế giới về cobots với thị phần toàn cầu là 58% (Nghiên cứu BIS) và đã bán được nhiều cobots hơn tất cả các đối thủ cạnh tranh cộng lại. Công ty đã mở rộng các kênh phân phối của mình tại nhiều thị trường; hiện tại có 300 nhà phân phối tại hơn 50 quốc gia trên toàn thế giới. Trên toàn cầu, trong năm 2017 UR đã tạo ra doanh thu 70 triệu USD, tăng 72% so với năm 2016.
Trong khu vực thì việc triển khai robot ở Việt Nam hiện vẫn còn thấp. Ở Đông Nam Á, Singapore dẫn đầu việc sử dụng robot với 488 con/10.000 lao động, tiếp theo là Thái Lan và Malaysia với 45 con và 34 con. “Đầu năm nay, theo một báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới thì Việt Nam được xem là một trong những nước có sự chuẩn bị ít nhất cho kỷ nguyên công nghiệp 4.0 và xếp hạng thấp về mặt đổi mới và công nghệ. Bác bỏ tuyên bố này, Chính phủ đã tích cực tập trung vào việc phát triển các sáng kiến ​​và ban hành pháp luật để đẩy nhanh quá trình tự động hóa. Trong số những nỗ lực này có Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011 – 2020 nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh kinh tế và đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa, ưu tiên vào tầm quan trọng của robot công nghiệp và tự động hóa công nghệ cao”, đại diện UR nêu.
Trả lời câu hỏi đâu là những thách thức với các doanh nghiệp Việt Nam khi triển khai ứng dụng robot vào sản xuất, bà Shermine Gotfredsen cho biết: “Thách thức lớn nhất là khoảng cách về thông tin, kiến thức, sự hiểu biết làm thế nào để sử dụng robot. Vì vậy, thời gian qua, UR và các đối tác trong nước đã cung cấp các khóa đào tạo cho các khách hàng sử dụng tại Việt Nam để giúp cho sản phẩm, công nghệ của UR dễ dàng tiếp cận hơn đối với khách hàng Việt Nam. UR cũng có nỗ lực trong việc địa phương hóa ngôn ngữ sử dụng của robot để người dùng dễ sử dụng hơn”.