Trang chủ Tin Tức Video các robot đối kháng cực gây cấn tại cuộc thi Robotacon –...

Video các robot đối kháng cực gây cấn tại cuộc thi Robotacon – WRO 2018

702
Video một số màn đấu Sumo đầy gây cấn của robot giữa các đội ở vòng chung kết.
Ngày 18/8, vòng chung kết cuộc thi Robot Robotacon – WRO 2018 đầy sôi động với những khoảnh đầy cảm xúc đã diễn ra ở TP.HCM. Đây là cuộc thi về STEM Robotics dành cho lứa tuổi 8 – 20 tuổi có quy mô lớn nhất hiện nay, nhằm mục đích khuyến khích các học sinh học hỏi STEM qua Robotics, tạo sân chơi khoa học kỹ thuật cho các em học sinh và tìm ra các đội xuất sắc nhất đại diện Việt Nam tham gia cuộc thi World Robot Olympiad 2018 trên trường quốc tế.
Đặc biệt ở bảng thi B5 là Sumo (hai robot đối kháng nhau), có nhiều tình huống rất gây cấn đã xảy ra, như trường hợp robot của đội Việt Robot B5-01 bị rơi bánh xe khi bị robot đối phương kẹp cứng nhưng sau đó vẫn mạnh mẽ đẩy đối phương rơi khỏi sàn đấu. Hình ảnh một thành viên nhỏ tuổi của đội Việt Robot B5-01 chắp tay trước mặt và tỏ ra căng thẳng cho thấy tinh thần thi đấu của các em kiên cường không khác gì các đàn anh tại cuộc thi Robocon nổi tiếng.
Đây là lần thứ 6 cuộc thi được tổ chức tại Việt Nam và cũng là kỳ thi có số lượng đội thi và số thí sinh dự thi đông nhất từ trước đến nay.
Ngoài các nam thí sinh, còn có không ít các nữ sinh cũng đam mê khoa học – công nghệ và lập trình robot.
Robot Robotacon – WRO 2018 do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP.HCM phối hợp với hãng LEGO Education và Samsung Vina tổ chức trong hai ngày 18 và 19/8.
Ông Lê Duy Tân – Trưởng phòng Trung học (Sở GD&ĐT TP.HCM) cho biết, cuộc thi năm nay đã thu hút hơn 1.500 thí sinh của hơn 500 trường tiểu học và trung học trên cả nước đăng ký ở vòng thi cấp cơ sở. Sau đó, ban tổ chức đã chọn ra được 283 đội thi xuất sắc với 770 thí sinh (tăng 50% so với năm 2017) đến từ hơn 100 trường tiểu học, THCS, THPT và đại học để thi vòng chung kết, trong đó có 85 đội thi đến từ Hà Nội, Nghệ An và Đà Nẵng.
Đặc biệt, theo ông Tân, điểm khác lạ của cuộc thi Robot Robotacon – WRO 2018 là có thêm bảng mở rộng và luật thi đấu bất ngờ trong mỗi ngày diễn ra. “Điều lệ nội quy và luật thi đấu khó hơn mọi năm, có luật thi đấu bất ngờ trong mỗi ngày. Nhưng ở tất cả các bảng, đặc biệt là bảng mở rộng, dự án của các đội thi rất sáng tạo. Các em tự tin chia sẻ dự án bằng tiếng Anh, khả năng giải quyết tình huống tốt”, ông Tân đánh giá.
Mô hình máy gặt lúa được mô phỏng và hoạt động như thật của một đội thuộc bảng mở rộng đến từ TP.HCM.
Các thí sinh của bảng thường và bảng mở rộng đã trải qua hai ngày thi (18 và 19/8) với những vòng thi khác nhau. Kết quả, ban tổ chức đã trao các giải vô địch, vàng, bạc, đồng theo từng bảng thi đấu. Các đội tham dự đạt giải vô địch sẽ đại diện Việt Nam tham dự cuộc thi WRO 2018 tại Thái Lan vào tháng 11 tới đây.
Trước đó, vào các năm 2016 và 2017, các đội thi đại diện Việt Nam tham gia kỳ thi quốc tế như WRO hay First Lego League đều đạt thứ hạng cao – top 10 chung cuộc.
Hai robot do các học sinh tiểu học lắp ráp, lập trình đang thi ở bảng B5 là đối kháng (Sumo) với mục tiêu đẩy đối phương rơi khỏi sàn đấu.
Một em học sinh tiểu học đang tỏ ra căng thẳng khi robot tham gia phần thi Sumo. Kết quả, robot của đội này là Việt Robot B5-01 đã giành chiến thắng bảng B5, hạng mục tiểu học.
Áp dụng mô hình cuộc thi WRO quốc tế, cuộc thi Robot Robotacon – WRO 2018 tại Việt Nam có chung chủ đề và luật chơi với cuộc thi quốc tế. Với chủ đề “vấn nạn về lương thực”, các thí sinh phải vận dụng kiến thức liên môn STEM (khoa học, kỹ thuật, công nghệ, toán học) đã học cùng với kỹ năng thiết kế robot và lập trình để việc tìm ra giải pháp thiết thực, giải quyết những đề bài đưa ra cho từng bảng thi, cụ thể:
– Bảng thường (B1, B2, B3) với các chủ đề lần lượt là tiết kiệm thức ăn, canh tác chuẩn xác và vận chuyển thức ăn.
– Bảng mở (B4) trang trí gian hàng và trình bày ý tưởng của mình bằng tiếng Việt và tiếng Anh cũng như thuyết minh về tính hiệu quả và khả thi của robot mà đội sáng tạo ra.
– Bảng Sumo (B5) thi đấu robot đối kháng tính điểm 2 lượt là vòng bảng và vòng chung kết.
– Bảng Bóng đá (B6) mô phỏng trò chơi bóng đá của con người, mỗi đội có 2 robot tự động đuổi theo một quả bóng phát tia hồng ngoại, đội nào ghi nhiều bàn thắng hơn trong thời gian quy định là đội chiến thắng.
Robot tham gia phần thi sa bàn, cùng bảng với phần thi bóng đá robot.
Khi đã vào sân, các robot sẽ phải tự động di chuyển, nhận diện, thực hiện các tác vụ do học sinh lập trình sẵn.
Theo Ngọc Phạm (Dân Việt)