Chiều nay (16/5), Cơ Quan Thương mại và Đầu tư Chính phủ Australia (Austrade), hợp tác với Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam, đồng tổ chức Hội thảo Hợp tác Đào tạo Ngành Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt Nam – Australia 2018 nhằm giới thiệu năng lực của Australia trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm cho biết, hiện Việt Nam có 250 trường đại học và cao đẳng, 164 trường dạy nghề có đào tạo về CNTT-TT với số chỉ tiêu tuyển sinh đại học khoảng 68.000 và dạy nghề là 18.000 học viên. Ngoài ra còn hàng trăm cơ sở đào tạo và sát hạch chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Phan Tâm thẳng thắn thừa nhận rằng, số lượng đào tạo và chất lượng đào tạo rất cần được cải thiện nhanh chóng để đáp ứng ứng đòi hỏi của thực tiễn phát triển, nhất là khi Việt Nam đang đặt ra mục tiêu chuyển đổi số, bắt kịp cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam hiện thiếu hụt khoảng 80.000 nhân lực cho gia công phần mềm, nhân lực trong lĩnh vực Blockchain cũng hết sức nóng bỏng trong năm 2018. Trong đó, TP.HCM và Hà Nội là nơi có nhu cầu nhân lực CNTT lớn, đòi hỏi người có kinh nghiệm rất cao, các doanh nghiệp ICT vừa và nhỏ tìm kiếm nhân lực cho doanh nghiệp mình rất khó khăn. Rất nhiều sinh viên giỏi ra trường chọn các doanh nghiệp lớn của nước ngoài.
Để cải thiện chất lượng nguồn nhân lực CNTT đáp ứng nhu cầu cho cách mạng công nghiệp 4.0, hiện các cơ quan liên quan của Việt Nam đang tích cực nghiên cứu, tìm kiếm giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo chuyên sâu về CNTT-TT để thế hệ lao động mới có tri thức và kỹ năng thích ứng với thay đổi trong kỷ nguyên kinh tế số.
Chính vì vậy, tại Hội thảo này, các chuyên gia đã cùng “mổ xẻ” những thách thức to lớn và cấp bách của Việt Nam trong công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ngành CNTT-TT trước ảnh hưởng của Cách mạng công nghiệp 4.0, cũng như những kinh nghiệm được các chuyên gia đến từ Australia chia sẻ về công tác đào tạo nguồn nhân lực CNTT-TT, các giải pháp sáng tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…
Australia vốn được biết đến với chất lượng giáo dục và đào tạo, năng lực nghiên cứu cao, nền kinh tế ‘số’ tiên tiến, và cam kết mạnh mẽ về đổi mới sáng tạo thông qua Chương Trình Đổi mới Sáng tạo và Khoa học Quốc gia. Số lượng sinh viên Việt Nam sang Australia học tập, nghiên cứu đang ngày càng tăng, hiện đạt gần 30.000 sinh viên, cùng với mạng lưới rộng lớn khoảng 60.000 cựu sinh viên Việt Nam học tại Australia là nguồn nhân lực chất lượng cao, đã đang và sẽ giữ vai trò quan trọng cho việc cải thiện chất lượng phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.
Với sự “xâm nhập” sâu rộng của kỹ thuật số trong mọi lĩnh vực ở Việt Nam, ngành công nghệ thông tin (IT) trở thành ngành phát triển rất nhanh chóng, đặc biệt trong các lĩnh vực như phát triển phần cứng, phần mềm, thương mại điện tử và dịch vụ công nghệ thông tin. Do đó, Việt Nam rất cần nguồn nhân lực CNTT-TT chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu trong thời đại chuyển đổi số.
Theo dự đoán, Việt Nam sẽ cần có khoảng 400.000 nhân lực trong ngành IT trong khoảng từ năm 2016-2020. Là một phần của Chương trình Chiến lược Phát triển Khoa học và Công nghệ 2011-2020, Chính phủ Việt Nam đang chú trọng tăng số lượng kỹ sư có tay nghề, tổ chức nghiên cứu, vườn ươm khởi nghiệp về công nghệ cao, và các doanh nghiệp công nghệ cao để hỗ trợ phát triển ngành IT.
Tuệ Minh .
VietBao.vn