Trang chủ Tin Tức Apple tiếp tục đối mặt với kiện tụng vì bị tình nghi...

Apple tiếp tục đối mặt với kiện tụng vì bị tình nghi “biết iPhone 6 dính lỗi từ trước khi bán ra”

762

Mặc dù đã ra mắt đến đời iPhone thứ 10, nhưng mọi rắc rối về iPhone 6, cụ thể là hai lỗi “Bendgate” và “Touch Disease” dường như vẫn chưa chịu buông tha Apple. Thật vậy, bởi mới chỉ vài năm trước, iPhone 6 và 6 Plus đã lấy đi không biết bao nhiều giấy mực của báo đài về lỗi bẻ cong và hỏng cảm ứng. Và sự việc có vẻ như chưa hề kết thúc khi mới đây, báo Motherboard đã công bố nhiều thông tin từ một vụ kiện nhắm vào Apple, cho rằng Bendgate và Touch Disease có thể có liên quan đến nhau, và rằng hơn ai khác, Apple chính là người biết rõ nhất điều này ngay cả trước khi bán ra thiết bị.
Tình tiết mới được tìm thấy trong tài liệu công bố bởi Thẩm phán Quận Lucy Koh – cũng là vị thẩm phán đã chủ tọa phiên tòa xét xử vụ kiện giữa Apple với Samsung. Quay trở lại vụ kiện nêu trên, nguyên đơn cho rằng lỗi hỏng cảm ứng Touch Disease – vốn gây ra hiện tượng nháy chớp màn hình và mất cảm ứng trên iPhone 6 và 6 Plus – có liên quan trực tiếp tới cấu trúc vật lý và thiết kế yếu ớt của vỏ nhôm trên sản phẩm.
Khi Touch Disease được phát hiện lần đầu bởi các chuyên gia kỹ thuật hồi cuối năm 2016, rất nhiều người tin rằng nguyên do là bởi bộ điều khiển màn hình cảm ứng không được gắn chắc với bảng mạch trên iPhone, mà chỉ được dính bằng “underfill” – tên một chất dạng polyme hoặc lỏng thường dùng để gán dính nhựa PCB.
Trong đơn kiện của mình, nguyên đơn khẳng định rằng chính cấu trúc khung kim loại yếu của iPhone 6 và 6 Plus – vốn dĩ có thể dễ dàng bị bẻ cong chỉ bằng một cú rơi nhẹ hoặc qua sử dụng thông thường hằng ngày – là nguyên nhân khiến bộ điều khiển màn hình rơi lỏng ra khỏi bảng mạch.
Quan trọng hơn, nguyên đơn cáo buộc Apple rằng Táo khuyết tại thời điểm đó nhận thức hoàn toàn đầy đủ về thiết kế lỗi của mình, nhưng vẫn quyết định giới thiệu và bán ra iPhone 6 hồi năm 2014 dù biết rõ rằng Touch Disease sẽ sớm muộn trở thành vấn đề thực sự.
Theo thẩm phán Koh: “Quy trình kiểm tra nội bộ của Apple đã kết luận rằng iPhone 6 dễ bẻ cong hơn iPhone 5s (model iPhone ngay trước iPhone 6) 3,3 lần trong khi con số đó với iPhone 6 Plus lên tới 7,2 lần. Một trong số những lo ngại Apple đã xác định được trước khi tung ra iPhone 6 đó là việc thiết bị dễ bị bẻ cong hơn nhiều so với người tiền nhiệm”, điều mà theo lời Táo khuyết chỉ là “hiện tượng đã được tính trước”.

Koh còn nói thêm rằng “Sau điều tra nội bộ, Apple đã quyết định rằng underfill là giải pháp “chữa cháy” cần thiết để giải quyết vấn đề hỏng màn hình và tiếp tục dùng chất dính này để dính bộ điều khiển cảm ứng vào bảng mạch trên iPhone 6/6 Plus tới 5/2016”, tức gợi ý rằng công ty từ lâu đã nhận ra vấn đề cốt lõi của lỗi màn hình.
Ngoài ra, phải nói đến sự thực là Apple đã vô cùng nhanh chóng chuyển sang sử dụng nhôm 7000 series để làm vỏ khung trên iPhone 6S – một chất liệu nhôm bền chắc và dày dặn hơn – dù cũng có khả năng đó chỉ là phản ứng thay đổi kịp thời của Apple sau khi Bendgate trở nên viral nhờ trang video từ trang Youtube Unbox Therapy:

Apple dĩ nhiên không phải ví dụ duy nhất về quan điểm “ưa cái đẹp”, Samsung cũng từng tung ra Galaxy Note 7 và không lâu sau đó tốn không ít tiền để giải quyết thảm họa khi sản phẩm của mình mang theo nguy cơ cháy nổ, chỉ vì hãng đã quá tham lam và cố gắng nhồi vào Note 7 một viên pin quá to so với sức chứa của thiết bị.
Về phia Apple, thương hiệu đã quá nổi tiếng với tiêu chí đặt thiết kế lên hàng đầu, ngay cả khi điều đó làm giảm chức năng sử dụng sản phẩm (điển hình là các dòng MacBook đời mới với thiết kế chỉ một vài cổng kết nối hết sức bất tiện), và có lẽ iPhone 6 là thất bại thảm hại của Apple khi theo đuổi tiêu chí thiết kế đến ám ảnh về độ mỏng trên smartphone mà bỏ quên mất tính năng sử dụng cũng như độ bền thiết bị.

Galaxy Note 7 đã bỏ lỡ cơ hội trở thành “Sát thủ iPhone” để trở thành thất bại thảm họa ám ảnh Samsung đến tận ngày hôm nay
Apple: Nope! (ảnh từ Slash Gear)