Trang chủ Tin Tức Vai trò báo chí trong đấu tranh phòng, chống suy thoái

Vai trò báo chí trong đấu tranh phòng, chống suy thoái

739

Thời gian qua, đặc biệt là sau khi Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) được triển khai, báo chí có nhiều đóng góp tích cực, nhất là trong đấu tranh phòng, chống suy thoái. Nhiều cơ quan báo chí và nhiều nhà báo đã nhanh nhạy bám sát thực tế, phát hiện tiêu cực để điều tra, nắm chắc thông tin, tư liệu cụ thể, phân tích khách quan, phản ánh chính xác,… qua đó giúp các cơ quan chức năng sớm vào cuộc xem xét, điều tra, nhanh chóng xử lý sau khi xác định sai phạm.
Qua đó góp phần củng cố niềm tin trong nhân dân. Về vấn đề này, ngày 26/12/2017, phát biểu tại Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm, triển khai nhiệm vụ năm 2018, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư, khẳng định: Đã có nhà báo hy sinh cả tính mạng của mình, vượt qua những đe dọa của thế lực xấu, vượt qua cả sự đối xử không công bằng của các cơ quan chức năng, sự đố kị, để làm tròn nhiệm vụ cầm bút của người làm báo chân chính. Từ các thành tựu đã có, có thể nói, trong cuộc đấu tranh phòng và chống biểu hiện suy thoái, báo chí đã từng bước thể hiện vai trò đi đầu trong biểu dương nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt; đấu tranh, phản bác thông tin, quan điểm, luận điệu sai trái của các phần tử cơ hội chính trị, của các thế lực thù địch; phát hiện nhiều hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tệ nạn xã hội để thông tin nhanh, chính xác và kịp thời…
Tuy nhiên, như Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) chỉ rõ, trong cuộc đấu tranh, ngăn chặn suy thoái, báo chí tỏ ra còn hạn chế, hiệu quả chưa cao, biểu hiện cụ thể như đưa thông tin sai lệch, thổi phồng mặt trái của xã hội… Có thể nhận diện vấn đề qua tình trạng báo chí thiếu hài hòa, mất cân đối giữa “xây” và “chống”, sự thiếu sắc sảo, hời hợt về lý luận và thực tiễn trong phản ánh của báo chí làm cho sức lan tỏa của điển hình tiên tiến chưa cao, một số cơ quan báo chí và nhà báo còn thiếu dũng cảm… Đặc biệt, cần chỉ rõ loại hiện tượng không thể chấp nhận là một số cơ quan báo chí, nhà báo có biểu hiện vi phạm đạo đức nghề nghiệp; đưa tin bài thiếu tính nhân văn; chạy theo xu hướng giật gân câu khách; công bố thông tin thiếu nhạy cảm chính trị; thiếu hụt tri thức, dễ dãi khi trích nguồn; ảo tưởng về quyền lực của báo chí và vai trò của nhà báo, hình thành nhóm nhà báo chuyên “đánh đấm”,… từ đó tự mình suy thoái bằng hành vi trục lợi, về hùa hoặc để “nhóm lợi ích” chi phối mà có hành vi vi phạm pháp luật. Những con số như: trong năm 2017, cơ quan chức năng đã xử lý vi phạm hành chính 55 trường hợp trong hoạt động báo chí; thu hồi một giấy phép hoạt động báo chí, một giấy phép chuyên trang báo điện tử, đình bản tạm thời đối với năm trường hợp; Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định thu hồi thẻ nhà báo của 12 nhà báo do có sai phạm và bị xử lý kỷ luật, Hội Nhà báo Việt Nam xóa tên 324 hội viên vì các lý do khác nhau, trong đó có hội viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp, pháp luật,… cho thấy hiện tượng tiêu cực trong hoạt động báo chí đang là một thực tế. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã chỉ rõ: Một số cơ quan truyền thông có biểu hiện thương mại hóa, xa rời tôn chỉ, mục đích, chưa làm tốt chức năng định hướng dư luận và xây dựng con người.
Trên thực tế, hiện tượng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên diễn ra hết sức phức tạp, thậm chí được che đậy rất tinh vi. Vì thế, việc phát hiện các hiện tượng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống để điều tra, phản ánh trên báo chí là rất khó khăn. Đáng chú ý là khi phát hiện báo chí quan tâm, tổ chức và cá nhân liên quan có thể tìm mọi cách ngăn cản quá trình tác nghiệp của báo chí, từ tiếp cận để “nói khó”, gây sức ép từ các quan hệ (cơ quan chủ quản, cấp trên, gia đình),… tới mua chuộc, hối lộ, dọa dẫm. Vì thế, mỗi tòa soạn cũng như mỗi nhà báo vừa phải rèn luyện bản lĩnh nghề nghiệp, lòng dũng cảm để đối diện, nhận diện và vạch trần suy thoái, vừa giữ được đạo đức nghề nghiệp sao cho không bị sa ngã, không lóa mắt trước đồng tiền để rồi tự mình tha hóa. Đó là cơ sở khẳng định ý thức trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp từ mỗi cơ quan báo chí đến mỗi nhà báo trong khi tham gia các hoạt động ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là hết sức quan trọng. Thiếu ý thức trách nhiệm, từ mỗi cơ quan báo chí đến mỗi nhà báo sẽ dễ buông lơi, thậm chí đánh mất vai trò xã hội, gây ra sự cố báo chí làm tổn hại nhận thức của bạn đọc, ảnh hưởng tiêu cực tới sự đồng thuận xã hội, đi ngược xu hướng phát triển tích cực… Thiếu đạo đức nghề nghiệp, từ mỗi cơ quan báo chí đến mỗi nhà báo đều có thể trở thành tác nhân dung túng, thậm chí tiếp tay cho hiện tượng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống…
Trong xã hội hiện đại, với sự hỗ trợ đắc lực của thành tựu khoa học và công nghệ, báo chí đã phát triển trở thành một bộ phận không thể thiếu trong đời sống tinh thần xã hội, một phương diện thiết yếu trong truyền bá thông tin, phổ biến tri thức, nâng cao nhận thức, giải trí và bồi đắp giá trị chân – thiện – mỹ,… với con người. Từ khả năng của nó, có thể nói báo chí là công cụ quan trọng trong phát hiện các vấn đề, hiện tượng xã hội, con người; có khả năng phản biện, nâng cao hiệu quả của phản biện xã hội, góp phần xây dựng, củng cố và phát triển bản chất dân chủ của xã hội. Nếu báo chí phát huy được tính tích cực xã hội trong các hoạt động ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống thì sẽ có đóng góp rất to lớn. Và ở đây, vấn đề cơ bản có ý nghĩa quyết định là ý thức trách nhiệm của mỗi cơ quan báo chí, là năng lực nghề nghiệp, đạo đức nghề nghiệp của mỗi nhà báo. Trong sự thống nhất giữa nguyên tắc chỉ đạo và hoạt động thực tiễn, khi các cơ quan báo chí cùng nhà báo thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ, nâng cao tính tư tưởng, nhân văn và khoa học, đề cao trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân, thì vai trò của báo chí trong cuộc đấu tranh phòng, chống suy thoái càng được khẳng định, hiệu quả xã hội mà báo chí đem lại sẽ to lớn hơn góp phần tích cực thực hiện mục tiêu xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.
Theo Nhân Dân