Trang chủ Tin Tức Bên trong trại tị nạn tồn tại nhờ tiền ảo ở Jordan

Bên trong trại tị nạn tồn tại nhờ tiền ảo ở Jordan

730
Bên trong một khu chợ thuộc trại tị nạn Zaatari, Jordan (Nguồn: MIT)

Một vài lần trong tháng, người đàn ông mang tên Bassam đi mua sắm đồ tiêu dùng thiết yếu và thực phẩm như gạo, rau quả tại siêu thị Tazweed phục vụ cho khoảng 75.000 người tị nạn ở khu trại  Zaatari thuộc vùng thảo nguyên bán khô hạn của Jordan, cách biên giới Syria hơn 10km.

Tại quầy thanh toán, người thu ngân kiểm lại hàng hóa, nhưng Bassam không hề sử dụng tiền mặt hay thẻ tín dụng. Thay vào đó, anh ta nhìn vào camera để quét mống mắt của mình. Phiếu mua hàng của Bassam có ghi hình thức thanh toán “EyePay” và “World Food Programme Building Blocks”. Những chuyến mua hàng tại siêu thị của Bassam thuộc dự án sử dụng blockchain để hỗ trợ quyền con người của Liên Hợp Quốc (UN). Việc quét mống mắt nhằm xác thực nhân thân thuộc cơ sở dữ liệu của UN, truy suất tài khoản gia đình được quản lý bằng biến thể của Ethereum bởi Chương trình Lương thực thế giới (WFP).

Hình ảnh máy quét móng mắt tại quầy thu ngân trong trại Zaatari (Nguồn: MIT)

Building Blocks, tên của dự án nói trên, khởi động từ đầu năm 2017, giúp WFP phân phối hỗ trợ đổi tiền lấy lương thực cho hơn 100.000 người tị nạn Syria tại Jordan. Được kỳ vọng sẽ bao trùm hết khoảng 500.000 người tị nạn Syria cho đến cuối năm 2018, dự án Building Blocks nếu thành công sẽ thúc đẩy việc triển khai công nghệ blockchain cho các tổ chức thuộc Liên Hợp Quốc.

Chương trình Lương thực thế giới đã thành công khi đem thực phẩm đến cho 80 triệu người trên thế giới, nhưng kể từ 2009, tổ chức này đã chuyển hướng từ bàn giao lương thực sang chuyển tiền đến những người cần sự giúp đỡ. Phương thức này có thể đem lại nguồn thức ăn cho nhiều người hơn, cải thiện kinh tế địa phương và tăng cường minh bạch. Nhưng nó cũng vấp phải một vấn đề về hiệu quả: làm việc với các ngân hàng địa phương hay khu vực. Trong năm 2017, WFP đã chuyển khoản số tiền 1,3 tỷ USD cho mục tiêu này, với phần phí giao dịch và các loại phí khác đủ để trang trải hàng triệu bữa ăn. Các kết quả bước đầu của dự án blockchain đã giảm được tới 98% những phí nói trên.

Trại tị nạn Zaatari với hơn 75.000 người dân sinh sống (Nguồn: MIT)

Giám đốc WFP, Houman Haddad, là người đứng sau và ủng hộ hoàn toàn cho dự án trên nền tảng blockchain, với kỳ vọng còn đạt được nhiều hơn cả tiết kiệm chi phí. Đó chính là giải quyết được vấn đề trọng điểm của mọi cuộc khủng hoảng nhân quyền: cách thức giúp đỡ những người dân thường không có giấy tờ căn cước hoặc tài khoản ngân hàng có thể tham gia vào hệ thống tài chính và pháp luật nơi mà những điều kiện tiên quyết để có được việc làm và cuộc sống ổn định.
Ông Haddad đã vẽ ra viễn cảnh Bassam bước ra khỏi trại Zaatari với một ví điện tử, trong có chứa lịch sử giao dịch trong trại tị nạn, ID do chính phủ cấp, và tiếp cận với các tài khoản tài chính, tất cả được kết nối qua hệ thống nhận dạng kiểu blockchain. Với chiếc ví này, Bassam có thể dễ dàng tham gia vào cuộc sống bên ngoài trại tị nạn, có nơi để chủ thuê nhân công trả lương, có lịch sử tài chính để mọi ngân hàng kiểm tra, hoặc có giấy tờ nhân thân để nhân viên hải quan kiểm tra tại cửa khẩu. Những thứ này được kiểm chứng bởi UN, chính phủ Jordan hay thậm chí cả những người hàng xóm của Bassam. Các dữ liệu được lưu trữ trên điện thoại di động và backup online ở dạng mã hóa. Người tị nạn Syria sử dụng cách này khi hầu hết những ai ở Zaatari đều sở hữu smartphone, nên họ có thể lấy lại lý lịch tư pháp của mình cùng các giấy tờ đã mất khi rời bỏ quê hương.
Một số tổ chức cũng đang triển khai các dự án và chương trình theo blockchain. Ở Phần Lan, một startup mang tên MONI trên cơ sở hợp tác với Cơ quan Nhập cảnh Phần Lan từ năm 2015, cấp cho mỗi người đăng ký tị nạn tại quốc gia này một thẻ MasterCard trả trước, với một mã số nhân dạng điện tử lữu trữ dạng blockchain. Mặc dù không có hộ chiếu cần thiết để đăng ký một tài khoản ngân hàng Phần Lan, những nguời tị nạn có thể nhận được trợ giúp từ chính phủ qua tài khoản MONI, hoặc nhận được các khoản cho vay từ những người biết và tin tưởng họ, xây dựng lịch sử tín dụng đáng tin cậy nhằm tiếp cận những khoản vay lớn hơn.

Một người đăng ký tị nạn tại Phần Lan với thẻ MONI (Nguồn: MIT)

Bên cạnh đó, những công ty như Accenture và Microsoft cũng đang tham gia cùng các tổ chức phi lợi nhuận trong một liên minh công-tư được gọi là ID2020. Nhiệm vụ của liên minh này là chung tay đạt được mục tiêu của UN về cung cấp danh định pháp lý cho tất cả mọi người, bắt đầu với hơn 1,1 tỷ người thiếu giấy tờ chứng minh cần thiết cho sự tồn tại của mình. Khái niệm “danh tính tự chủ” – self-sovereign identity – là trọng tâm của các hệ thống trong liên minh, nơi mà mỗi cá nhân sở hữu bằng chứng điện tử về sự tồn tại, mà không phụ thuộc vào bất kỳ một quốc gia hay chính phủ nào. Nhiều chuyên gia đã đồng thuận với việc xây dựng những hệ thống trên dựa vào blockchain. Với những lợi thế như lưu trữ định danh được mã hóa trên một chuỗi blockchain nhằm tách rời hệ thống xác thực ra khỏi dữ liệu cá nhân, giảm thiểu trung gian ở các bản ghi danh tính truyền thông, hay sống sót qua thảm họa bằng việc tránh các hệ thống lưu trữ dữ liệu tập trung, blockchain có thể giải quyết những vấn đề muôn thuở của hệ thống định dạng cá nhân.
Trở lại câu chuyện của Building Blocks, ý tưởng của vị CEO của WFP là tạo tài khoản blockchain cho mỗi gia đình người Syria tại trại tị nạn ở Jordan. WFP có thể kiểm soát những giao dịch mua bán và thanh toán cho các nhà phân phối và cửa hàng bằng tiền mặt sau đó.
Thống kê cho thấy gần 30% các khoản hỗ trợ của UN rơi vào túi những kẻ tham nhũng tại nhiều quốc gia. Phiên bản thử nghiệm của Building Blocks tại Pakistan đã gặp vấn đề với giao dịch chậm trễ và phí quá cao, với lý do sử dụng đồng Ethereum công khai. Do vậy dự án đang được triển khai tại Jordan được điều chỉnh lại với phiên bản riêng biệt của Ethereum. Với sự điều chỉnh này, chỉ có một cơ quan Trung ương quyết định những thành viên tham gia vào chuỗi blockchain, thay vì tất cả đều có thể tham gia và xác thực giao dịch.

WFP đang nỗ lực đem lại nguồn lương thực tới người dân tị nạn (Nguồn: MIT)

Cuối cùng, câu hỏi đặt ra cho Building Blocks hay các hệ thống tương tự là liệu quyền sở hữu những ID điện tử thuộc về những người được nó đại diện hay đó chỉ là một cách đơn giản hơn để cho các tổ chức và quốc gia quản lý sự tồn tại số của người dân. Bob Reid, CEO của một startup danh tính trên cơ sở blockchain, Everid, cho biết câu hỏi này sẽ trở thành vấn đề nóng trong vòng vài năm tới, “Hoặc nó thuộc về các cá nhân, hoặc nó thuộc về những thể chế đào xới dữ liệu con người”.
 
A.M (Theo MIT)

VietBao.vn