Trang chủ Tin Tức VAR tại World Cup: Công nghệ đang biến đổi cảm xúc của...

VAR tại World Cup: Công nghệ đang biến đổi cảm xúc của bóng đá

667
Tại World Cup 2018, tất cả người hâm mộ trên khán đài các sân vận động cũng như hàng tỷ người theo dõi qua truyền hình trong những ngày qua đều đã nhận ra có một điều gì đó khác biệt. Lần đầu tiên, hệ thống Trợ lý trọng tài qua video (VAR) được sử dụng tại một kỳ World Cup để giúp các trọng tài chính trên sân đưa ra quyết định trong trận đấu. Kết quả là nó đang gây ra tranh cãi.
Trên thực tế, với nhiều người hâm mộ bóng đá, chuyện công nghệ VAR gây ra tranh cãi không phải là điều mới mẻ hay ngạc nhiên. Bởi nó đã tạo ra chuyện tương tự khi được áp dụng trong Cup FA (Anh) và giải Bundesliga (Đức). Nhưng dù VAR đang nhận được sự chú ý rất lớn, không nên quên rằng đó chỉ là ví dụ rõ ràng nhất về việc “số hóa” môn thể thao bóng đá, nơi dữ liệu và công nghệ được sử dụng để cải thiện hiệu suất và việc ra quyết định.
Quá trình “số hóa” đang biến đổi bóng đá và khiến nhiều người lo sợ rằng môn thể thao này đang thay đổi quá nhanh. Nhanh tới mức bỏ rơi người hâm mộ ở phía sau.
Ra quyết định trên thực địa
Trợ lý trọng tài đang ngồi làm việc trong phòng VAR của World Cup 2018. Ảnh: EPA.
VAR là một dạng công nghệ được cho là giúp các trọng tài đưa ra quyết định chính xác hơn. Khi trái bóng vẫn đang lăn trên sân, các trợ lý trọng tài đang ngồi cách xa sân vận động đã ngay lập tức xem lại video quay chậm tình huống vừa diễn ra. Qua tai nghe không dây, họ giao tiếp với trọng tài chính, đưa ra tư vấn của mình về bất kỳ sự cố nào có thể thay đổi một trận đấu. Theo quy định, VAR được cho là chỉ hỗ trợ trọng tài trong bốn lĩnh vực chính là có bàn thắng được ghi, có tình huống phạm lỗi, thẻ đỏ và trường hợp nhận dạng sai cầu thủ. Cuối cùng, trọng tài chính vẫn là người đưa ra quyết định cuối cùng.
Năm 2017, lần đầu tiên VAR được giới thiệu và đưa vào áp dụng tại Cup FA. Nó nhanh chóng bị đổ lỗi rằng đã phá hủy một “trò chơi đẹp” bởi cả cầu thủ lẫn đội ngũ quản lý. Minh chứng cụ thể nhất là trận chung kết giữa Tottenham và Rochdale, khi Tottenham đã bị từ chối tới 2 bàn thắng vì công nghệ này. Mỗi lần trọng tài chính bước ra khỏi sân để xem video quay lại tình huống, các cổ động viên của Tottenham đều thể hiện sự không hài lòng bằng cách huýt sáo.
Còn tại giải Bundesliga, trong trận đấu giữa Mainz 05 và SC Freiburg, khi cả hai đội đã bước ra khỏi sân để nghỉ giữa hai hiệp đấu, trọng tài bất ngờ ra lệnh mời tất cả quay trở lại để thực hiện một quả đá penalty. Đây là kết quả sau khi phân tích lại tình huống phạm lỗi trước đó từ VAR. Cả khán giả lẫn các cầu thủ đều tỏ ra không hài lòng về cách xử lý này.
VAR cũng đã để lại nhiều dấu ấn trong mùa World Cup năm nay. Mặc dù nó đã nhận được một số phản hồi tích cực, công nghệ này vẫn tiếp tục gây ra các cuộc tranh luận gay gắt. Nó bị chỉ trích vì bỏ qua tình huống phạm lỗi trong pha ghi bàn của cầu thủ Thụy Sĩ vào lưới Brazil. Trong trận đấu giữa Pháp và Australia, công nghệ này cũng gây phản ứng xấu khi cho đội Pháp một quả penalty. Nhiều người hâm mộ Anh cũng đã đặt câu hỏi về VAR khi trọng tài không công nhận một quả phạt đền nào dù Harry Kane bị hậu vệ Ferjani Sassi của Tunisia quật ngã hai lần trong vòng cấm.
Công nghệ VAR quyết định số phận đội bóng ra sao:
Công nghệ VAR quyết định số phận đội bóng ra sao
“Số hóa” bóng đá
Trong vài thập kỷ qua, gần như mọi khía cạnh trong cuộc sống của con người đã bị can thiệp bởi “số hóa” (digitalization). Khái niệm này cũng đã có một tác động lớn trong mọi khía cạnh của các môn thể thao, đặc biệt là bóng đá. Đó có thể là việc phủ sóng truyền hình, bán vé hay thậm chí là phân tích và đo lường hiệu suất của các trận đấu, cầu thủ.
Lượng dữ liệu và thông tin chưa từng có được tạo ra thông qua các đối tượng được kết nối với Internet đã cho phép quá trình đào tạo và huấn luyện cầu thủ được tùy chỉnh theo hướng tốt hơn. Các đội tuyển bây giờ có thể thu thập số lượng lớn dữ liệu về từng cá nhân, cách họ luyện tập và thi đấu để có được đánh giá chính xác. Huấn luyện viên có thể sử dụng dữ liệu này để đưa ra các lời khuyên và nhận xét riêng cho từng cầu thủ. Nó cũng có thể cho phép các nhà quản lý đưa ra các quyết định chiến thuật dựa trên dữ liệu trực tiếp, chẳng hạn một cầu thủ nào đó đã chạy như thế nào trên sân, số lượng các đường chuyền hay pha dứt điểm mà anh ta đã thực hiện trong suốt trận đấu. Tương lai của bóng đá có thể là viễn cảnh mà một cầu thủ được chọn và sẽ chơi theo một cách nào đó “vì những gì dữ liệu nói vậy”.
Người hâm mộ bóng đá sẽ không thoải mái với việc phải chờ xác nhận từ VAR trước khi được phép ăn mừng một bàn thắng.
Tất nhiên, nếu nhìn theo hướng tích cực, số hóa là một trong những lý do chính khiến bóng đá chuyển từ một trò chơi vốn chỉ để giải trí trở thành ngành kinh doanh giải trí có trị giá trên 1,5 nghìn tỷ USD trên phạm vi toàn cầu. Nếu cần một minh chứng khác, hãy nhìn vào thể thao điện tử. Nhờ số hóa, các “trò chơi điện tử” nay đã là ngành công nghiệp trị giá 400 triệu USD.
Nhưng những điều trên không ngăn cản được việc nhiều người cảm thấy công cuộc số hóa đã đi quá xa với VAR, thứ làm cho môn thể thao vua không còn sự tự nhiên. Có khoảng trống khó diễn tả khi người hâm mộ phải chờ đợi để được ăn mừng một bàn thắng cho đến khi họ nhận được sự xác nhận từ VAR. Nhiều môn thể thao, đặc biệt là bóng đá, có một nền di sản văn hóa phong phú và mang tính biểu tượng. Tất cả chúng được xem là đang bị đe dọa do sự phát triển của quá trình số hóa. Điều này sẽ không dừng lại, với Internet of Things, với thực tế ảo (Virtual Reality) và thực tế tăng cường (Augmented Reality) ngày càng được sử dụng nhiều trong các cơ sở đào tạo.
VAR có thể đưa ra được quyết định đúng (hoặc không) và kỹ thuật số có thể làm cho bóng đá hấp dẫn hơn khi cải thiện hiệu suất của người chơi và chiến thuật của người quản lý. Nhưng các “tiến bộ” như vậy cũng đe dọa cản trở sự phấn khích và tinh thần của môn thể thao vua. Nỗi sợ hãi vì sự tiến bộ không ngừng của công nghệ đang lan rộng, bởi bóng đá có thể mất đi “sự kỳ diệu”, thứ vốn làm cho nó trở nên đặc biệt.
Công nghệ VAR bắt việt vị thế nào:
Công nghệ VAR bắt việt vị như thế nào
(theo The Conversation)
Bảo Nam