Trang chủ Tin Tức Vũ khí điều khiển từ xa khắc tinh với mọi chiến hạm?

Vũ khí điều khiển từ xa khắc tinh với mọi chiến hạm?

764
Trang tin DefenseNews đưa tin hãng sản xuất máy bay không người lái Albayrak Savunma và Đại học Công nghệ Karradeniz tại khu vực Biển Đen, Thổ Nhĩ Kỳ đã cùng “bắt tay” sản xuất thủy lôi điều khiển từ xa có tên Wattozz này. Wattozz được đặt theo tên “vatoz”, trong tiếng Thổ Nhĩ Kỳ có nghĩa là cá đuối.

Thủy lôi Wattozz có thiết kế bên ngoài nhiều tương đồng với hình dạng của một con cá đuối và được làm bằng titan và nhôm. Nó được gắn hai camera, có thể di chuyển với vận tốc tối đa 5,5 hải lý/giờ (tương đương 10,18 km/giờ) trong vòng 12 tiếng liên tiếp. Wattozz còn có ba động cơ tích hợp.
Loại thủy lôi cơ động này là một thiết bị không người lái dưới nước, có thể được sử dụng cho nhiệm vụ tuần tra hoặc ám sát. Nó có khả năng mang theo chất nổ và “nhận mệnh lệnh” bằng sóng âm được mã hóa. Đây chính là một thiết bị không người lái dưới nước đầu tiên do các nhà sản xuất trong nước của Thổ Nhĩ Kỳ chế tạo.

 Thủy lôi chính là vũ khí khắc tinh của mọi chiến hạm. Ảnh: TTXVN
Thực tế, trong chiến tranh trên biển có rất nhiều các loại vũ khí để tác chiến, trong đó có thủy lôi. Thủy lôi là loại vũ khí đơn giản, dễ sử dụng nhưng đặc biệt nguy hiểm. Phù hợp với những nước có tiềm lực kinh tế – quân sự hạn chế, nhưng có vùng biển dài, rộng và có nhiều khả năng bị đe dọa quân sự từ hướng biển.
Thủy lôi còn gọi là mìn hải quân – loại mìn được đặt xuống nước để tiêu diệt các loại tàu thuyền đối phương. Sau khi được gài chúng sẽ nằm chờ đến khi phát nổ do tàu thuyền tác động.
Thủy lôi là loại vũ khí có thể sử dụng trong thế công lẫn thế thủ. Khi dùng tấn công, thủy lôi được thả để gây thiệt hại cho tàu thuyền, loại bỏ phương tiện chuyên chở và di động của địch. Khi dùng phòng thủ, thủy lôi có thể dùng làm một vành đai bảo vệ các tàu thuyền của đồng minh và tạo ra một khu vực “an toàn”.

Do được thả trong nước, để tránh sự dịch chuyển do tác động của các dòng nước xô đẩy từ các phía, thủy lôi thường có dạng tròn. Ngoài ra, để gia tăng tính cố định cho thủy lôi, một số dây cột được sử dụng giữ thủy lôi lơ lửng trong nước, không nổi lên bề mặt để dễ bị phát hiện nhưng cũng không chìm dưới đáy sông hay biển khiến hiệu quả bị suy giảm. Cũng vì được thả ngầm trong nước, xác suất để va chạm với tàu thuyền khá nhỏ, thủy lôi hiện đại phải thiết kế thêm thiết bị cảm ứng để tự bị kích nổ khi tàu thuyền đến gần, và thường có kích thước lớn, chứa một lượng nổ rất mạnh. Các đầu nổ của thủy lôi thường dựa vào cảm ứng với tác động mạnh của làn nước, với kim loại, với từ trường khi tàu thuyền đi qua…
Thủy lôi thường được thả nhiều, tạo thành những bãi mìn ngầm dưới mặt nước biển rất nguy hiểm, nhằm phong tỏa các khu vực trọng yếu, như các luồng tàu thuyền của đối phương, các bến cảng.
An Dương (T/h)
 

VietBao.vn