Trang chủ Tin Tức Vụ kiện Huawei-Samsung: Cuộc đụng độ quyền lực giữa toà án Trung...

Vụ kiện Huawei-Samsung: Cuộc đụng độ quyền lực giữa toà án Trung Quốc và Mỹ

772
Quy mô của thị trường Mỹ và sức mạnh cơ quan tư pháp độc lập của Mỹ từ lâu đã khiến các tòa án Mỹ có tiếng nói phán quyết cuối cùng trong hầu hết các vụ tranh chấp bản quyền xuyên biên giới. Các chuyên gia pháp lý cho rằng sự nổi tiếng của các tòa án Mỹ trong giải quyết các tranh chấp sở hữu trí tuệ của tòa án Mỹ đã giúp thúc đẩy nền văn hóa đổi mới mà Trung Quốc muốn bắt chước và cạnh tranh.
Theo Erick Robinson, một luật sư Bắc Kinh từng là giám đốc bản quyền tại châu Á của Qualcomm, vụ kiện Huawei-Samsung đang thu hút sự chú ý vì nó tạo nên một cuộc đụng độ giữa hai hệ thống tư pháp, trong đó một thẩm phán Mỹ đã lệnh cho Huawei không được thực thi phán quyết của một toà án ở Trung Quốc chống lại Samsung.
“Điều này chưa bao giờ xảy ra trước đây, ít nhất là về mặt quy mô”, ông Robinson cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây.
Huawei đã đệ đơn kiện lên cả Mỹ và Trung Quốc vào năm 2016, cáo buộc Samsung sử dụng công nghệ truyền thông di động của mình khi chưa được phép và đã trì hoãn thương thảo thỏa thuận cấp phép một cách vô lý. Samsung đã bác bỏ cáo buộc này và kiện lại Huawei cố tình đòi mức phí bản quyền tăng vọt.
Vào tháng Giêng, Tòa án Nhân dân Trung cấp Thâm Quyến, Trung Quốc, đã vượt qua một tòa án liên bang ở San Francisco, phán quyết có lợi cho Huawei và ra lệnh ngăn chặn các chi nhánh tại Trung Quốc của Samsung sản xuất và bán smartphone 4G ở Trung Quốc.
Nếu lệnh có hiệu lực, Samsung sẽ phải đối mặt với áp lực lớn vì hãng có các nhà máy lớn ở Trung Quốc và bán hàng triệu điện thoại ở đó, ông Robinson cho biết.
Cả Huawei và Samsung đều từ chối bình luận.
Ông Richard Vary, một luật sư ở London nguyên là người đứng đầu bộ phận pháp lý của Nokia, nói rằng các tòa án Trung Quốc đã vượt quyền từ quyền hạn phán xử “thứ tư hoặc thứ năm” đối với một công ty toàn cầu, và sẽ phải xem xét lại tranh chấp.
“Giờ đây quyền hạn phán xét của tòa án Trung Quốc đã lên hàng thứ hai chỉ sau Mỹ, và có lẽ đã vượt trước cả Mỹ”, ông Vary nói.
Thẩm phán xét xử vụ kiện này tại Mỹ hồi tháng Tư đã ra lệnh cho Huawei không thực thi lệnh cấm của tòa án Thâm Quyến bởi vì về cơ bản nó sẽ buộc Samsung phải chấp nhận các yêu cầu về phí giấy phép của Huawei, “và điều đó sẽ tác động mạnh trên khắp thế giới”.
Nhưng một số chuyên gia pháp lý nói rằng có thể không cần đến Huawei, các tòa án Trung Quốc có thể thực thi lệnh cấm trực tiếp với Samsung. Ông Robinson cho biết tòa án Mỹ thậm chí có khả năng tạo ra một phán quyết như vậy hơn, vì phán quyết vượt ngoài lãnh thổ có thể “khiến chính phủ Trunq Quốc tức giận”.
Tuy nhiên, cả quyết định của toà Thẩm Quyến và San Francisco đều bị kháng cáo, do đó, cuộc xung đột pháp lý trực tiếp giữa hai hệ thống tư pháp vẫn có thể được ngăn chặn.
Tòa án Trung Quốc nằm dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng sản, và Gaston Kroub, một luật sư bằng sáng chế ở New York, cho biết việc thiếu sự độc lập tư pháp vẫn là trở ngại lớn nhất để các phán quyết của tòa án Trung Quốc được chấp nhận rộng rãi hơn.
Ông lưu ý một số người có thể nhận thấy sự thiên vị trong quyết định của tòa án Thâm Quyến đối với Huawei, hãng có trụ sở tại Thâm Quyến.
Tuy nhiên, một ủy ban đảng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 11 năm ngoái đã kêu gọi sự công bằng và dự đoán trong các vụ kiện bằng sáng chế để khuyến khích đổi mới trong nền kinh tế.
Tốc độ là một lợi thế lớn của các tòa án Trung Quốc. Không giống như các tòa án của Mỹ, tòa án Trung Quốc hạn chế mạnh mẽ khối lượng tài liệu mà các bên có thể tìm kiếm lẫn nhau.
David Pridham, giám đốc điều hành tư vấn sáng chế của hãng Dominion Harbour có trụ sở tại Texas, cho biết: “Các công ty sẽ nhận được sự xét xử nhanh chóng về các khiếu nại và họ (toà án) làm điều đó một cách thực sự thông minh”.
Kroub cho biết tòa án Trung Quốc cũng sẵn sàng đưa ra các lệnh cấm khắc nghiệt như tòa án Thâm Quyến đã được đưa ra trong vụ án Huawei-Samsung, trong khi các tòa án ở Mỹ thích phương án bồi thường thiệt hại. Giải pháp như vậy có thể làm hài lòng các công ty hơn trong những trường hợp nhất định.
“Với toà Trung Quốc, tôi có thể khiến đối thủ cạnh tranh tê liệt bằng cách cấm cửa hoạt động sản xuất của họ”, Kroub nói.
Hoàng Lan