“Những gì chúng tôi đang làm là để đảm bảo chúng tôi không mua phần mềm có nguồn gốc của Nga hoặc Trung Quốc, và thực sự rất khó để có thể xác định nguồn gốc của một thiết bị nào đó ngay từ những cái nhìn đầu tiên”, Lord nói. “Chúng tôi đã xác định được một số công ty không hoạt động phù hợp với những tiêu chuẩn quốc phòng mà chúng tôi đặt ra”.
Mặc dù Lord từ chối tiết lộ cụ thể tên các công ty có trong danh sách, mối lo ngại về an ninh bảo mật gia tăng đã khiến Quốc hội và chính quyền Mỹ chĩa mũi nhọn vào một số công ty Trung Quốc như ZTE và Huawei. Dự luật bảo vệ quốc phòng năm tài chính 2019, H.R 5515, sẽ cấm chính phủ mua và sử dụng bất kỳ thiết bị nào do hai công ty viễn thông Trung Quốc sản xuất và phân phối.
ZTE đã suýt chút nữa phải đóng cửa khi Mỹ cấm công ty này mua bất kỳ tài sản nào thuộc sở hữu của công nghệ Mỹ. May mắn cho ZTE, chính quyền Mỹ đã đồng ý dỡ bỏ lệnh cấm – vốn là một hình phạt vì ZTE vi phạm lệnh trừng phạt đang được áp dụng lên Iran và Triều Tiên của Mỹ – chỉ sau khi ZTE cải tổ lại ban giám đốc và quản trị cấp cao, trả khoản tiền phạt khổng lồ và hứa sẽ cho phép bên ngoài giám sát các hoạt động của mình.
Khi một công ty bị đưa vào danh sách, các quan chức của Lầu Năm Góc sẽ kiểm tra để đảm bảo họ không mua thiết bị của các công ty đó.
“Có thể dễ dàng nhận thấy đây là một vấn đề an ninh mạng rất quan trọng, một trong những mối quan tâm lớn nhất của chúng tôi ngay bây giờ”, Lord nói. “Đó là thách thức của chúng tôi trong việc mua sắm trang thiết bị, đặc biệt là với các công ty nhỏ vốn không phải lúc nào cũng có nguồn lực”.
Trong một diễn biến khác, các phần mềm của hãng Kaspersky Lab – một công ty của Nga – đã bị xóa tên khỏi toàn bộ mạng lưới chính phủ Mỹ. Nhiều quan chức Mỹ cáo buộc phần mềm của Kaspersky đã thực hiện theo dõi người dùng và gửi thông tin về cho các cơ quan tình báo Nga.
Hoàng Lan