Trang chủ Tin Tức Vaymuon và Finn – giới hạn của pháp luật và văn hoá...

Vaymuon và Finn – giới hạn của pháp luật và văn hoá kinh doanh

730
Trong những ngày gần đây, cộng đồng starup Việt Nam liên tục dậy sóng khi ông Nguyễn Hòa Bình, chủ tịch Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Công nghệ Tương lai (NextTech Group) đã cho đăng tải lên Facebook một bài viết cáo buộc startup Fiin vay mượn ý tưởng từ vaymuon.vn để khởi nghiệp.

Giữa bão dư luận, ông Trần Việt Vĩnh, Chủ tịch Fiin cho biết công ty cũng đã có công văn đề nghị Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) đứng ra làm cơ quan đánh giá Fiin có “sao chép” vaymuon.vn hay không.
Những lùm xùm giữa hai bên diễn ra chưa đi đến hồi kết. Tuy nhiên, đây không phải là trường hợp đầu tiên và duy nhất gây ra nhiều tranh cãi. Trên thực tế thực trạng này đã diễn ra từ rất lâu nhưng chưa có trường hợp nào bị xử lý nghiêm ngặt.
Sao chép ý tưởng hay sâu hơn?
Với các startup, ý tưởng là yếu tố cực kỳ quan trọng, khởi đầu cho hành trình khởi nghiệp. Nhưng ý tưởng đó khi áp dụng vào thực tế có khả thi hay không lại là yếu tố sống còn.
Việc sao chép mô hình kinh doanh của các công ty, startup trước đó đã thành công sẽ không mất quá nhiều thời gian cũng như hạn chế được những sai lầm để ứng dụng phù hợp với thị trường. Tuy nhiên, không vì thế mà những hành vi này được xem nhẹ.

Ngày 5/6, Fiin đã cho ra mắt ứng dụng giữa bão dư luận.

Trao đổi với Zing.vn, luật sư Phạm Duy Khương, Giám đốc SB LAW cho biết “theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam thì ý tưởng sẽ không được bảo hộ trừ khi nó đã được thể hiện dưới một dạng vật chất nhất định. Lúc này ý tưởng sẽ được bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, hoặc nếu đáp ứng các điều kiện bao hộ nhất định thì mới có thể được bảo hộ dưới dạng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, bí mật kinh doanh, tên thương mại……”.

Ông Khương cho biết theo những thông tin mà đại diện NextTech cung cấp thì đối tượng bị sao chép không còn là “ý tưởng” mà là hình thức vật chất thể hiện cho “ý tưởng” đó bao gồm code, giao diện, nội dung của ứng dụng vaymuon phiên bản Indonesia.
Điều này đồng nghĩa với việc nó hoàn toàn nằm trong đối tượng được bảo hộ quyền tác giả theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam.
Nếu những bằng chứng trên là đúng sự thật thì hành vi của Fiin được coi là “sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác” theo quy định tại Điều 28.6 của Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam.

Đại diện vaymuon.vn cho rằng các nhân viên cũ các nhân viên cũ khi ra đi đã mang theo ý tưởng sang starup mới.

Ngoài ra, cũng theo các thông tin do NextTech cung cấp thì có dấu hiệu cho thấy, bí mật kinh doanh của Nexttech có thể đã bị xâm phạm khi các nhân viên chủ chốt của vaymuon.vn sau khi nghỉ việc đã sang đầu quân cho Fiin – có thể coi là đối thủ cạnh tranh của vaymuon.vn.
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh vấn đề này chỉ được khẳng định khi  vaymuon.vn đáp ứng các điều kiện để được bảo hộ quyền đối với bí mật kinh doanh theo quy định tại Điều 84 của Luật sở hữu trí tuệ.
Trường hợp nào bị coi là xâm phạm bí mật kinh doanh?
Cũng theo ông Khương, hành vi của Fiin sẽ chỉ bị coi là xâm phạm bí mật kinh doanh khi vaymuon.vn chứng minh được các nhân viên cũ hoặc chính Fiin đã có hành vi xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh được quy định tại Điều 127 của Luật sở hữu trí tuệ.
Bao gồm các hành vi tiếp cận, thu thập thông tin thuộc bí mật kinh doanh chống lại các biện pháp bảo mật của người kiểm soát hợp pháp bí mật kinh doanh đó, sử dụng thông tin thuộc bí mật kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu, vi phạm hợp đồng bảo mật hoặc lừa gạt, xui khiến, mua chuộc, ép buộc, dụ dỗ, lợi dụng lòng tin của người có nghĩa vụ bảo mật nhằm tiếp cận, thu thập hoặc làm bộc lộ bí mật kinh doanh.
Ngoài ra là tiếp cận, thu thập thông tin thuộc bí mật kinh doanh của người nộp đơn theo thủ tục xin cấp phép kinh doanh hoặc lưu hành sản phẩm bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của cơ quan có thẩm quyền, sử dụng, tiết lộ bí mật kinh doanh dù đã biết hoặc có nghĩa vụ phải giữ bí mật kinh doanh và không thực hiện nghĩa vụ bảo mật dữ liệu thử nghiệm theo quy định tại Điều 128 của Luật sở hữu trí tuệ.
Sao chép bao nhiêu thì vi phạm?
Việc các ứng dụng trong giới công nghệ có nhiều nét tương đồng không phải là điều ít gặp. Tuy nhiên, giống như thế nào lại rất cần phải xem xét.
Hiện nay, mặc dù pháp luật không quy định cụ thể tỷ lệ sao chép đến bao nhiêu thì bị coi là sao chép trái phép, vấn đề này sẽ tùy thuộc vào từng vụ việc cụ thể.
Theo phía luật sư, để chứng minh rằng Fiin đã sao chép trái phép ứng dụng vaymuon.vn, thì NextTech phải chứng minh được ứng dụng của Fiin đã sử dụng, sao chép các nội dung, code, giao diện của vaymuon.

Fiin bị cáo buộc sao chép “y hệt” ứng dụng vaymuon.

Ông Khương chia sẻ “trong vụ việc này, vaymuon.vn đã đưa ra được tình tiết vô cùng đắt giá đó chính là Fiin đã làm ứng dụng tài chính “y hệt” (thậm chí là những chỗ sai chính tả) với phiên bản nước ngoài của vaymuon.vn để khởi nghiệp tại Việt Nam”.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là thông tin một chiều từ phía vaymuon.vn và họ cũng chưa đưa ra chứng cứ xác đáng nào để chứng minh cho điều đó. Trong một vụ tranh chấp như thế này thì việc ghi nhận các nội dung trên ứng dụng Fiin và vaymuon là bằng chứng xác đáng nhất để chứng minh sự sao chép lẫn nhau của hai ứng dụng này.
Nhân viên sau khi nghỉ việc phải bảo mật thông tin công ty cũ?
Theo các cáo buộc từ NextTech “sau khi thôi việc tại công ty vào đầu tháng 4/2018, T.L đã cùng một số nhân viên kỹ thuật của vaymuon.vn sang làm việc cho startup này (Fiin – PV) mang theo toàn bộ nội dung, ý tưởng, BA, thiết kế, nội dung (chưa nói đến code)”.
Hiện tại ở Việt Nam, không có luật nào “quy định cụ thể việc nhân viên sau khi nghỉ việc phải bảo mật thông tin công ty cũ”.
“Tuy nhiên, nếu thông tin công ty cũ đáp ứng điều kiện được bảo hộ bí mật kinh doanh, thì tất cả các đối tượng phải tôn trọng và có nghĩa vụ không được xâm phạm các bí mật kinh doanh này kể cả nhân viên công ty đã được tiếp cận, quản lý và sử dụng các thông tin này trong quá trình lao động tại công ty”, ông Khương cho biết thêm.

Bằng chứng do NextTech cung cấp về thỏa thuận giữ bí mật thông tin kinh doanh của công ty với nhân viên cũ.

Ngoài ra, Bộ luật lao động cũng đã có các quy định liên quan đến vụ việc, chẳng hạn như nghĩa vụ cung cấp thông tin của Người sử dụng lao động cho người lao động trước khi ký kết Hợp đồng lao động được quy định tại Điều 19.1 của Bộ luật lao động, theo đó người sử dụng lao động phải cung cấp các thông tin về bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ khi người lao động yêu cầu.
Hoặc là quy định tại Điều 23.2 của Bộ luật lao động “Khi người lao động làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ theo quy định của pháp luật, thì người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận bằng văn bản với người lao động về nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, quyền lợi và việc bồi thường trong trường hợp người lao động vi phạm”.
Trong trường hợp này, nếu những bằng chứng được cung cấp bởi NextTech là chính xác thì các nhân viên cũ của công ty đã ký thỏa thuận bảo mật và có nghĩa vụ phải tuân thủ các điều khoản trong văn bản này.
Có thể xử lý hình sự?
Trao đổi với Zing.vn, luật sư Phạm Duy Khương cho biết vụ việc này có thể sẽ được khởi tố hình sự nếu như xác định được những xâm phạm bản quyền cụ thể theo Điều 225 của Bộ luật hình sự 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Tuy nhiên, việc xác định giá trị thiệt hại sẽ là một thử thách lớn. Trong quá trình giải quyết vụ việc, các cơ quan chức năng phải loại trừ được trường hợp vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì lúc đấy mới có thể giải quyết như một vụ tranh chấp dân sự một cách hợp pháp. Còn nếu đây là vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì lúc ấy, các cơ quan chức năng phải xử lý nó theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
Vụ việc xảy ra giữa Nexttech và Fiin là sự tranh chấp phức tạp nhưng đây lại là một hiện tượng nhức nhối không chỉ riêng trong ngành IT mà trong bất kể ngành nào.
Nhân viên cũ khi ra đi không chỉ mang theo đội ngũ, kỹ thuật mà công ty cũ đã đầu tư nhiều công sức mà còn nhiều khi tìm cách khai thác những khách hàng của công ty cũ mà mình có cơ hội tiếp xúc trước đó. Và đây là một biểu hiện của văn hoá kinh doanh không văn minh.

VietBao.vn