Trang chủ Tin Tức “Việt Nam cần chiến lược kêu gọi nhân tài về nước mạnh...

“Việt Nam cần chiến lược kêu gọi nhân tài về nước mạnh mẽ hơn”

777
Sáng 23/8, nằm trong Chương trình kết nối Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2018, gần 100 chuyên gia công nghệ người Việt trên khắp thế giới đã tới thăm khu Công nghệ cao (CNC) TP.HCM ở phường Phú Hiệp, quận 9.
Các chuyên gia người Việt tham quan nhà máy khu công nghệ cao:

TS Hoàng Thế Bân hiện là Giám đốc trung tâm đào tạo và chuyển giao công nghệ Việt-Nhật. Ông vốn xuất thân là giảng viên đại học, năm 1993 giành được học bổng đi du học Nhật Bản.
Năm 2016, sau 23 năm học tập và làm việc ở nhật Bản, ông trở về Việt Nam theo lời mời từ khu công nghệ cao TP.HCM. Hiện ông Bân đang hỗ trợ cho khu công nghệ cao TP trên nhiều hoạt động về lĩnh vực về nghiên cứu phát triển, đào tạo nhân lực…
TS Bân nói rằng mấy ngày qua, từ thông tin báo chí, ông thấy hoạt động của đoàn nhà khoa học trẻ về Việt Nam được truyền bá rộng rãi, nhưng hình như chỉ tập trung vào mục đích giúp Việt Nam phát triển công nghiệp 4.0.
Với trải nghiệm cá nhân, TS Bân khẳng định lại ở Việt Nam không chỉ có Cách mạng công nghiệp 4.0 là những công việc trong tương lai, mà còn có rất nhiều việc cần phải làm.

TS Hoàng Thế Bân

“Tất cả các bạn có kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài khi trở về Việt Nam chắc chắn sẽ có rất nhiều việc để giúp cho đất nước phát triển. Chẳng hạn, các bạn có thể giúp đỡ cho những bạn trẻ khởi nghiệp, hay giúp cho doanh nghiệp Việt biết được công nghệ nước ngoài, và đặc biệt làm sao chuyển giao công nghệ từ nước ngoài về Việt Nam” – TS Bân nhận định.
Cũng theo vị Giám đốc Trung tâm đào tạo và chuyển giao công nghệ Việt Nhật, trong tương lai, các bạn trẻ nếu có điều kiện trở về nước sẽ không phải lo là không có việc làm, mà cái chính là làm như thế nào cho có hiệu quả.
T.S. Hoàng Thế Bân nói có 2 lời nhắn nhủ đến các nhà quản lý về khoa học công nghệ (KHCN) và các nhà khoa học trẻ.
Với nhà lãnh đạo quản lý KHCN, chúng ta cần nhìn lại các nước. Chẳng hạn như Nhật Bản của những năm 1950, từ đống đổ nát của chiến tranh, họ có những chính sách kêu gọi nhân tài từ nước ngoài về nước.
Hàn Quốc năm 1970 có những tuyên truyền rộng rãi kêu gọi nhân tài về nước, giúp đất nước phát triển và họ có nhận thức rất rõ mục tiêu “phát triển bằng Nhật Bản”. Gần đây nhất là vào năm 1990, Trung Quốc có những chiến lược quốc gia kêu gọi nhân tài trở về làm việc.
“Tại sao những năm 2000 Việt Nam không thể làm như Nhật bản, Hàn Quốc, Trung Quốc?” – TS Bân đặt câu hỏi và chia sẻ rằng sau khi tìm hiểu các chiến lược kêu gọi nhân tài của các nước, ông nhận thấy Việt Nam tuy đã có những khởi động bước đầu đáng khích lệ nhưng vẫn chưa đủ, cần phải làm mạnh hơn, liên tục và phải có chiến lược rõ ràng.

Các nhà khoa học trẻ sẽ giúp Việt Nam phát triển KHCN 

“Trong 10 năm tới, Việt Nam cần phát triển lĩnh vực nào, con người như thế nào, chúng ta cần đầu tư xây dựng chiến lược phát triển cụ thể và dựa vào đó mới kêu gọi đúng người đúng việc về giúp cho đất nước phát triển” – TS Bân nêu ví dụ.
Với các nhà khoa học trẻ, trong thời đại ngày nay, TS Bân nói khoảng cách địa lý không còn là vấn đề. Các bạn có thể giúp Việt Nam từ xa, hoặc nếu như về nước sẽ có nhiều điều kiện giúp Việt Nam hơn nữa. Vấn đề ở chỗ, các nhà khoa học trẻ cần có kế hoạch, định hướng rõ ràng trong tương lai nếu như thực sự muốn hỗ trợ cho Việt Nam phát triển về KHCN.
“Hi vọng trong tương lai, các bạn trẻ sẽ có cơ hội trở về để kết nối, phát triển đất nước” – TS Nguyễn Hoàng Bân kỳ vọng.
Nhà khoa học trẻ Việt Nam có sức mạnh rất lớn
Thứ trưởng Bộ KHCN Bùi Thế Duy cho hay, qua mấy ngày đi thăm 2 khu công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc và ở TP.HCM, chúng ta thấy còn rất nhiều cơ hội cho các bạn trẻ trở về nước làm việc.
Theo ông Duy, mỗi một nước có một chính sách thu hút nhân tài riêng. Ông đặc biệt quan tâm tới thu hút nhân tài của Isarel. Năm 1990, khi Liên Xô sụp đổ, Israel đã kêu gọi các nhà khoa học gốc Do Thái về nước. Tuy nhiên, họ không đặt vấn đề đưa các nhà khoa học về để làm cơ quan nhà nước, hay giảng dạy trong các trường đại học.

Thứ trưởng Bộ KHCN Bùi Thế Duy

“Israel tạo các khu CNC, vườn ươm doanh nghiệp CNC, để các nhà khoa học về nước lập công ty kiếm ra tiền, đó là nền tảng vững chắc. Họ dựa trên các nhà khoa học được đào tạo bài bản ở Liên Xô và nghiên cứu ra nhiều công nghệ” – ông Duy nói và cho biết, hiện nay Việt Nam cũng đang làm tương tự.
Theo Thứ trưởng Bộ KHCN, tuổi trung bình để khởi nghiệp startup là 40, còn ở Việt Nam mọi người đang lầm tưởng người khởi nghiệp là sinh viên. Thực tế ở các nước không có sinh viên là startup, nếu có thì rất hiếm. Startup ít nhất là tiến sĩ về KHCN, hoặc người đi làm có kinh nghiệm, “phải làm quân rồi mới làm tướng được”.
Ông Duy mong muốn trong 100 chuyên gia công nghệ người Việt về nước lần này và nhiều người khác đang công tác ở nước ngoài sẽ mạnh dạn về làm Startup ở vườn ươm khu CNC. Nhà nước sẽ tạo mọi điều kiện cho các nhà khoa học trẻ làm giàu bằng năng lực, chất xám trên đất nước mình.

Chuyên gia công nghệ người Việt có mặt trên khắp thế giới

Ông Susizama – Giám đốc khoa học của trung tâm nghiên cứu và phát triển khu công nghệ cao TP.HCM cho biết ông nhìn thấy sức mạnh rất lớn ở các nhà khoa học trẻ của Việt Nam. Ông tin tưởng các nhà khoa học trẻ sẽ giúp cho Việt Nam phát triển nhanh về KHCN, cạnh tranh với các nước.
Vị Giám đốc người Nhật nói nguyện vọng của mình là trong tương lai, các nhà khoa học trẻ sẽ trở về Việt Nam, đóng góp công sức, kinh nghiệm của mình để phát triển những nghiên cứu KHCN ở Việt Nam.
Với những người chưa trở về được, cũng có thể cố gắng tập trung nghiên cứu trên lĩnh vực công tác, thông qua đó tạo cầu nối liên kết nhóm giữa các nhà khoa học trong nước và nhà khoa học quốc tế để giúp KHCN của Việt Nam phát triển.

Tọa lạc tại cửa ngõ Đông Bắc của TP.HCM, Khu Công nghệ cao (SHTP) được thành lập ngày 24/10/2002, và là một trong ba Khu Công nghệ cao quốc gia do Chính phủ thành lập.Sau gần 15 năm thành lập và phát triển, SHTP đã trở thành điểm đến đáng tin cậy về đầu tư công nghệ cao tại TP.HCM cũng như Việt Nam, tập trung vào 4 lĩnh vực: Vi điện tử – Công nghệ thông tin – Viễn thông; Cơ khí chính xác – Tự động hóa; Công nghệ sinh học áp dụng trong dược phẩm và môi trường; Năng lượng mới – Vật liệu mới – Công nghệ Nano.Hiện tại đây đã có nhiều công ty trong và ngoài nước hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao đầu từ xây dựng nhà máy, trong đó đáng kể nhất là Nidec của Nhật Bản đầu tư 1 tỷ USD sản xuất các thiết bị đầu đọc quang, các thiết bị nghe nhìn; hãng Intel của Hoa Kỳ cũng đã được cấp phép đầu tư 1 tỷ USD năm 2006 để sản xuất và lắp ráp chip máy điện toán.Bên cạnh đó tập đoàn Air Liquide của Pháp, nhà cung cấp hàng đầu trong lĩnh vực khí công nghiệp, y tế và môi trường cũng có mặt nhằm sản xuất và cung cấp khí tinh khiết với độ tin cậy cao phục vụ cho thị trường khí công nghiệp và khí y tế miền Nam Việt Nam.

V.Đức – N.Sỹ – V.Châu