Trang chủ Tin Tức ZTE thành nạn nhân đầu tiên của chiến tranh lạnh Mỹ –...

ZTE thành nạn nhân đầu tiên của chiến tranh lạnh Mỹ – Trung?

727

Không phải Apple hay Huawei, nạn nhân đầu tiên của cuộc chiến tranh lạnh trong làng công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc có thể là một ông lớn khác, theo dự đoán của The New York Times.
ZTE nói hôm 9/5 rằng họ đã “dừng một số hoạt động” sau khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump cấm công ty này sử dụng linh kiện và công nghệ từ Mỹ.
Với việc nhà máy của ZTE tại Thâm Quyến ngừng hoạt động, công nhân của nhà máy được kêu gọi tham gia các khóa huấn luyện một lần/ngày. Phần còn lại trong giờ làm việc, họ loanh quanh trong các ký túc xá gần đó.

Logo của ZTE trên một tòa nhà ở Thượng Hải. Công ty này cho biết đã dừng một số hoạt động sau khi chính quyền ông Trump đưa ra lệnh cấm sử dụng linh kiện từ Mỹ. Ảnh: Getty Images.

Giao dịch cổ phiếu của công ty này cũng bị treo lại vài tuần qua. Các thành viên điều hành công ty được hướng dẫn để trấn an khách hàng nhưng tránh thảo luận về tương lai của mình trong 7 năm tới.
Một trong những nhà cung cấp linh kiện công nghệ thành công nhất của Trung Quốc tại thị trường quốc tế, với doanh thu hàng năm khoảng 17 tỷ USD, đang đứng trước nguy cơ bị xóa bỏ. Bộ Thương mại Mỹ đã cấm họ sử dụng linh kiện Mỹ cho đến năm 2025.
Các trạm không dây của ZTE sử dụng microchip cung cấp từ Mỹ, mạng cáp quang của họ cũng sử dụng các linh kiện quang học từ Mỹ. Điện thoại thông minh của ZTE sử dụng hệ điều hành Android từ Google.
Khi chính quyền ông Trump đe dọa thực hiện một cuộc chiến thương mại nhằm ngăn cản các kế hoạch thúc đẩy các ngành công nghiệp của Trung Quốc, ZTE trở thành ví dụ đầu tiên. Với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, đây là lý do tại sao họ luôn muốn các doanh nghiệp trong nước tự chủ hơn nữa về công nghệ.

Khủng hoảng hiện tại của ZTE, nếu khiến công ty sụp đổ, có thể đánh dấu cuộc chiến tranh lạnh về công nghệ đang nhen nhóm trên thế giới.
ZTE có khoảng 75.000 nhân viên, hoạt động kinh doanh tại 160 quốc gia. Họ là nhà bán lẻ smartphone lớn thứ 4 tại Mỹ. Các thiết bị viễn thông của họ được xem là xương sống tại nhiều quốc gia đang phát triển.
Nhà mạng MTN, phục vụ khoảng 220 triệu người dùng tại 22 quốc gia ở châu Phi và Trung Đông, chia sẻ hồi tuần trước rằng họ đang xem xét các kế hoạch dự phòng. Lãnh đạo của nhà mạng Telenor nói rằng họ đang “theo dõi chặt chẽ tình hình”.
Từ nhiều năm nay, Mỹ coi ZTE và Huawei là mối đe dọa an ninh quốc gia. Các nhà mạng Mỹ không sử dụng bất cứ sản phẩm, hạ tầng nào từ 2 công ty này.

Công nhân làm việc với một bảng mạch tại nhà máy của ZTE ở Thâm Quyến (Trung Quốc). 

Để đáp lại các biện pháp trừng phạt được ban hành vào tháng trước, ZTE cho biết họ đã nỗ lực cải thiện tình hình. ZTE yêu cầu tạm dừng lệnh cấm xuất khẩu và gửi thêm thông tin cần thiết cho Bộ Thương mại Mỹ để bảo vệ lập luận của mình.
Zhongxing Telecommunications Equipment (ZTE) được thành lập từ năm 1985 như một liên doanh giữa một nhà máy hàng không vũ trụ thuộc quyền quản lý của Nhà nước và 2 doanh nghiệp khác. Trong vòng vài năm, họ sản xuất linh kiện cho các nhà khai thác mạng tại nông thôn Trung Quốc, trước khi mở rộng ra các thành phố và sau đó là nước ngoài.
Cổ đông có quyền kiểm soát công ty này là Shongxingxin Telecommunications Equipment, một phần được sở hữu bởi 2 công ty Nhà nước Trung Quốc. Một vài thành viên lãnh đạo của ZTE cũng đóng vai trò lãnh đạo tại Shongxingxin. Tuy nhiên, ZTE khẳng định Shongxingxin không can thiệp vào quyết định kinh doanh của họ.
Hãng này đưa chiếc smartphone đầu tiên vào Mỹ năm 2011. Trong vòng 2 năm, họ leo lên top 5 thương hiệu điện thoại tại Mỹ, chủ yếu nhắm vào nhóm khách hàng không muốn cam kết hợp đồng với nhà mạng. Ở Trung Quốc, ZTE không quá thành công ở mảng smartphone.
“Những gì họ làm được tại Mỹ là vô cùng ấn tượng”, Avi Greengart, chuyên gia phân tích công nghệ người dùng của GlobalData nói. “Rất nhiều công ty châu Á nói rằng họ sẽ vào Mỹ nhưng không thực hiện được – như Xiaomi, Huawei. Hoặc họ đầu tư tại Mỹ nhưng không thể hoạt động”.
Bí quyết thành công của ZTE, theo Greengart là sự linh hoạt. Các nhà quản lý người Mỹ của công ty này đã đưa ra những điều chỉnh đáng kể cho sản phẩm của họ tại Mỹ. “Đó là cách nhiều đối thủ của họ không làm được”.
Chẳng hạn, công ty này sớm nhận ra người Mỹ thích những chiếc điện thoại màn hình lớn. Họ cung cấp những chiếc di động giá rẻ, màn hình lớn, độ phân giải cao, cảm biến vân tay trong thời điểm những tính năng này vẫn được xem là cao cấp.
Để phát triển thương hiệu, ZTE tài trợ một vài đội bóng rổ nhà nghề Mỹ.

Điện thoại ZTE Blade Blade V9 trưng bày tại triển lãm MWC 2018 ở Barcelona (Tây Ban Nha) hồi tháng 2. Ảnh: Getty Images.

Tuy nhiên, rắc rối đến với ZTE tại thị trường Iran. Theo chính quyền Mỹ, ZTE đã sử dụng một hệ thống phức tạp để bán hàng hóa do Mỹ sản xuất tại Iran sau đó nói dối và xóa email khi Bộ Thương mại Mỹ bắt đầu điều tra. Họ thậm chí lên kế hoach tiếp tục chuyển hàng đến Iran trong khi cuộc điều tra đang diễn ra, theo Bộ Thương mại Mỹ.
Theo NY Times, các biện pháp trừng phạt chống lại ZTE càng làm tăng cường quyết tâm của Bắc Kinh để nâng cấp các nhà sản xuất vi mạch của Trung Quốc.
Chris Lane, một nhà phân tích viễn thông ở Hong Kong, tin rằng Trung Quốc đang quyết tâm đưa ngành công nghiệp bán dẫn của mình trở thành số một thế giới, cho dù có mất cả thập kỷ. “Họ sẽ đổ hàng tỷ USD để ngăn điều này (bị Mỹ ngăn cản) xảy ra lần nữa”, ông nói. “Về mặt chiến lược dài hạn, điều này sẽ không có lợi cho Mỹ”.
Tuần trước, đội ngũ quản lý của ZTE gửi một email tới các thành viên điều hành, cập nhật cho họ về những nỗ lực của công ty trong việc hòa giải với Washington. “Ngay cả con đường dài nhất cũng có kết thúc”, email này kết luận. “Ngay cả đêm dài nhất cũng kết thúc bằng bình minh. Hãy để chúng tôi kiên quyết, tự tin, và tràn đầy hy vọng chào đón bình minh sắp tới”.

VietBao.vn