Trang chủ Tin Tức 3/4 máy tính tại Việt Nam vẫn sử dụng phần mềm lậu

3/4 máy tính tại Việt Nam vẫn sử dụng phần mềm lậu

732
Liên minh Phần mềm Quốc tế (BSA) vừa công bố kết quả điều tra phần mềm toàn cầu 2018. Theo đó, tỷ lệ phần mềm không bản quyền cài đặt trong máy tính cá nhân tại Việt Nam là 74%. So với kết quả công bố năm 2016, tỷ lệ này đã giảm được 4 điểm phần trăm. Tổng giá trị thương mại của phần mềm trái phép tại Việt Nam ở mức 492 triệu USD.
Theo bà Sheryl, cố vấn khu vực châu Á – Thái Bình Dương của BSA, cùng với Trung Quốc, mức giảm 4 điểm % của Việt Nam là cao nhất trong số 110 quốc gia được khảo sát.
Tỷ lệ cài đặt phần mềm lậu tại Việt Nam qua các năm và giá trị thương mại của các phần mềm lậu này.

Nói về kết quả này, ông Phạm Cao Thái – Chánh thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch – cho hay nhìn về số học, mức giảm 4% là không đáng kể. Tuy nhiên, với thực tế ở Việt Nam thì đây là thành quả của cả một quá trình tuyên truyền, tăng kiểm kiểm soát để giảm thiểu vi phạm bản quyền máy tính và thực thi Luật sở hữu trí tuệ.

Ông cũng cho biết thêm, khó khăn hiện nằm ở ý thức chấp hành pháp luật của cơ quan, tổ chức chứ không hẳn ở nhận thức. “Có những doanh nghiệp lớn, hiểu biết pháp luật, có hẳn đội ngũ luật sư tư vấn hùng hậu vẫn sử dụng phần mềm lậu, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ”, ông Thái cho hay.
Theo công bố của BSA, có thể thấy tỷ lệ sử dụng phần mềm vi phạm bản quyền tại Việt Nam ở mức cao, nhưng chưa phải cao nhất. Một số quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương có tỷ lệ sử dụng phần mềm lậu cao hơn Việt Nam như Indonesia (83 %), Pakistan (83 %), Srilanka (77 %).

Trong khi đó, một số thị trường phát triển có tỷ lệ sử dụng phần mềm không bản quyền thấp như Nhật Bản (16 %), New Zealand (16 %), Singapore (27 %), Hàn Quốc (32 %), Đài Loan (34 %) hay Hong Kong (38 %).
Trên phạm vi toàn cầu, tỷ lệ sử dụng phần mềm không bản quyền trên máy tính cá nhân chiếm khoảng 37 % tổng số phần mềm được cài đặt, chỉ giảm 2% so với năm 2016.

VietBao.vn