Hệ điều hành thứ ba này từng có tên mã “Andromeda”, là sự kết hợp của Android và Chrome OS. Hiện nay, chúng ta đã được biết tên gọi thực sự của nó là Fuchsia, và một lượng lớn mã nguồn và tài nguyên của hệ điều hành mới này đã được tung lên mạng để các nhà phát triển của thể nghiên cứu. Tuy nhiên, nếu bạn chỉ là một người dùng thông thường, bạn có thể sử dụng trang web demo này để xem qua hệ điều hành Fuchsia.

Những tin đồn ban đầu về Andromeda xuất phát từ “mong ước” về một hệ điều hành “Google OS” duy nhất thay vì đến hai. Tuy nhiên, nếu như vậy, rõ ràng Andromeda sẽ được tích hợp hàng tá tính năng trên cả hai nền tảng – tốt nếu bạn muốn tiếp tục phát triển từ gốc là Android và Chrome OS, nhưng lại cực kỳ tệ để bảo trì và phát triển xa hơn trong tương lai.

Fuchsia thì ngược lại. Nó là một hệ điều hành mới được xây dựng từ con số 0. Nó thậm chí còn sử dụng một kernel hoàn toàn mới do chính Google phát triển, thay vì kernel Linux mà cả Android và Chrome OS đều đang sử dụng. Giao diện người dùng của Fuchsia cũng vậy, hầu như không có điểm chung so với hai người tiền nhiệm.

Thực ra giao diện người dùng của Fuchsia OS không phải là điều gì đó bí mật, nhưng cho đến nay, chúng ta cũng chỉ được biết về nó một cách khá sơ sài và rời rạc, dưới hình thức những đoạn mã chưa hoàn chỉnh và chỉ có những nhà phát triển gạo cội hay những fan hâm mộ thực sự của Google mới có thể thử. Nếu là một người dùng thông thường, bạn có thể ghé qua trang web này: https://mgoulao.github.io/fuchsia/ – vốn có thể chạy trên bất kỳ trình duyệt web nào, dù là desktop hay di động – để có thể lướt sơ qua những gì Google đang bí mật thực hiện.

Tất nhiên, như đã nói ở trên, mọi thứ vẫn còn khá sơ sài, chẳng có ứng dụng nào để có thể bàn luận. Nhưng bản demo này đã cho thấy Google đang tìm cách mang đến trải nghiệm tập trung mạnh vào Google Search khi nó hiện diện ở hầu như khắp nơi trong giao diện Fuchsia OS. Cuối cùng, dù Fuchsia OS thực tế và bản demo nêu trên sẽ chạy tốt trên bất kỳ thiết bị nào, bạn chỉ có thể có được trải nghiệm tốt nhất trên smartphone hoặc tablet mà thôi.

Tham khảo: SlashGear