Trang chủ Tin Tức Vinh danh 73 sản phẩm, dịch vụ CNTT xuất sắc đạt Danh...

Vinh danh 73 sản phẩm, dịch vụ CNTT xuất sắc đạt Danh hiệu Sao Khuê 2018

821
Danh hiệu Sao Khuê năm nay vừa được trao cho 73 sản phẩm, dịch vụ và giải pháp phần mềm, CNTT xuất sắc của Việt Nam năm 2018.

15 năm, doanh thu phần mềm, dịch vụ CNTT Việt tăng gấp 1000 lần

Lễ kỷ niệm 15 năm Danh hiệu Sao Khuê, Công bố và trao Danh hiệu Sao Khuê 2018 cho 73 sản phẩm, dịch vụ và giải pháp phần mềm, CNTT xuất sắc của Việt Nam năm 2018 được Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức sáng nay, ngày 21/4 tại Hà Nội.
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng nhấn mạnh, Bộ TT&TT đánh giá cao vai trò và đóng góp của VINASA và cộng đồng doanh nghiệp CNTT cả nước cho sự phát triển của ngành CNTT trong thời gian vừa qua. Qua 15 năm tổ chức, Sao Khuê đã có bước phát triển cả về lượng và chất, thu hút sự tham gia ngày càng đông đảo của cộng đồng doanh nghiệp CNTT cả nước. Sản phẩm, dịch vụ CNTT ngày càng đa dạng, phong phú, bắt kịp sự phát triển chung của thế giới.
“Tôi đánh giá cao sáng kiến của VINASA trong việc bổ sung hạng mục sản phẩm, giải pháp và dịch vụ CNTT tiêu biểu trong xu hướng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong chương trình Danh hiệu Sao Khuê năm nay, góp phần thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam. Có thể nói, Danh hiệu Sao Khuê đã thực sự tạo ra một sân chơi bổ ích cho cộng đồng doanh nghiệp CNTT Việt Nam, đồng thời góp phần quan trọng vào xây dựng thương hiệu, uy tín của các sản phẩm, dịch vụ CNTT Việt Nam, giới thiệu tới thị trường khu vực và quốc tế”, Thứ trưởng nói.

Thứ trường Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng đánh giá cao sáng kiến của VINASA trong việc bổ sung hạng mục sản phẩm, giải pháp và dịch vụ CNTT tiêu biểu trong xu hướng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong chương trình Danh hiệu Sao Khuê 2018.

Thay mặt Bộ TT&TT, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng cũng kêu gọi cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp CNTT cả nước tiếp tục tăng cường năng lực nghiên cứu, phát triển, đổi mới sáng tạo, chú trọng nâng cao năng lực của đội ngũ nhân lực theo chuẩn quốc tế để CNTT-TT Việt Nam ngày càng có nhiều sản phẩm, dịch vụ ngang tầm khu vực và thế giới.
Theo VINASA, chương trình Sao Khuê được VINASA được tổ chức lần đầu vào năm 2003 khi ngành CNTT còn rất non trẻ, doanh thu chỉ xấp xỉ 62 triệu USD với khoảng 5000 kỹ sư. Đến nay ngành phần mềm và dịch vụ đã có doanh thu trên 8,8 tỉ USD và hơn 200.000 kỹ sư đang làm việc. Tăng trưởng doanh thu đã gấp hơn 1000 lần, doanh thu xuất khẩu phần mềm và dịch vụ năm 2016 đạt 3,052 tỉ USD. Các sản phẩm, giải pháp phần mềm, CNTT đã được ứng dụng rộng rãi trong tất cả các cơ quan, ngành kinh tế, góp phần vào sự phát triển, làm thay đổi lối sống, cách làm việc của từng con người và toàn xã hội.
Trải qua 15 năm, giải thưởng và danh hiệu Sao Khuê đã đồng hành cùng sự lớn mạnh của VINASA, sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp và của ngành phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam. Chương trình Sao khuê đã liên tục đổi mới phù hợp với nhu cầu của thị trường và trở thành biểu tượng uy tín của ngành phần mềm và dịch vụ CNTT của Việt Nam, là công cụ hỗ trợ đắc lực cho các doanh nghiệp trong các hoạt động quảng bá, tiếp thị, xây dựng thương hiệu, đồng thời giúp định hướng người sử dụng trong lựa chọn các sản phẩm phần mềm, dịch vụ CNTT phù hợp nhất.

Doanh nghiệp Sao Khuê 2018 chuyển mạnh theo xu hướng cách mạng 4.0

Năm 2018, chương trình Danh hiệu Sao Khuê đã nhận được 103 đề cử từ 80 tổ chức, doanh nghiệp trên toàn quốc. Qua vòng sơ tuyển có 92 đề cử được chọn lựa, Hội đồng sơ tuyển đã thành lập 14 đoàn thẩm định thực tế với thành viên là đại diện các Bộ, ngành, các chuyên gia, các cơ quan báo chí. Trên cơ sở kết quả thẩm định thực tế, ngày 2/4/2018, Hội đồng Chung tuyển toàn quốc đã họp xem xét và quyết định công nhận Danh hiệu Sao Khuê 2018 cho 51 sản phẩm phần mềm và 22 dịch vụ CNTT tiêu biểu nhất. Hội đồng cũng đánh giá và lựa chọn ra Top 10 Sao Khuê 2018.
10 sản phẩm, giải pháp CNTT xuất sắc nhất thuộc về Ngân hàng BIDV, FPT Software, Công ty ISOFH, Công ty ITSOL, Công ty cổ phần tập đoàn TIMA, Trung tâm nghiên cứu công nghệ mạng Viettel, Tổng Công ty Mạng lưới Viettel, Công ty CNTT VNPT, Trung tâm CNTT Tập đoàn Viettel, Công ty Viễn thông số VTC.
63 sản phẩm, dịch vụ CNTT xuất sắc khác được vinh danh theo 4 nhóm sản phẩm, dịch vụ, bao gồm: 25 sản phẩm giải pháp phần mềm thương mại tiêu biểu của Việt Nam; 6 sản phẩm, phần mềm ứng dụng công nghệ mới trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0; 10 sản phẩm, dịch vụ phần mềm mới 2017-2018 của Việt Nam; và 22 dịch vụ CNTT.

Công ty CNTT VNPT thuộc Tập đoàn VNPT là một trong những doanh nghiệp có sản phẩm lọt vào Top 10 danh hiệu Sao Khuê 2018.

Với thông điệp ưu tiên những sản phẩm, giải pháp và dịch vụ CNTT nghiên cứu, ứng dụng và triển khai những xu hướng công nghệ mới như: Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), Dữ liệu lớn (Big Data), tự động hóa quy trình robot (Robotic Process Automation – RPA), Chuỗi khối (Blockchain), Thực tế ảo (VR), Thực tế tăng cường (AR) công nghệ in 3D…, Sao Khuê 2018 đã ghi nhận sự đầu tư nghiên cứu, phát triển và những sáng tạo vượt trội, 4/10 sản phẩm, giải pháp Top 10 Danh hiệu Sao Khuê 2018 đi theo xu hướng này.
Cụ thể, FPT Software cung cấp dịch vụ chuyển đổi số với công nghệ AI, Robotics, IoT… cho thị trường quốc tế với doanh thu 56 triệu USD, qua đó ghi danh Việt Nam trên bản đồ thế giới về CMCN 4.0. Sàn kết nối tài chính TIMA sử dụng công nghệ Blockchain, Big Data, AI giúp xử lý giao dịch lên đến 1 tỷ USD năm 2017. Dịch vụ giải pháp về banking của công ty ITSOL ứng dụng công nghệ mới nhất bao gồm blockchain trên nền tảng kiến trúc microservices giúp tối ưu hóa hệ thống ibanking cho các ngân hàng.

Còn với “Trợ lý ảo thông minh” của Trung tâm CNTT – Tổng Công ty Công nghiệp Viễn thông Quân đội – Viettel, sản phẩm này đã sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big data), tự động đưa ra cảnh báo sớm, tư vấn hành động tối ưu trong kinh doanh qua tương tác trao đổi giữa người và máy.
Là doanh nghiệp phần mềm có 2 sản phẩm được trao Danh hiệu Sao Khuê 2018 trong hạng mục Sản phẩm phần mềm Việt Nam ứng dụng công nghệ mới trong cách mạng 4.0 – hạng mục mới trong hệ thống Danh hiệu Sao Khuê năm nay, đại diện MISA cho biết, doanh nghiệp đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phát triển một Giám đốc tài chính số trên Phần mềm quản trị doanh nghiệp AMIS.VN giúp báo cáo mọi tình hình tài chính của doanh nghiệp một cách tức thời bằng giọng nói; và một nhân viên order số trên Phần mềm Quản lý nhà hàng, quán café CUKCUK.VN giúp gọi món bằng giọng nói và có thể trò chuyện với thực khách như một cô nhân viên phục vụ thông minh và dí dỏm.
“Hiện tại Giám đốc tài chính số và Nhân viên order số của Công ty Cổ phần MISA là những trợ lý số đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam. Được biết trong thời gian tới, MISA sẽ nghiên cứu và ứng dụng thêm nhiều công nghệ 4.0 trong các sản phẩm của mình”, đại diện MISA chia sẻ.
Thông điệp ưu tiên những sản phẩm, giải pháp và dịch vụ CNTT nghiên cứu, ứng dụng và triển khai những xu hướng công nghệ mới của Sao Khuê 2018 nhằm định hướng, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong các tổ chức, doanh nghiệp, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp CNTT đâu tư, nghiên cứu và phát triển các sản phẩm, dịch vụ phụ vụ quá trình chuyển đổi số, tạo động lực góp phần đưa Việt Nam tiến nhanh trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Ông Trương Gia Bình – Chủ tịch VINASA, Trưởng Ban tổ chức Sao Khuê 2018 cho hay: “Với vai trò tiên phong trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Danh hiệu Sao Khuê sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao vai trò và chất lượng của chương trình. Hiệp hội cũng kêu gọi các doanh nghiệp trong ngành tiếp tục nỗ lực sáng tạo hết mình, tập trung vào chiến lược chuyển đổi số, phát triển các sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao theo những xu hướng công nghệ mới như: AI, Robotics, Big Data, Tự động hóa, in 3D, VR, AR… không chỉ đáp ứng nhu cầu của Việt Nam, mà còn đẩy mạnh phát triển ra thị trường quốc tế, đặc biệt là các thị trường trọng điểm là Nhật Bản, Bắc Mỹ và châu Âu”.
10 sản phẩm, dịch vụ CNTT xuất sắc lọt Top 10 Sao Khuê năm 2018
– Chương trình ngân hàng điện tử BIDV iBank của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)
– Xuất khẩu dịch vụ Chuyển đổi số của Công ty TNHH Phần mềm FPT (FPT Software)
– Hệ thống phần mềm Bệnh án và Hồ sơ sức khỏe điện tử ISOFHCARE của Công ty CP Công nghệ ISOFH
– Dịch vụ giải pháp Banking của Công ty Giải pháp và Nguồn lực Công nghệ ITSOL
– Sàn kết nối tài chính Tima của Công ty CP Tập đoàn TIMA
– Tổng đài chuyển mạch di động của Trung tâm nghiên cứu công nghệ mạng Viettel – Chi nhánh Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội.
– Hệ thống quản lý giám sát mạng viễn thông phiên bản 4.0 của Tổng Công ty Mạng lưới Viettel
– Giải pháp truyền thông qua màn hình hiển thị VNPT SmartAds của Công ty CNTT VNPT – Tập đoàn VNPT
– Trợ lý ảo thông minh Viettel của Trung tâm CNTTT – Tổng Công ty Viễn thông Viettel
– Hệ thống phần mềm lưu trữ, phân loại, xử lý, truyền tải tín hiệu truyền hình và thông tin điện tử
của Công ty TNHH một thành viên Viễn thông số VTC.

Vân Anh