Tránh dùng xà phòng nhiều khi tắm – Ảnh: Hồng Phương
Theo chuyên gia y tế, các sản phẩm xà phòng thương mại thường chứa nhiều hóa chất, nếu sử dụng nhiều, lâu dài có thể gây các rối loạn bề mặt da, thúc đẩy các bệnh về da, thậm chí nhiễm trùng da…
Xà phòng tẩy rửa ra sao?
Nhiều bạn trẻ cho biết họ vô tư tắm 3-4 lần/ngày bằng xà phòng và họ không hề biết những hệ lụy do dùng quá nhiều xà phòng. Bạn L.T.H. (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho hay: “Trung bình mỗi ngày tôi tắm 3 lần, lúc nào tắm tôi cũng dùng xà bông tắm lẫn dầu gội. Tôi nghĩ tắm nhiều lần sẽ giảm được cảm giác nóng nực, khô rít khó chịu khi nắng nóng”.
TS Lê Thái Vân Thanh, chuyên gia da liễu Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM, cho biết hầu hết các sản phẩm xà phòng đều chứa nhiều hóa chất, đặc biệt là chất tẩy rửa có tác dụng làm sạch. Trong xà phòng tắm nói chung bao gồm 5 thành phần chính:
Đầu tiên là thành phần có tác dụng chính để làm sạch trên bề mặt da, thường được gọi là chất căng bề mặt. Thành phần thứ hai là chất tạo bọt, tác dụng chính của nó là báo hiệu cho người sử dụng biết với lượng chất làm sạch da đó đã đủ hay chưa, có thể dựa vào mức độ bọt để đánh giá. Chẳng hạn nếu tay bạn quá dơ mà bạn sử dụng một lượng xà phòng như thường ngày để rửa thì lượng bọt sẽ rất ít vì lượng xà phòng làm sạch chưa đủ.
Thành phần thứ ba là ngăn đóng ván, chẳng hạn như xà phòng gội đầu không có ngăn đóng ván thì tóc sẽ bị cứng tóc bết. Thứ tư là những hương liệu hoặc chất tạo màu sắc để tạo thẩm mỹ cho sản phẩm. Và thứ năm là hỗn hợp các chất tùy theo nhu cầu của người tiêu dùng.
Tự rước bệnh khi lạm dụng xà phòng
Thông thường, da mỗi người cần có môi trường pH, các yếu tố lý hóa cân bằng nhất định, chẳng hạn như một số quá trình đào thải các chất bã nhờn qua mồ hôi, vì vậy da cần sự ổn định mới duy trì được làn da đủ chức năng là bảo vệ cơ thể.
TS Trần Ngọc Ánh – chuyên khoa da liễu Bệnh viện Da liễu TP. HCM – cho biết: “Trên bề mặt da có lớp sừng và có màng lipit bảo vệ da khỏi những tác nhân có hại từ môi trường. Nếu tắm xà phòng nhiều lần trong ngày, da được làm sạch quá mức thì lớp lipit trên bề mặt da phục hồi không kịp và mất đi, da sẽ trở nên khô. Đặc biệt, đối với những người có cơ địa chàm hay da nhạy cảm, da sẽ trở nên khô bị bong tróc, đỏ gây ngứa ngáy khó chịu, có thể diễn tiến tới bệnh dị ứng da. Đặc biệt, khi tắm kết hợp với chà xát mạnh, tẩy tế bào chết nhiều có thể gây tổn thương lớp thượng bì dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng da”.
Ngoài ra, trên bề mặt da có các vi sinh vật cả có lợi và có hại. Như vậy, nếu lạm dụng xà phòng khi vệ sinh cơ thể quá nhiều sẽ làm rối loạn môi trường bề mặt da, rối loạn độ pH, các lợi khuẩn sẽ bị tiêu diệt, còn các mầm mống hại khuẩn chỉ bị kiềm chế tạm thời, sau đó gặp môi trường thuận lợi các hại khuẩn, vi nấm phát sinh tấn công cơ thể gây nấm da, nhiễm trùng da…
Bên cạnh đó chất tẩy, mùi hương trong sản phẩm càng nồng, càng thơm thì tiềm ẩn càng nhiều nguy cơ có hại cho sức khỏe.