Thị trường truyền hình OTT đang chứng kiến cuộc chạy đua của hàng loạt ông lớn như VTV, VTC, FPT… |
Cơn sốt mang tên truyền hình OTT
Theo thống kê năm 2017 được Value Penguin đưa ra dựa trên số lượng download, thị trường OTT của streaming video đang gần như nằm trong tay YouTube.
Với 13 quốc gia được khảo sát, YouTube chỉ chịu thua thị trường Trung Quốc do vướng mắc chính sách của quốc gia này và đứng thứ 2 ở Nhật Bản. Ở Ấn Độ, Indonesia, Singapore, Malaysia, Đài Loan, Hongkong, Philippines, Australia, Hàn Quốc hay ngay tại Việt Nam, YouTube vẫn chiếm ngôi đầu.
Tuy nhiên trong thực tế, tại thời điểm hiện nay, cũng rất dễ nhận thấy là ở ngay phía sau, các ứng dụng bản địa vẫn chiếm chỗ đứng không nhỏ. Ở Việt Nam, sau YouTube có thể kể đến Zing, FPT Play, VTVCab On, VTVGo hay V Live. Trong số đó, 4/5 là các ứng dụng có cung cấp dịch vụ truyền hình OTT.
V Live – một ứng dụng của “ông lớn” Hàn Quốc Naver mới ra mắt ở Việt Nam năm 2016 nhưng với nội dung tập trung cho K-biz, đã nhanh chóng leo lên top 5 các ứng dụng truyền hình OTT nhiều người tải nhất.
Thời điểm gần nhất, tháng 4/2018, ứng dụng mạng xã hội từ Trung Quốc mang tên Kwai bắt đầu tiến vào thị trường Việt Nam. Với tham vọng tấn công thị trường Việt, Kwai chú trọng thị trường truyền hình OTT do có được sự thuận lợi rất lớn từ nội dung các phim truyền hình, gameshow truyền hình Trung Quốc – một mảng được ưa thích ở Việt Nam.
Các “ông lớn” truyền hình không thể ngồi yên
Thực tế, khi đi vào thị trường truyền hình OTT, nội dung là thứ quyết định để hút người xem. Khi quy mô mở rộng, vấn đề bản quyền được đặt ra rốt ráo, lợi thế sẽ thuộc về các đơn vị có nền tàng truyền hình lâu nay.
Là ứng dụng ra đời sớm, VTV Go xác định hướng phát triển bằng nhiều nội dung độc quyền như thể thao, giải trí, phim ảnh. Ước tính VTV Go đạt 6 triệu lượt cài đặt, gần 9 triệu lượt xem trên web.
Ông Phạm Anh Chiến, Giám đốc VTV Digital (đơn vị phát triển sản phẩm VTVGo) từng khẳng định chiến lược dài hơi của VTV là truyền hình OTT để giữ chân khán giả.
Ngoài VTV, một “ông lớn” truyền hình khác có thể kể đến là Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC. Sau khi chính thức về một nhà với Đài Tiếng nói Việt Nam, lĩnh vực nội dung số được VTC đặc biệt quan tâm, nhất là trên nền tảng mạng xã hội.
VTC là Đài Truyền hình đầu tư nội dung trên YouTube hiệu quả với chùm các kênh được quy hoạch và phát triển khá bài bản. Kênh VTC1 hiện sở hữu gần 1,3 triệu thuê bao và gần 2 tỷ lượt theo dõi. VTC1 lọt vào Top 10 các kênh YouTube chất lượng tại thị trường Việt Nam theo đánh giá của Social Blade.
Tuy nhiên, một điều khá mâu thuẫn là thời gian gần đây, đài truyền hình này dường như không còn mặn mà với YouTube. Một động thái gần nhất là việc VTC không tham gia sự kiện tôn vinh các nhà sáng tạo nội dung đoạt nút vàng danh giá của YouTube tại TP.HCM hồi đầu năm 2018.
VTC không đưa ra lí giải cho sự vắng mặt “kỳ lạ” này nhưng nhiều thông tin tin cậy cho thấy, nhà đài”này đang chuyển sang hướng tự phát triển hệ thống phân phối nội dung riêng có tên gọi VTC Now.
Dù chưa ra mắt chính thức nhưng VTC Now đã cho thấy tiềm năng khi nhìn vào những đối tác hợp tác phát triển là Accedo (Mỹ), Akamai (Mỹ), Brighcove (Mỹ) – những tên tuổi phát triển OTT hàng đầu thế giới.
Thậm chí, phiên bản thử nghiệm của VTC Now còn được các công ty Mỹ giới thiệu tại OTT Summit thế giới tháng 3 vừa qua như một ví dụ cho xu hướng phát triển đa phương tiện tại các quốc gia châu Á.
Khi nhiều người dùng Việt Nam đang lần lượt rời bỏ truyền hình truyền thống để chuyển hướng sang OTT, biết đâu, với đà hiện tại ngôi vị độc tôn của YouTube có thể bị lung lay?
Nguyên Đức