Trang chủ Tin Tức Chiến trường bể máu mới của tất cả các hãng smartphone, nơi...

Chiến trường bể máu mới của tất cả các hãng smartphone, nơi quyết định sự sống còn của Samsung

736

Tùy vào nguồn tin bạn theo dõi, doanh số smartphone Trung Quốc trong quý 1 vừa qua chỉ đạt khoảng 90-91 triệu đơn vị. Trong khi một con số như vậy vẫn là không hề nhỏ, đây là lần đầu tiên kể từ năm 2013 đến nay, doanh số smartphone tại Trung Quốc lại thấp đến vậy.
Đáng kinh ngạc hơn nữa là mức độ sụt giảm khi so sánh với quá khứ. Theo Canalys, doanh số smartphone tại Trung Quốc đã giảm tới 21% so với cùng kỳ 2017. Theo Digitimes, mức giảm so với quý tài chính trước đó (quý 4/2017) lên tới 34%!
Con đường thay thế
Tại quốc gia đông dân nhất thế giới, cuộc chiến smartphone đã dần nguội lạnh.
Có thể khẳng định gần như chắc chắn rằng “phép màu” smartphone tại Trung Quốc đã chính thức chấm dứt. Trong vòng 2 năm qua, các nhà phân tích đã liên tục đưa ra cảnh báo rằng doanh số smartphone tại Trung Quốc sẽ sụt giảm, song con số 21% trong mùa Tết Âm Lịch vẫn là một tín hiệu bất ngờ cho thị trường di động số 1 thế giới.
Các thương hiệu smartphone Trung Quốc không đứng yên trước thực trạng này. Trong vòng nhiều năm, họ đã liên tục tìm cách bành trướng ra các thị trường tương đối mới mẻ như Trung Đông, Indonesia, Mỹ Latin hay Việt Nam. Mới gần đây, Xiaomi đã chính thức xuất hiện tại Việt Nam sau hàng năm trời tồn tại dưới hình thức hàng xách tay.
Thế nhưng, trong tất cả các chiến trường mới, sẽ chỉ có duy nhất một thị trường quyết định đến sự sống còn của các hãng trong tương lai: Ấn Độ. Không khó để nhìn ra lý do để thị trường này thay thế Trung Quốc trở thành chiến trường sống còn của ngành sản xuất smartphone: quốc gia này đang có tới 1,3 tỷ dân và được dự kiến sẽ vượt mặt Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới. Dân số của Ấn Độ khá trẻ, nền kinh tế vẫn đang phát triển mạnh (7,2%) và cũng lại là một trung tâm dịch vụ IT của thế giới.
Với dân số đông thứ 2 thế giới, Ấn Độ chính là lời giải lâu dài cho vấn đề tăng trưởng smartphone.
Samsung đối đầu với các thương hiệu Trung Quốc
Khi thị trường sân nhà đang dần kém màu mỡ, các hãng Trung Quốc đang tìm mọi cách để dấn chân vào Ấn Độ. Trong quý 4/2018, Xiaomi đánh bật Samsung để trở thành thương hiệu smartphone phổ biến nhất với thị phần 31%. Samsung không chỉ để mất vị trí số 1 mà còn rất dễ bị các hãng Trung Quốc khác đánh bại: thị phần của Vivo và OPPO đã lên tới 10% và 8%. Nếu kết hợp cùng OnePlus, các thương hiệu của BKK Electronics rất có thể đã vượt qua Samsung ngay trong năm 2017.
Mới chỉ cuối tháng 4 vừa qua, số liệu của Counterpoint dã cho thấy thị trường Ấn Độ đạt tốc độ tăng trưởng lên tới 48%. Honor của Huawei tăng trưởng tới 146%, Xiaomi 134% còn OnePlus tăng 112%. Đứng sau top 4 (Xiaomi, Samsung, Vivo, OPPO và Honor), cuộc đua vào top 5 vẫn đang rất “nóng” với sự tham gia của các đối thủ Trung Quốc khác như Lenovo/Motorola hay OnePlus.
Galaxy On7 là mẫu smartphone độc quyền của Samsung và Amazon dành cho Ấn Độ.
Ở phía ngược lại, thị trường Ấn Độ cũng tiềm tàng rất nhiều cơ hội phát triển cho Ấn Độ. Theo thống kê mới nhất của Canalys, thị phần của Apple mới chỉ đạt vỏn vẹn 2,5%. Một đối thủ khác dám cạnh tranh toàn diện với Samsung là Huawei cũng mới chỉ có thị phần 1,4% thông qua thương hiệu con giá rẻ Honor. Trên phân khúc smartphone Android đầu bảng, Samsung vẫn chưa thực sự có đối thủ.
Buộc phải chiến thắng
Đáng tiếc thị trường Ấn Độ có lẽ sẽ phải mất thêm một thời gian dài mới có thể dịch chuyển dần lên phân khúc cao cấp hoặc tầm trung, nơi Samsung vẫn đang làm chủ với những chiếc S9/S9+ hay A8+. Ngay trong thời điểm hiện tại, gã khổng lồ Hàn Quốc cũng bắt đầu phải chịu sức ép khi OnePlus vươn lên chiếm 1/2 thị phần phân khúc trên 450 USD.
Nội địa hóa là đường tiến của Samsung tại Ấn Độ.
Một cuộc chiến mới đang ở trước mắt Samsung. Gần đây nhất, Samsung tuyên bố sẽ ra mắt một mẫu Android Go độc quyền cho Ấn Độ dưới tên gọi “Galaxy J2 Core” nhằm “đánh” vào phân khúc giá rẻ vốn đã bị Trung Quốc lấn át quá lâu. Trong tháng 5, một loạt các mẫu Galaxy J được sản xuất tại nhà máy Noida (khu công nghệ trọng điểm của Ấn Độ) cũng sẽ trình làng với màn hình Vô cực và mức giá siêu rẻ để thu hút người dùng Ấn. Quá trình nội địa hóa các mẫu Galaxy cũng liên tục được đẩy mạnh nhằm giảm thuế và qua đó giảm giá smartphone Galaxy tới tay người mua tại thị trường đông dân thứ 2 thế giới.
Chặng đường chinh phục Ấn Độ vẫn còn rất dài, và cũng chẳng ai biết được liệu gã khổng lồ Hàn Quốc có để mất thị trường này theo cùng một cách đã để mất Trung Quốc hay không. Thế nhưng, Ấn Độ có một điểm khác biệt cốt lõi so với Trung Quốc: nếu mất Ấn Độ, Samsung sẽ chẳng còn một thị trường nào để tăng trưởng cả. Trong năm vừa qua, thị phần của Samsung tại Trung Quốc đã gần như bay hơi (dưới 1% trong năm 2017). Nếu kịch bản lặp lại với Ấn Độ, Samsung sẽ chẳng còn đường thống trị trên chiến trường smartphone nữa.