Trang chủ Tin Tức Vừa ăn xong một bữa, bạn nên đợi bao lâu để ăn...

Vừa ăn xong một bữa, bạn nên đợi bao lâu để ăn bữa tiếp theo?

1109

Bạn nên ăn bao nhiêu bữa một ngày và thời gian cách giữa các bữa ăn là bao lâu thì tốt nhất? Có rất nhiều lời khuyên mâu thuẫn cho thắc mắc chung này. Quan điểm phổ biến nhất cho rằng chúng ta chỉ nên ăn 3 bữa một ngày. Nhưng cũng có những người nói rằng chúng ta nên chia thành nhiều bữa nhỏ, và ăn từ mỗi 2-3 tiếng một bữa để thúc đẩy quá trình trao đổi chất. Để tìm hiểu đâu mới là lựa chọn lành mạnh nhất, trang Insider đã nói chuyện với một số chuyên gia y tế để làm rõ vấn đề này.

Vừa ăn xong một bữa, bạn phải đợi ít nhất bao lâu để ăn bữa tiếp theo?

Nếu bạn vừa ăn xong một bữa, tốt nhất là nên chờ từ 3-5 tiếng đồng hồ để ăn bữa tiếp theo, phó giáo sư, tiến sĩ Edward Bitok đến từ khoa Dinh dưỡng & Chế độ ăn tại Trường Đại học Loma Linda cho biết. Từ 3-5 giờ đồng hồ là một khoảng lý tưởng, bởi đó là thời gian trung bình cần thiết cho dạ dày tiêu hóa hết thức ăn và đổ vào ruột non, tiến sĩ Bitok giải thích. Hơn nữa, khoảng thời gian này cũng đủ lâu để đảm bảo rằng phản ứng đói và thèm ăn của bạn là cảm giác thực của cơ thể, tiến sĩ Priya Khorana, một bác sĩ giáo dục dinh dưỡng tại New York cho biết. Nếu ăn các bữa cách nhau quá gần, đó có thể là sự thèm ăn giả, đến từ cảm xúc hoặc thói quen của bạn, đặc biệt là khi bạn ăn một bữa chứa nhiều carbohydrate trước đó. Từ 3-5 tiếng là khoảng thời gian không quá dài để khiến bạn đói. Theo tiến sĩ Khorana, nếu bạn giãn 2 bữa ăn của mình ra từ 6-8 tiếng đồng hồ, nó có thể dẫn đến cảm giác cồn cào trong bụng, ợ chua, tụt đường huyết, thiếu năng lượng và mất tập trung. Hậu quả chưa dừng lại, đói quá sẽ khiến bạn ăn quá nhiều vào bữa tiếp theo của mình và sử dụng năng lượng ấy một cách không hợp lý, dẫn đến thừa calo và tăng cân. Chẳng hạn trong kịch bản bạn ăn trưa lúc 12 giờ và đợi đến tận 20 giờ để ăn tối, ăn quá nhiều trước khi đi ngủ là một thói quen tai hại. “Chúng ta vẫn thường ăn quá nhiều để bù đắp cho việc thiếu calo [từ bữa ăn trước đó và khoảng thời gian phải chờ đợi quá lâu]”, tiến sĩ Khorana nói với Insider. Thông thường, cảm giác đói khiến bạn bỏ qua những tín hiệu no của cơ thể, bạn vẫn tiếp tục ăn khi đã no có thể dẫn đến đầy hơi, buồn nôn và sau đó là mệt mỏi. Nếu khoảng cách giữa 2 bữa ăn của bạn thường xuyên quá dài, nó có thể dẫn đến các biến chứng mạn tính như đường huyết thấp, theo chuyên gia dinh dưỡng Stacy Tucker, RN đến từ Almeda Labs.

Khoảng thời gian tối ưu giữa các bữa ăn là từ 3-5 tiếng đồng hồ

Ngược lại, nếu khoảng thời gian giữa các bữa ăn là quá ngắn, nó có thể gây tăng cân và cả các vấn đề tiêu hóa. Tiến sĩ Jianqing Wu, người sáng lập trang web sức khỏe Igoosa.com, tác giả cuốn sách “Kỹ thuật tối ưu hóa sức khỏe” cho biết: Nếu không đợi đủ lâu giữa các bữa ăn, bạn có thể phải đối mặt với các vấn đề gây ra tổn thương hệ thống mạch máu. Chẳng hạn như ăn các bữa cách nhau chỉ 2 tiếng đồng hồ có thể làm tăng đường huyết. Chỉ số đường huyết đạt đỉnh gây ra bởi bữa ăn trước có thể chồng chất với glucose từ bữa ăn tiếp theo. Điều này có thể dẫn đến mức đường quá cao trong máu, dần dần sẽ làm tổn thương hệ thống mạch máu. Ngoài ra, ăn các bữa ăn quá liền nhau cũng dễ dàng dẫn đến dư thừa calo gây tăng cân, theo chuyên gia dinh dưỡng Tucker. Bởi vậy, cô đồng ý với tiến sĩ Bitok rằng chúng ta nên đợi từ 3-5 tiếng đồng hồ giữa các bữa ăn để giữ cho điều này không xảy ra. Đó là thời gian lý tưởng nhất cho hầu hết mọi người. Tham khảo Thisisinsider