Trang chủ Tin Tức Cần thiết xây dựng bổ sung khung pháp lý về định danh...

Cần thiết xây dựng bổ sung khung pháp lý về định danh điện tử tại Việt Nam

831
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm phát biểu khai mạc hội thảo “Định danh điện tử trong nền kinh tế số tại Việt Nam”.

Hôm nay, ngày 26/7/2018, tại Hà Nội, Bộ TT&TT tổ chức hội thảo “Định danh điện tử trong nền kinh tế số tại Việt Nam”, với sự góp mặt của đại diện các đơn vị chuyên trách CNTT của các cơ quan, tổ chức; các nhà mạng cùng các chuyên gia quốc tế.
Hội thảo là diễn đàn để các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước trao đổi, chia sẻ về kinh nghiệm giải pháp xây dựng định danh điện tử và các dịch vụ xác thực định danh điện tử tin cậy, phục vụ hoạt động giao dịch điện tử. Đây sẽ là những nội dung hữu ích, giúp Bộ TT&TT xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách, quy định liên quan đến định danh điện tử, xác thực điện tử tại Việt Nam trong thời gian tới.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết, ngày nay niềm tin là vấn đề cơ bản trong toàn bộ hệ sinh thái kinh tế số. Tính bảo mật, tính riêng tư là mối quan tâm lớn của người dân khi tương tác với các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến từ thương mại điện tử và dịch vụ công trực tuyến qua các cổng thông tin do nhà nước quản lý. “Điều này đòi hỏi chính phủ phải xây dựng các khung khổ pháp lý để giải quyết các vấn đề quyền riêng tư, tính minh bạch, khả năng kiểm soát và trách nhiệm giải trình”, Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng Phan Tâm cũng cho biết, nhiều nước trên thế giới, điển hình như Canada, Phần Lan, Estonia, Đức, Ấn Độ, Singapore, Hàn Quốc đã triển khai thành công hệ thống định danh làm nền tảng cho việc thiết lập và cung cấp thành công dịch vụ công trực tuyến và phát triển thương mại điện tử.
Tại Việt Nam, Chính phủ đã nhận thức rất rõ vai trò của CNTT-TT trong phát triển kinh tế – xã hội. Quyết tâm của Chính phủ được thể hiện với những chủ trương, chính sách trong thời gian vừa qua về xây dựng Chính phủ điện tử, phát triển Thương mại điện tử và thúc đẩy công nghiệp 4.0.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, hiện hệ thống văn bản pháp lý về định danh điện tử còn chưa hoàn thiện. Việc xác thực danh tính người dân khi sử dụng dịch vụ dựa vào chứng minh thư nhân dân, thẻ căn cước công dân hay các giấy tờ tùy thân khác vẫn còn rất phổ biến, gây bất tiện cho người dân và giảm hiệu quả khi cung cấp dịch vụ.
“Vì vậy, việc nghiên cứu, xây dựng bổ sung khung khổ pháp lý về định danh điện tử là rất cần thiết, tạo điều kiện thúc đẩy triển khai các dịch vụ xác thực điện tử tin cậy, góp phần phát triển các hoạt động giao dịch điện tử tại Việt Nam và hướng đến một số mục tiêu quan trọng như: xây dựng hạ tầng số, tạo nền tảng thực hiện hóa các chiến lược phát triển Chính phủ điện tử, kinh tế số; khuyến khích đổi mới, sáng tạo trong hoạt động triển khai dịch vụ trực tuyến cả ở khu vực công và khu vực tư nhân; tạo môi trường thuận lợi để người dân có thể tiếp cận và sử dụng các dịch vụ của chính phủ và các tổ chức tư nhân, tiếp nhận các phúc lợi xã hội theo quyền lợi chính đáng; đảm bảo an toàn thông tin cho giao dịch điện tử, tạo môi trường giao dịch tin cậy giữa các bên tham gia…”, Thứ trưởng cho hay.

Trước đó, kết luận cuộc họp ngày 14/5/2018 với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và một số thành viên Ủy ban Quốc gia ứng dụng CNTT về xây dựng Chính phủ điện tử, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ TT&TT phối hợp với Văn phòng Chính phủ nghiên cứu, xây dựng các Nghị định về định danh điện tử cho cá nhân, tổ chức; chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, tổ chức, trình Chính phủ trong năm 2019.
Trong tham luận tại hội thảo “Định danh điện tử trong nền kinh tế số tại Việt Nam” diễn ra sáng 26/7, Phó Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) Phạm Quang Hiếu cho biết, định danh điện tử là một khái niệm còn khá mới mẻ đối với phần lớn các bên tại Việt Nam, gồm khu vực công, khu vực tư nhân cũng như đối với mỗi công dân. Hiện chúng ta chưa có định nghĩa chínhthức về “định danh điện tử” trong các văn bản quy phạm pháp luật.
Theo quốc tế, định danh điện tử là tập hợp các thông tin cá nhân dưới dạng điện tử có khả năng phân biệt các cá nhân với nhau trong phạm vi thiết lập trước: hệ thống, tổ chức, lĩnh vực, quốc gia. Hệ thống định danh điện tử là tập hợp các công nghệ cho phép cá nhân chứng minh danh tính của mình khi truy cập một hệ thống thông tin hoặcs ử dụng các dịch vụ trực tuyến.
Hệ thống định danh điện tử cơ bản gồm 3 nội dung: Tạo lập định danh điện tử, Xác thực định danh điện tử; Xóa bỏ, thu hồi định danh điện tử. Có thể kể đến một số dịch vụ cơ bản của định danh điện tử: dịch vụ xác thực định danh điện tử, dịch vụ xác nhận thẩm quyền điện tử, dịch vụ xác nhận khách hàng điện tử, dịch vụ định danh di động…
Đại diện NEAC cũng cho biết, định danh điện tử mang lại lợi ích cho cá nhân, chính phủ và doanh nghiệp, giúp mở rộng đáng kể quy mô các hệ thống nhận dạng chính thức, là điều kiện để thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế, tăng cường khả năng tiếp cận quyền và nghĩa vụ cơ bản của người dân đối với các dịch vụ công và phúc lợi xã hội.
Bên cạnh đó, định danh điện tử cũng sẽ giúp đẩy nhanh việc cung cấp dịch vụ và mang lợi ích tới những đối tượng phụ thuộc nhiều nhất như nhóm người dân khó khăn, ở khu vực hẻo lánh, xa xôi; tạo điều kiện cho những đổi mới kinh tế then chốt ở cả khu vực công và khu vực tư nhân, cụ thể hỗ trợ xác thực mạnh hơn, cho phép cung cấp dịch vụ có giá trị cao đòi hỏi mức độ an toàn lớn, đem lại những lợi ích kinh tế nhờ cắt giảm chi phí, gia tăng năng suất lao động…; đồng thời củng cố niềm tin giữa các bên liên quan, xây dựng môi trường giao dịch điện tử tin cậy làm giảm gian lận danh tính, sử dụng các dịch vụ trực tuyến một cách an toàn.
Về hiện trạng định danh điện tử tại Việt Nam, ông Hiếu cho hay, người dân Việt Nam đang sử dụng chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân và giấy tờ tùy thân khác để xác thực vẫn còn phổ biến. Hiện chưa có quy định cụ thể về định danh điện tử, nhà cung cấp dịch vụ tự quy định và xây dựng quy trình xác thực riêng cho dịch vụ công trực tuyến, ngân hàng điện tử, thương mại điện tử… “Dịch vụ chứng thực chữ ký số được sử dụng trong các dịch vụ công trực tuyến và một số dịch vụ trực tuyến khác như ebanking, chứng khoán. Các dịch vụ dựa trên định danh điện tử chưa phát triển”, ông Hiếu thông tin.
Chia sẻ thêm về các hệ thống dữ liệu có khả năng triển khai định danh điện tử, đại diện NEAC nêu: cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư gồm cả CSDL căn cước công dân; CSDL quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, CSDL quốc gia về thống kê tổng hợp về dân số, CSDL quốc gia về bảo hiểm, CSDL về các đối tượng nộp thuế, CSDL người dùng của các nhà mạng viễn thông, ngân hàng.