Trang chủ Tin Tức 1001 trò gian lận thi cử thời công nghệ

1001 trò gian lận thi cử thời công nghệ

801
Gian lận trong thi cử luôn là vấn đề nhức nhối của ngành giáo dục nhiều nước trên thế giới. Ngay cả trường Đại học hàng đầu nước Mỹ như Harvard cũng đã từng vướng vào bê bối này. Ngày nay, với sự trợ giúp đắc lực của công nghệ, gian lận thi cử ngày càng trở nên tinh vi, phức tạp và khó phát hiện hơn trước rất nhiều. Tuy nhiên, “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, nhiều vụ gian lận thi cử trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam đã bị phanh phui, trả lại niềm tin cho xã hội và sự công bằng cho những thí sinh học thật thi thật.
Điểm danh những vụ gian lận thi cử bằng cách sử dụng công nghệ cao
Tại Thái Lan, vào năm 2016, đại học Rangsit của Bangkok đã phải hủy kỳ thi tuyển sinh vào nha khoa sau khi phát hiện ra những hành động bất thường của ba nữ thí sinh. Ba người này chụp ảnh đề thi bằng camera được gắn vào mắt kính. Họ rời khỏi phòng sau khi cuộc thi bắt đầu được 45 phút và chuyển ảnh vào một máy tính xách tay. Người giữ máy tính gửi ảnh đến trung tâm thi hộ mà ba thí sinh đã đăng ký trước với giá 800.000 baht (23.000 USD) và câu trả lời sau đó được truyền đến đồng hồ thông minh của các cô gái.

Lê Hường (tổng hợp)

Được mệnh danh là trường Đại học danh giá nhất thế giới nhưng vào năm 2012, Đại học Harvard đã khiến ngành giáo dục Mỹ và cả thế giới bàng hoàng khi báo chí đưa tin việc 125 sinh viên của trường này bị điều tra do có nghi ngờ gian lận trong thi cử với bằng chứng là hàng trăm bài thi của họ có nhiều điểm tương đồng. Những sinh viên này bị nghi ngờ thiếu trung thực về học thuật, từ việc cộng tác trả lời trái quy định cho đến sao chép các câu trả lời của các bạn cùng lớp trong kỳ thi cuối khóa. Những sinh viên này bị đình chỉ học trong 1 năm. Tuy nhiên, trường Harvard không tiết lộ danh tính vì muốn bảo vệ danh dự cho sinh viên của mình.
Tại Trung Quốc, một vụ gian lận bằng công nghệ cao đã gây chấn động Trung Quốc tháng 10/2014 khi khoảng 2.440 người bị phát hiện gian lận trong kỳ thi trở thành dược sĩ ở thành phố Tây An. Trong vụ này, chủ dịch vụ thi hộ điều các thí sinh giả vào phòng thi để thu thập đề. Sau khi các câu hỏi được gửi về, họ sẽ giải đề và truyền đáp án cho khách hàng qua tai nghe không dây hoặc thiết bị điện tử trá hình thành cục tẩy, thước kẻ hoặc các đồ dùng học tập mà thí sinh được phép mang vào phòng thi. Vụ gian lận bị lộ tẩy khi giới chức phát hiện tín hiệu radio bất thường. Trong ảnh là chiếc thước kẻ được trang bị màn hình LCD bị bắt giữ trong một vụ gian lận thi cử tại Trung Quốc.
Cũng tại Trung Quốc, vào tháng 10/2016, Tan Jia Yan – gia sư Singapore bị phát hiện đã giúp ít nhất 6 học sinh trung học người Trung Quốc gian lận trong kỳ thi O-Levels (kỳ thi ở Singapore để chọn các học viên đủ điều kiện vào dự bị đại học). Theo đó, vị gia sư 32 tuổi này đã sử dụng ứng dụng FaceTime của iPhone và tai nghe không dây có màu da đọc đáp án cho học trò trong phòng thi. Vụ gian lận bị phơi bày vào ngày cuối của kỳ thi khi giám thị nghe thấy âm thanh điện tử bất thường phát ra từ 1 thí sinh.
Hồi tháng 6 vừa qua, Bộ Giáo dục của Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất đã phát hiện ra khoảng 5.500 sinh viên và các phụ huynh tham gia vào một nhóm trò chuyện trên nền tảng nhắn tin xã hội WhatsApp và đã nhận được một bức ảnh chụp đề thi chỉ sau vài phút thi sau khi kỳ thi bắt đầu. Mặc dù điện thoại di động hoàn toàn bị cấm trong phòng thi nhưng vẫn chưa rõ làm thế nào một học sinh có thể mang thiết bị vào phòng thi. Hậu quả là, các thí sinh có liên quan tới vụ gian lận này đều bị cấm thi giai đoạn 3 và nhận điểm 0 ở tất cả các môn.
Tại Kenya, chi tiết về cách thức 1.205 thí sinh dự thi THCS ở nước này gian lận trong kỳ thi 1 năm trước đó đã bị Hội đồng khảo thí quốc gia Kenya (KNEC) phanh phui. Theo đó, hầu hết các thí sinh đã sử dụng điện thoại di động để gian lận.
Không giống như các vụ gian lận kể trên (thí sinh hoặc giáo viên gây ra), vụ gian lận thi cử tại Việt Nam lại do chính những người tham gia chấm thi, giám sát chấm thi gây ra. Những người này đã lợi dụng những kẽ hở của công nghệ trong công tác chấm bài để nâng điểm có chủ đích cho thí sinh. Ở Hà Giang, ông Vũ Trọng Lương đã can thiệp chỉnh sửa ở bước 2, tức công đoạn chuyển ảnh sang dạng text. Do đó khi phát hiện ra sự việc, có thể dễ dàng đối chiếu giữa điểm sửa qua bài thi gốc. Với sai phạm ở Sơn La, đối tượng sửa điểm đã can thiệp, tẩy xóa ngay trên bài thi gốc trước khi cho vào máy chấm, do đó rất khó có căn cứ để phát hiện ra đâu là chỉnh sửa của thí sinh và đâu là chỉnh sửa của người ngoài can thiệp.

Đọc thêm

VietBao.vn