Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện có khoảng hơn 360 mạng xã hội của tổ chức, doanh nghiệp trong nước được cấp giấy phép hoạt động và đang hoạt động. Tuy nhiên, những nền tảng có số người dùng đông đảo nhất lại thuộc về dịch vụ nước ngoài như Facebook, YouTube, Google+…
Đại diện Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông đánh giá, hầu hết các nhà cung cấp mạng xã hội của Việt Nam đang hoạt động theo dạng diễn đàn, trong khi các nền tảng nước ngoài nổi trội hơn hẳn nhờ cấu trúc mạng xã hội phong phú, giao diện thu hút, khả năng tương tác và liên kết cộng đồng cao. Hầu hết đây là các tập đoàn toàn cầu nên có khả năng nội địa hóa cao khi cung cấp dịch vụ tới các thị trường khác nhau, phá vỡ những ngăn cách về địa lý, ngôn ngữ, quốc gia.
Đồng quan điểm, một số chuyên gia Internet cũng nhận định các mạng xã hội Việt Nam tuy nhiều nhưng kém bản sắc, thiếu sáng tạo. Không ít dịch vụ được xây dựng từ sự bắt chước giao diện, tính năng của Facebook.
Ngoài ra, tương tự Yahoo 360 trước đây, việc thay đổi thói quen sử dụng của người dùng Internet rất khó. Họ đã quen thiết lập mối quan hệ, cập nhật và chia sẻ thông tin, mua sắm trên Facebook, xem video trên YouTube, đăng ảnh trên Instagram… nên lôi kéo họ sang một nền tảng nội địa không hề dễ dàng.
Theo báo cáo tháng 4/2018 của tổ chức We are Social, số người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam rất cao, đứng thứ 7 thế giới với 58 triệu người, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. TP HCM cũng đứng thứ sáu trong những thành phố đông người dùng Facebook nhất với 14 triệu thành viên.
Thời lượng sử dụng Internet và mạng xã hội trong một ngày của người Việt Nam tương ứng 7 giờ và 2,5 giờ, khá cao so với khu vực và thế giới. Facebook và YouTube là những trang được sử dụng nhiều nhất với tỷ lệ 61% và 59%.
Trong cuộc toạ đàm “xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội vì một môi trường mạng lành mạnh tại Việt Nam” ngày 18/4, đại diện Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh, các thông tin trên mạng xã hội ngày càng đa dạng, tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội. Bên cạnh các tác động tích cực, mạng xã hội cũng là nơi giúp cho việc lan truyền các thông tin xấu, độc trở nên dễ dàng hơn.
Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn cho rằng cần có bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, giống như xây dựng khế ước của người dùng để thoả thuận và thống nhất với nhau những nguyên tắc chung. “Mục đích xây dựng bộ quy tắc này không phải để hạn chế người sử dụng mà là để phát triển, mở rộng mạng xã hội. Nhưng hoạt động trên mạng xã hội phải văn hoá, nhân văn và đạo đức, lấy tích cực để đẩy lùi tiêu cực”, ông Tuấn nói.
Châu An