Trang chủ Tin Tức 4 lý do tại sao Chat sẽ là nỗ lực thành công...

4 lý do tại sao Chat sẽ là nỗ lực thành công đầu tiên của Google trong lĩnh vực tin nhắn miễn phí

741
CEO Google Sundar Pichai

Google đã không còn xa lạ gì với thất bại trong nỗ lực xây dựng một nền tảng nhắn tin mạnh mẽ như iMessage, hay chí ít là phổ biến như WhatsApp hoặc Facebook Messenger. Mọi nỗ lực như Allo hay Hangouts của hãng đều chỉ dừng lại ở mức chấp nhận được, nếu không muốn nói là đã thất bại. Tuy nhiên, công nghệ mới nhất đang được Người khổng lồ tìm kiếm tỏ ra đầy triển vỏng, hứa hẹn sẽ thay đổi toàn bộ mạng lưới nhắn tin. Đó là bởi vì Chat không phải là dịch vụ do Google tạo ra, thậm chí không phải là một ứng dụng, thay vào đó là một công nghệ mới được xây dựng trên chuẩn nhắn tin hiện hành và có cơ hội thay thế toàn bộ tin nhắn văn bản SMS. Hơn nữa, nhà mạng cũng có thể có lợi từ Chat.
Sau hàng loạt những nỗ lực như dịch vụ video call hay nhắn tin của Google như Duo, Allo, Google Buzz, Google Wave hay phổ biến nhất là Google Hangouts, cuối cùng Chat mới là giải pháp hiệu quả đem lại thành công cho Người khổng lồ Thung lũng Silicon.
Khác với WhatsApp, Facebook Messenger hay bất kỳ ứng dụng nào nêu trên, Chat là một công nghệ mới chưa đựng nhiều tính năng nâng cấp và sẽ được tích hợp vào ứng dụng nhắn tin mặc định trên các smartphone Android, chẳng hạn Android Messages hay Samsung Messages.
Hồi tháng 4, The Verge có đưa tin về Chat của Google, nói rằng công ty đang triển khai tương thích với một chuẩn có tên Universal Profile for Rich Communication Services (tạm dịch: Hồ sơ chung cho Dịch vụ truyền thông đa phương tiện) được tạo ra bởi GSMA – một cơ quan thương mại mạng lưới di động châu Âu.
Rich Communication Services ban đầu đã vấp phải nhiều sự cố ở thời điểm ra mắt, nhưng nhìn chung là một phiên bản linh hoạt hơn của tin nhắn văn bản. Chuẩn này cho phép chuyển đổi qua lại giữa gửi tin nhắn SMS hoặc tin nhắn qua dữ liệu 4G/WiFi, cùng với đó là nhiều chức năng giống iMessage như chat nhóm hoặc gọi điện thoại qua mạng dữ liệu, chia sẻ ảnh hoặc video, thậm chí là file ghi âm. Theo công ty tư vấn Delta Partners, cơ hội của Google với Chat đang rất rộng mở và đây là 4 lý do tại sao.

Google sẽ giúp các nhà mạng thống nhất được chuẩn RCS cần thiết

Với lợi ích RCS mang lại, thật khó hiểu tại sao các ứng dụng dựa trên RCS chưa trở nên thịnh hành trên điện thoại Android bao lâu nay. Sự thực là các nhà mạng đã mất đi một khoản thu nhập lớn từ tin nhắn SMS bởi cùng với sự ra đời của smartphone và các ứng dụng nhắn tin miễn phí, rất nhiều người đã chuyển qua dùng WhatsApp, Viber, Zalo hay Messenger. Bên cạnh đó iMessage đã tồn tại ở hệ sinh thái iOS từ nhiều năm nay.
Theo báo cáo từ nhiều nguồn tin, một phần lý do là vì RCS thực chất có rất nhiều chuẩn khác nhau và cho đến tận bây giờ, các nhà mạng chưa thực sự thống nhất được với nhau phải chấp nhận chuẩn nào. Họ cần những “ông lớn” như Google thúc giục, và họ cảm thấy giải pháp của Google chính là câu trả lời”, tác giả Mayssaa Issa của báo cáo nói.
Cô còn cho biết thêm Chat hiện đã hỗ trợ 55 nhà mạng lớn, 11 nhà sản xuất điện thoại và hệ điều hành của Microsoft cùng Google – tương đương với khoảng 86% thị phần hệ điều hành smartphone thế giới.
The Verge chỉ ra trong bài báo của mình rằng, Google đã liên tục tìm kiếm sự đồng cảm từ người dùng và nêu cao tư tưởng: “SMS sẽ không sớm thì muộn được thay thế bởi một thứ khác. Bạn có thể gia nhập vào cuộc cách mạng hoặc tiếp tục đứng nhìn Apple lẫn Facebook thống trị với nền tảng nhắn tin của mình”.

Nhà mạng có thể có thêm thu nhập từ tin nhắn marketing tới người dùng

WhatsApp của Facebook là một trong số những dịch vụ nhắn tin miễn phí phổ biến nhất thế giới với hơn 1,2 tỷ người dùng. Tuy nhiên, chiếu quảng cáo trên những ứng dụng như Messenger hay WhatsApp lại tỏ ra phản tác dụng và làm hỏng trải nghiệm sử dụng dịch vụ. WhatsApp mới chỉ vừa chào mời các doanh nghiệp về cách tiếp cận khách hàng, còn Messenger vẫn đang chật vật tìm cách áp dụng thành công quảng cáo lên nền tảng.

Đây chính là cửa sổ cơ hội dành cho tin nhắn truyền thống. Hiện đang có hơn 2 tỷ thiết bị Android đang chạy, phần lớn trong số đó là smartphone, khỏi phải nói, lượng khán giả tiềm năng là khổng lồ.
Theo Delta Partners, ngày càng có ít người dùng nhắn tin SMS cho bạn bè, với tỷ lệ sử dụng dự kiến sụt 9% vào 2020. Nhưng trái lại, tin nhắn SMS gửi đi từ các doanh nghiệp tới người dùng lại tăng, kỳ vọng sẽ đạt mức tăng 3% vào năm 2020. Đây là tín hiệu đáng mừng, khi hầu hết nhà mạng, ngân hàng cùng hàng loạt dịch vụ kinh doanh vẫn đang cậy nhờ vào SMS để tiếp cận khách hàng.
Đối với nhà mạng, thu nạp Chat rồi tính phí các mô hình kinh doanh kia, bắt họ gửi tin nhắn quảng cáo đi kèm là một hướng kiếm tiền không tồi chút nào. Chẳng hạn, các hãng hàng không có thể cho phép người dùng sử dụng Chat để check in lên máy bay. Chưa rõ Người khổng lồ tìm kiếm sẽ sử dụng Chat để “hái ra tiền” như thế nào, nhưng đây rõ ràng là bước đi sáng sủa nhất hãng từng thực hiện.

 

Chat sẽ không lặp lại vết xe đổ của những người anh tiền nhiệm

Bản chất cơ bản của Chat, đó là công nghệ được phát triển trong sự hợp tác với các nhà mạng. Google không phải đang làm việc một mình xây dựng một ứng dụng riêng từ con số 0 sau đó ép nhà mạng phải lắp đặt thiết bị hạ tầng để vận hành.
Không giống như những lần vấp ngã trước đây của Google, Chat được làm ra với mục đích là một tập hợp các công nghệ được nhà mạng thu nạp, từ đó đem lại lợi ích cho người dùng và cả thu nhập cho nhà mạng. Hiện không rõ liệu Người khổng lồ Cupertino phía bên kia chiến tuyến có định chấp nhận hỗ trợ Chat trên iPhone hay không.
“Tôi nghĩ mọi việc sẽ đi đến kết quả tốt. Tôi không thấy Chat là mối đe dọa gì với WhatsApp, iMessage hay Line, thay vào đó là một nỗ lực làm mới SMS, cố gắng thu hút người dùng là các chủ doanh nghiệp”, Issa cho biết.

 

Chat sẽ không được mã hóa bảo mật, và chính phủ thích điều này

Giống như SMS, Chat sẽ không được bảo mật bởi mã hóa “đầu-cuối”, điều đó có nghĩa rằng sẽ công nghệ sẽ nhận được sự hưởng ứng từ các chính phủ, đặc biệt là khi họ không thể truy cập vào các dịch vụ bị mã hóa như WhatsApp.
Đây không phải chủ đích cũng không phải lỗi của Google, RCS là một công nghệ thuộc quyền kiểm soát của nhà mạng, và các điều luật cho phép nhà mạng truy cập dữ liệu tin nhắn vẫn hoàn toàn áp dụng.
“Không giống như một số ứng dụng OTT đang phổ biến, Chat sẽ không hỗ trợ mã hóa “đầu-cuối” bởi sau cùng nó vẫn là một phiên bản nâng cấp của SMS, và SMS thì vẫn chưa bao giờ được mã hóa. Thiếu mã hóa có thể là tin không vui với người dùng, nhưng lại là tin mừng đối với nhiều nhà cầm quyền, vốn đang vật lộn tìm cách truy cập vào nội dung mã hóa của và triển khai nhiều bộ luật giúp có được kiểm soát tốt hơn với dữ liệu gửi đi để đề phòng khủng bố”.
Dù sao thì, với mục đích sử dụng rộng rãi là cho doanh nghiệp thông báo tin nhắn dịch vụ kèm quảng cáo tới khách hàng, việc có hay không bảo mật mã hóa không phải điều quá quan trọng. Sau cùng, Chat sẽ không thay thế ứng dụng nhắn tin OTT, mà chỉ là một phiên bản nâng cấp của SMS cho phép mang lại nhiều tính năng mới, nhiều hướng sử dụng mới mà thôi.