Trang chủ Tin Tức VTV kêu truyền hình trả tiền cạnh tranh bất bình đẳng bởi...

VTV kêu truyền hình trả tiền cạnh tranh bất bình đẳng bởi Netflix, iFlix

734
Ảnh minh họa: Internet

Tại cuộc họp bàn cách tháo gỡ những khó khăn trong quản lý truyền hình giữa Bộ TT&TT và VTV mới đây, một trong những vấn đề được VTV kiến nghị là Bộ TT&TT cần sớm nghiên cứu khung pháp lý để tạo sự bình đẳng trong kinh doanh dịch vụ giữa các đơn vị truyền hình trả tiền trong nước với các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới nước ngoài như NetFlix và iFlix.
Cụ thể, theo ông Nguyễn Thành Lương, Phó Tổng giám đốc VTV, rất cần có khuôn khổ pháp lý bình đẳng điều chỉnh hoạt động cung cấp dịch vụ truyền hình giữa các nhà cung cấp dịch vụ trong nước và các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài cung cấp vào Việt Nam. Hiện nay, các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trong nước phải thực hiện nhiều nghĩa vụ liên quan khi cung cấp dịch vụ như: Nộp hồ sơ xin cấp phép và phải qua quá trình thẩm định hồ sơ từ Bộ TT&TT. Thực hiện biên tập, biên dịch, kiểm duyệt nội dung phát sóng, việc này tốn thêm nhiều chi phí, nội dung mất đi tính nguyên bản, tính độc đáo. Đồng thời, các đơn vị truyền hình trả tiền trong nước phải tuân thủ quy định về phát sóng kênh thiết yếu, đảm bảo tỷ lệ kênh trong nước và kênh nước ngoài, nộp thuế, nộp phí quyền cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền.
“Trong khi đó, các doanh nghiệp cung cấp nội dung từ nước ngoài vào Việt Nam như Netflix, iFlix không bị điều chỉnh bởi các quy định trên. Điều này tạo sự bất bình đẳng, khiến các doanh nghiệp trong nước gặp nhiều bất lợi so với những nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới”, ông Lương phát biểu.
Trước kiến nghị của lãnh đạo VTV, đại diện Bộ TT&TT cho hay, thực tế hiện nay, một số đơn vị nước ngoài hoạt động tại Việt Nam như Netflix đang vi phạm quy định về quản lý nội dung trên truyền hình trả tiền. Các đơn vị này phát sinh doanh thu thuê bao tháng tại Việt Nam nhưng không thực hiện nghĩa vụ thuế, phí. Netflix không thuộc đối tượng được cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền theo quy định.

Để đảm bảo khung pháp lý bình đẳng giữa các đơn vị kinh doanh trong nước và nước ngoài, Bộ TT&TT đang nghiên cứu, xem xét việc xây dựng quy phạm pháp luật để điều chỉnh. Trong đó, có việc bổ sung đối tượng quản lý là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình xuyên biên giới nhưng chủ động hướng đến người sử dụng tại Việt Nam. Ngoài ra, Bộ cũng sẽ điều chỉnh một số quy định liên quan đến việc biên tập, biên dịch kênh truyền hình nước ngoài. Bên cạnh đó, Bộ đề xuất chỉnh sửa, bổ sung một số quy định của pháp luật có liên quan.
Cũng theo đại diện Bộ TT&TT, Chính phủ đã đồng ý và giao cho Bộ TT&TT nghiên cứu sửa đổi Nghị định 06/2016/NĐ-CP và Bộ TT&TT bắt đầu thực hiện xin ý kiến các bộ, ngành liên quan. Hướng sơ bộ ban đầu sẽ sửa đổi Nghị định 06 để quản lý cả các doanh nghiệp nước ngoài đang cung cấp dịch vụ nội dung qua OTT vào Việt Nam, có thu phí của người dùng Việt Nam.
Trên thực tế, hiện có một số doanh nghiệp toàn cầu cung cấp dịch vụ xuyên biên giới đang thu phí tại Việt Nam qua thẻ ngân hàng quốc tế, Ngân hàng Nhà nước cho rằng đây là các giao dịch vãng lai pháp luật không cấm.
Nhưng theo quan điểm của Bộ TT&TT, các doanh nghiệp OTT nước ngoài đã và đang trốn nộp thuế nhà thầu, điều này là vi phạm pháp luật Việt Nam. Muốn cho NetFlix, iFlix kinh doanh tuân thủ pháp luật Việt Nam, theo dự kiến, Nghị định 06 sẽ sửa đổi, bổ sung quy định dịch vụ OTT cung cấp nội dung độc lập như NetFlix là  dịch vụ truyền hình trả tiền. “Nghị định 06 sửa đổi sẽ đưa các dịch vụ nội dung được cung cấp bởi các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài về một quy định để quản lý”, đại diện Bộ TT&TT cho hay.
Câu chuyên bất bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp xuyên biên giới không chỉ diễn ra trong lĩnh vực truyền hình trả tiền. Từ nhiều năm nay, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung số trong nước như VTV, VNG, VCCorp đã liên tục xin được đối xử bình đẳng với các doanh nghiệp xuyên biên giới như Google và Facebook.

Khôi Nguyên