Trang chủ Tin Tức Xét xử BS Lương: Vì sao mức giá chạy thận tại Hòa...

Xét xử BS Lương: Vì sao mức giá chạy thận tại Hòa Bình ‘đắt gấp đôi’ so với ở Hà Nội?

671

Chiều 29/5, phiên tòa xét xử bác sỹ Hoàng Công Lương tiếp tục nóng với phần làm rõ trách nhiệm của các bên.
Luật sư Nguyễn Danh Huế – đại diện quyền và lợi ích hợp pháp của Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình tại phiên tòa xét xử vụ sự cố y khoa làm 9 người thiệt mạng đã cáo buộc mức giá chạy thận tại BVĐK tỉnh Hòa Bình 7,7 USD/ca, đắt gấp đôi so với mức giá chạy thận tại Hà Nội. Đáng nói, trong chi phí này, Công ty Thiên Sơn hưởng 90% doanh thu chạy thận vì là đơn vị trang bị máy.

Luật sư Nguyễn Danh Huế chỉ ra những điểm phi lý về giá chạy thận ở Bệnh viện Đa Khoa Hòa Bình.
Trước thông tin này, ông Lê Xuân Hoàng – Giám đốc bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết, trước đây, bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình hợp đồng với công ty TNHH Thiên Sơn, mỗi ca phải trả tiền thuê máy của họ là 7,7 USD. Đây là chi phí bệnh viện trả, còn bệnh nhân chạy thận được bảo hiểm chi trả.
“Đây là liên kết giữa bệnh viện và công ty Thiên Sơn vì trước đây mình không có máy, không mua được máy, mình phải thuê của công ty Thiên Sơn.
Vấn đề này tôi không nắm được vì thời điểm đó tôi chưa về công tác tại bệnh viện. Sau khi sự cố chạy thận xảy ra, chúng tôi đã cho dừng chạy máy đó. Hiện tại, sau khi Đơn nguyên thận nhân tạo – khoa Hồi sức tích cực của bệnh viện hoạt động trở lại, chúng tôi đang sử dụng 10 máy của bộ Y tế cấp và một số máy của bệnh viện. Mức chi trả cho mỗi ca chạy thận sẽ theo quy định của bộ Y tế”, ông Hoàng nhấn mạnh.
Sáng cùng ngày, luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương – đại diện theo ủy quyền của Công ty Thiên Sơn đã lên tiếng phân trần tại phiên tòa.
Bà Hương cho rằng cần làm rõ hơn về việc thuê máy, giá thuê máy là 7,7 USD cho tất cả các hợp đồng. Toàn bộ bệnh nhân chạy thận tại BVĐK tỉnh Hòa Bình được bảo hiểm trả tiền, không phải bệnh nhân trả cho Bệnh viện hay cho Công ty Thiên Sơn.
Đáp lại lời bào chữa trên, luật sư Huế cho rằng dù bảo hiểm y tế hay bệnh nhân trả tiền, mức giá trên là giá “trên trời”, và việc “kê” giá cao lên như vậy càng chứng tỏ Thiên Sơn đã hưởng số tiền rất lớn, trong khi quỹ bảo hiểm đang gặp khó khăn.
Hành vi này của Thiên Sơn, theo lời luật sư Huế, cần phải khởi tố ông Đỗ Anh Tuấn (Giám đốc và là người đại diện theo pháp luật của Công ty Thiên Sơn) về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Tiếp tục bảo vệ cho Công ty Thiên Sơn, luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương cho biết mức giá chạy thận cao hay thấp phụ thuộc vào hợp đồng giữa bệnh viện và Công ty Thiên Sơn về mặt vật tư, dịch truyền phục vụ chạy thận, chứ không phải Công ty đến Bệnh viện để thu tiền.
“Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình quản lý toàn bộ may móc, đặc biệt là hệ thống RO 2. Nội dung này thể hiện Thiên Sơn đã hoàn thành hợp đồng cung cấp hệ thống RO 2 từ năm 2010. Tại thời điểm đó, BVĐK tỉnh Hòa Bình có một Hội đồng lập ra nghiệm thu và thuê đơn vị tư vấn về việc cung cấp hệ thống này… việc này thể hiện rõ trong hồ sơ”, bà Hương nói.

Theo quy định của bộ Y tế, cơ cấu giá một lần chạy thận nhân tạo của bệnh nhân thận được xây dựng gồm 11 khoản bao gồm chi phí dây lọc máu, dịch lọc, màng lọc, dịch sát khuẩn màng lọc…Trong đó bảo hiểm y tế thanh toán 7 khoản nhưng không vượt quá 543.000 đồng (đối với bệnh viện hạng một). Mức chi trả bảo hiểm còn tùy thuộc vào vấn đề người bệnh được thanh toán theo diện đồng chi trả 80%, 95% hay 100%; chạy thận ở bệnh viện hạng nào.  Bên cạnh đó, bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo có hai dạng là chạy thận cấp cứu (khi có bệnh lý cấp tính) và chạy thận chu kỳ.Thông thường bệnh nhân được chỉ định chạy thận 3 lần mỗi tuần; trường hợp bệnh nhẹ thì thời gian đầu 2 lần một tuần sau đó tăng lên 3 lần.Bệnh nhân chạy thận cấp cứu lần đầu phải đặt catheter riêng chi phí phần này khoảng một triệu đồng. Chi phí chạy thận chu kỳ tùy thuộc vào vật tư tiêu hao, theo thông tin chia sẻ từ ông Phan Văn Toàn, Vụ phó vụ Bảo hiểm Y tế, bộ Y tế thì, nếu tính theo giá đầy đủ thì hiện nay chưa có mức giá cụ thể.Ông Lê Văn Phúc, Phó Trưởng ban phụ trách ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đưa ra ý kiến, với đối tượng hưởng bảo hiểm 100% sẽ được bảo hiểm chi trả toàn bộ chi phí nằm trong danh mục được bảo hiểm y tế chi trả.Với đối tượng phải đóng 20% bảo hiểm, người tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì lần khám chữa bệnh lần sau khi đi đúng tuyến sẽ được hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh nằm trong danh mục được bảo hiểm y tế chi trả.Trước thông tin về mức giá chạy thận ở bệnh viện Đa khoa Hòa Bình cao hơn nhiều so với bệnh viện tuyến Trung ương như luật sư đưa ra ở phiên tòa xét xử các bị cáo trong vụ án chạy thận, ông Phúc cho hay: “Đó là ăn chia giữa đơn vị đặt máy và bệnh viện”.

Hương Nguyễn (t/h)