Trang chủ Tin Tức VTV đề nghị Bộ TT&TT xử  lý nhanh các trường hợp vi...

VTV đề nghị Bộ TT&TT xử  lý nhanh các trường hợp vi phạm bản quyền

824
Tại buổi họp giải pháp tháo gỡ những khó khăn trong lĩnh vực truyền hình giữa Bộ TT&TT và VTV mới đây, VTV đã kiến nghị Bộ TT&TT có biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm để giảm tình trạng vi phạm bản quyền trên môi trường số.
Theo ông Nguyễn Thành Lương, Phó Tổng giám đốc VTV, công tác bảo vệ bản quyền các kênh, chương trình, thương hiệu, hình ảnh của VTV và các đơn vị trực thuộc đã được VTV triển khai mạnh mẽ trong những năm gần đây. Tuy nhiên hiệu quả còn ở mức tương đối, do các trường hợp vi phạm bản quyền trên mạng Internet ngày càng tinh vi và phức tạp. Vì vậy để đảm bảo sự ổn định và bình đẳng hơn nữa trong lĩnh vực báo chí, truyền thông, VTV đề nghị Bộ TT&TT có biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với những cá nhân, tổ chức vi phạm để giảm tình trạng vi phạm bản quyền trên môi trường số. Trong lĩnh vực bản quyền, tiến độ xử lý vi phạm càng nhanh sẽ càng giảm thiểu thiệt hại của chủ sở hữu bản quyền. Do đó, VTV đề nghị Bộ TT&TT tạo quy trình nhanh đối với các trường hợp xử lý vi phạm bản quyền của VTV.
“Trong việc quản lý bản quyền, mấy năm gần đây VTV đã quán triệt tới tất cả các bộ phận, thực hiện rất nghiêm túc, nhưng VTV lại đang bị vi phạm bản quyền nhiều nhất, hành vi xâm hại bản quyền của rất nhiều đối tượng gây thất thoát tài nguyên rất lớn cho VTV. Hiện nay, VTV hoạt động tài chính theo cơ chế tự chủ, nên việc xây dựng nội dung chương trình, cũng như các hoạt động khác đề tự chủ từ nguồn thu quảng cáo. VTV đã có phương án khai thác nguồn thu khác từ bản quyền các chương trình của mình, nhưng hiện tại tất cả bản quyền đều bị vi phạm kinh khủng qua các trang mạng xã hội, Internet”, ông Nguyễn Thành Lương cho biết thêm.
Phó Tổng giám đốc VTV mong muốn Bộ TT&TT có kế hoạch cụ thể, phố hợp cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai mạnh mẽ vấn đề chống vi phạm bản quyền, một mặc đảm bảo bản quyền cho VTV, một mặt để cho mục tiêu hội nhập của Việt Nam đạt được kết quả tốt hơn.
Theo ông Trần Bình Minh, Tổng giám đốc VTV, vi phạm bản quyền là vấn đề muôn thưở diễn ra từ nhiều nămnay, mấy năm trước có tình trạng một số bản tin, chương trình mà do nhân viên của Đài sơ suất, hoặc kiểm duyệt không kỹ dẫn đến VTV vi phạm thì báo chí, mạng xã hội phê bình ầm ĩ, nhưng trong khi đó đó là chương trình của VTV thì bị vi phạm rất nhiều, gây thiệt hại lớn cho Đài.
Chương trình Táo quân 2018 bị vi phạm bản quyền ngay khi đang phát sóng.

Việc vi phạm bản quyền các chương trình truyền hình, phim ảnh trên Internet, trên mạng xã hội Facebook, YouTube được ICTnews phản ánh trong nhiều bài viết.

Ví dụ điểm hình nhất là chương trình Táo quân 2018 đã bị vi phạm bản quyền nghiêm trọng, mặc dù trước khi chương trình Gặp nhau cuối năm – Táo quân 2018 được chính thức phát sóng vào tối ngày 15/2/2018 (30 Tết) VTV đã tuyên bố đăng ký bản quyền Chương trình này tại Mỹ nhằm bảo vệ chương trình khỏi bị xâm hại bản quyền trên Internet.
Tuy nhiên, ngay lúc chương trình Táo quân 2018 đang phát sóng đã có khá nhiều kênh YouTube phát sóng trực tiếp cùng lúc với VTV. Những kênh vi phạm bản quyền này đã dùng tiểu xảo quen thuộc là thu nhỏ kích cỡ màn hình, bóp méo tiếng để qua mặt YouTube. Cho đến tối ngày mùng 1 Tết đã có những kênh YouTube thu hút được 200.000 lượt xem cho chương trình Táo quân 2018.
Cho đến chiều ngày mùng 1 Tết, chỉ ít giờ sau khi VTV công bố bản full dài 200 phút của Táo quân 2018 thì một số kênh YouTube cũng đã phát sóng bản full này.
Thực trạng vi phạm bản quyền các chương trình phát sóng của VTV trên các trang mạng xã hội được đánh giá là rất nghiêm trọng. Theo tin từ VTV, mỗi ngày, Trung tâm Sản xuất và kinh doanh nội dung số (trực thuộc VTV) báo cáo phát hiện hàng trăm tài khoản vi phạm bản quyền. Con số này dự đoán sẽ tăng lên rất nhiều vào thời điểm phát sóng các chương trình Tết.
Ngang nhiên vi phạm bản quyền, nhiều tài khoản YouTube thậm chí thông báo sẽ phát trực tiếp chương trình Táo quân 2018 từ nhiều tháng trước. Các tiêu đề quảng cáo Táo quân 2018 bản đầy đủ không cắt cũng được tung lên để thu hút khán giả. Dự báo, tình trạng vi phạm còn phức tạp hơn khi các chương trình đã chính thức lên sóng.
Thống kê sơ bộ cho thấy có khoảng hơn 10 website, 7 ứng dụng OTT và hàng trăm trang Facebook, YouTube đang vi phạm bản quyền các chương trình của VTV. Trung bình, mỗi tháng VTV đã ngăn chặn và xử lý gần 500 trang Fanpage cá nhân và kênh YouTube này.
Năm 2017, một trong những tồn tại lớn của ngành truyền hình đó là hầu hết các đài truyền hình lớn phải đối mặt với nạn vi phạm bản quyền trên Internet. Vấn đề này gây thiệt hại rất lớn cho các đài truyền hình cả về vật chất, uy tín và thương hiệu.

Khôi Nguyên