Amazon Go, cửa hàng theo hình thức “không nhân viên” của gã khổng lồ Internet đã chính thức mở cửa vào hồi đầu năm nay tại thành phố Seattle, Mỹ, và nơi đây chủ yếu có hai loại người: nhân viên của Amazon và du khách.
Cửa hàng được đặt ở tầng một của tòa nhà trụ sở cao 37 tầng của Amazon, khiến nó là cửa hàng tạp hóa gần nhất đối với hàng nghìn nhân viên đang làm việc tại đây.
Ở bên ngoài, một vài nhóm du khách đang đứng chụp hình “check-in” trước cửa hàng – một trường hợp mà có lẽ Amazon Go là ngoại lệ duy nhất. Công bằng mà nói, cửa hàng này có nhiều thứ để xem hơn là những bảo tàng hay triển lãm mỹ thuật mà bạn thường hay đi tới.
Tại Amazon Go, bạn có thể sẽ cảm thấy “hụt hẫng” nếu đã quá quen với những cửa hàng tạp hóa hay siêu thị thông thường. Ở đây không có những hàng dài người xếp hàng chờ thanh toán, không ai dùng tiền mặt, và cũng chẳng có nhân viên thu ngân hay bảo vệ. Thay vào đó, cửa hàng có những cánh cửa được điều khiển bằng smartphone, và rất nhiều camera.
Để được vào cửa hàng, khách hàng sẽ phải tải một ứng dụng đặc biệt có liên kết với tài khoản Amazon và thẻ tín dụng của họ. Điện thoại sau đó sẽ tạo ra một đoạn mã và cửa ra vào sẽ quét đoạn mã này để xác thực khách hàng. Kể từ lúc này, nhất cử nhất động của bạn sẽ được theo dõi bởi hàng trăm camera gắn ở mọi nơi.
Một loạt các camera và cảm biến khác được đặt tại các kệ hàng để xác định mỗi khi bạn cầm một sản phẩm lên và đưa nó vào giỏ hàng ảo. Khi bạn đặt nó lại vị trí cũ, giỏ hàng cũng sẽ tự động xóa món hàng này. Amazon cũng khuyến cáo bạn không nên lấy đồ hộ người khác, vì hệ thống sẽ nhận diện bạn là người mua đồ. Trên kệ hàng là những món hàng “đậm chất Mỹ”: bánh sandwich cỡ lớn, 900 loại đồ uống giải khát khác nhau và bánh hamburger ăn liền.
Khi bạn đã mua hàng xong, công việc duy nhất mà bạn phải làm là… cầm chúng bước ra ngoài. Vài phút sau, một hóa đơn sẽ được gửi đến điện thoại của bạn.
Không có ai kiểm tra túi của bạn khi bạn bước ra ngoài; nhân viên duy nhất ở đây là một người đứng cạnh hệ thống xác thực để hướng dẫn khách hàng và một người còn lại kiểm tra căn cước của những người mua đồ uống có cồn. Bản thân tôi chưa bao giờ ăn cắp vặt tại cửa hàng tạp hóa bao giờ, nhưng tôi luôn nghĩ rằng nó sẽ có cảm giác tương tự như thế này.
Đánh lừa hệ thống là điều bất khả thi. Tôi đã thử rất nhiều lần: tôi liên tục lấy một cái bánh rồi lại đặt nó về vị trí cũ. Tôi mang các món hàng đã mua đi một vòng quanh cửa hàng rồi đặt nó về vị trí cũ. Tôi thậm chí còn giấu chúng ở trong áo của mình. Cuối cùng, tôi cứ sợ rằng hệ thống sẽ ghi nhận sai và bắt tôi phải trả một số tiền khổng lồ, nhưng thật may mắn, ứng dụng vẫn thông báo đúng những gì tôi đã lấy: một chai nước lọc, một cái bánh quy, một thanh đồ ăn nạp năng lượng và một gói kẹo dẻo.
Tuy nhiên, vẫn có một cách để qua mặt hệ thống: sau khi nhận được hóa đơn, bạn có thể tiến hành “refund”, tức báo cho bên ngân hàng rằng bạn muốn được hoàn lại tiền. Và vì bạn đã cầm hàng trên tay và ra về, những món đồ bạn đã mua sẽ trở nên “miễn phí”. Tất nhiên, nếu một người làm vậy quá nhiều lần, tài khoản của họ sẽ bị khóa, thậm chí bị truy tố tội ăn cắp nếu cần thiết.
Tạm bỏ qua việc Amazon đã gặp bao nhiêu khó khăn để có thể triển khai Amazon Go (công ty đã mất hơn một năm mới có thể chính thức khai trương cửa hàng tới các nhân viên và công chúng), mọi thứ ở đây thực sự rất tiện lợi. Điều duy nhất khiến tôi cảm thấy hơi khó chịu chỉ là số camera đang ở trên đầu mình
Bạn có biết rằng trung bình một người ở Anh sẽ xuất hiện trên camera của CCTV 70 lần mỗi ngày? Tại Amazon Go, bạn vượt qua con số này chỉ trong vài giây.
Nhưng điều này có đủ để ngăn cản Amazon không? Không có bất kỳ khách hàng nào xung quanh tôi tỏ ra quá khó chịu với việc bị theo dõi mọi lúc mọi nơi. Công bằng mà nói, chúng ta cũng không thực sự phải quá quan tâm về vấn đề này, khi dữ liệu mua sắm của chúng ta luôn được lưu trữ khi sử dụng thẻ thành viên.
Mặt khác, Amazon Go biết về chúng ta nhiều hơn là chỉ những gì chúng ta đã mua hay không mua. Nếu tôi cầm lên một chai rượu và đặt nó xuống ngay lập tức, liệu tôi có nhìn thấy quảng cáo rượu trên trang Facebook của mình hay không?
Nhưng những người nên lo lắng không phải là chúng ta, mà là phần còn lại của ngành công nghiệp bán lẻ. Quá trình thâu tóm toàn bộ thị trường mua sắm của Amazon đã chậm hơn dự kiến, nhưng với việc công ty đã mua lại Whole Foods vào năm ngoái, và những tin đồn rằng họ đang chuẩn bị nuốt chửng Waitrose, rõ ràng Amazon đang muốn tăng tốc.
Nếu Amazon có thể loại bỏ phần lớn nhân viên khỏi các cửa hàng của mình, công ty sẽ có thể cắt giảm một phần chi phí rất lớn đối với mọi siêu thị và cửa hàng, cho phép Amazon giảm giá bán trong một thị trường vốn có lợi nhuận đã quá thấp và không còn ai có thể đấu lại được nữa. Tuy vậy, hàng trăm camera và hệ thống máy chủ dùng để xử lý dữ liệu chắc chắn là không hề rẻ, nên Amazon cũng cần phải cân nhắc. Những mối lo ngại về bảo mật quyền riêng tư cũng có thể là một rào cản lớn đối với người tiêu dùng, nhưng theo tôi, đối với đại đa số mọi người, sự tiện lợi chắc chắn sẽ đáng giá hơn quyền riêng tư.
Văn Hoàn