Trang chủ Tin Tức Chuyện đời nữ tỷ phú trẻ nhất thung lũng Silicon bỗng chốc...

Chuyện đời nữ tỷ phú trẻ nhất thung lũng Silicon bỗng chốc hóa tay trắng

793
Elizabeth Holmes.
Khởi nghiệp bằng hai bàn tay trắng ở tuổi 19 với dự án mang tên Theranos, Elizabeth Holmes nhanh chóng đạt được những thành công mà bất kỳ ai cũng mong muốn. Cô trở thành nữ tỷ phú trẻ nhất thế giới năm 31 tuổi.
Thế nhưng cũng chính Theranos đưa Holmes trở về với 2 bàn tay trắng. Ngày 15/6, cô chính thức rời khỏi chiếc ghế CEO của Theranos, và đối mặt với tội danh “gian lận nghiêm trọng”, có thể phải đối mặt với 20 năm tù và mức tiền phạt 250.000 USD nếu bị kết tội.
Cùng nhìn lại những cột mốc trong cuộc đời đầy thăng trầm của một trong những bông hồng sớm nở, nhưng cũng chóng tàn bậc nhất tại thung lũng Silicon.
Sinh ra vào ngày 3/2/1984 tại thủ đô Washington, D.C, Elizabeth sống trong một gia đình có bố và mẹ đều là những người có địa vị trong xã hội. Chính vì thế ngay từ bé, cô đã được học để trở thành người có đam mê, định hướng rõ ràng. Cô từng nói: “Không có giấc mơ nào là bạn không thể đạt tới. Đừng nói với ai khác điều ngược lại.”
Lên 7, Elizabeth Holmes từng cố gắng chế tạo “chiếc máy thời gian” cho riêng mình, thậm chí bắt đầu dành thời gian để thiết kế bản vẽ, ghi chú khoa học. Lên 9, cô bé mong ước được trở thành tỷ phú khi lớn lên.
Khi vào trung học, Holmes nhanh chóng trở thành sinh viên loại A, và đam mê lập trình. Cô thậm chí bắt đầu một mô hình kinh doanh riêng, bằng việc bán các phần mềm dịch mật mã máy tính cho các trường học.
Được truyền cảm hướng bởi ông nội – một bác sỹ phẫu thuật nổi tiếng, Holmes quyết định chuyển hướng về ngành y tế. Đây cũng là lúc mà ý tưởng về Theranos được ra đời.
Sau ít năm, Holmes nộp đơn xin cấp bằng sáng chế về loạt thiết bị giúp quản lý thuốc, theo dõi tình trạng máu của bệnh nhân và điều chỉnh liều lượng khi cần thiết. Dự án này thành công tới mức nó đã khiến Holmes rời trường đại học Stanford, và chuyển sang làm việc tại một căn nhà trọ.
Mô hình kinh doanh của Theranos dựa trên ý tưởng có thể xét nghiệm máu một cách chính xác bằng cách sử dụng công nghệ độc quyền, chỉ với một dấu vân tay và một chút máu của người bệnh. Holmes cho biết các xét nghiệm có thể phát hiện nhiều vấn đề như bệnh ung thư hay tình trạng cholesterol cao.
Dự án của Holmes nhanh chóng gặt hái được thành công nhờ vào những bước tiến vượt bậc của công nghệ, cộng với mối quan hệ rộng lớn của cô. Các khoản vốn đầu tư liên tục đổ về Theranos, và sự nghiệp của Holmes lên như “diều gặp gió.”
Phong cách làm việc của Holmes có nhiều nét tương đồng với huyền thoại ở thung lũng Silicon là Steve Jobs: Cả 2 đều mặc áo đen cổ lọ, trang trí phòng làm việc theo ý thích của bản thân, và không bao giờ nghỉ để đi du lịch.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ và sự tập trung tuyệt đối, Holmes được tạp chí Forbes đưa lên trang bìa vào năm 2014 và trở thành nữ tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới cùng khối tài sản ước tính 4,5 tỷ USD.
Tuy nhiên, tai họa bắt đầu ập đến với “Bông hồng tại thung lũng Silicon”. Tháng 10/2015, tờ WSJ phát hiện thấy Edison – chiếc máy xét nghiệm máu được dùng ở Theranos không mang đến kết quả chính xác.
Holmes ra sức bảo vệ thành quả của mình, nhưng tới năm 2016, rất nhiều tổ chức như FDA, Trung tâm dịch vụ Chăm sóc sức khỏe Mỹ và SEC đã có bằng chứng và đang tìm cách “luận tội” Theranos. Tháng 7/2016, Holmes bị buộc ngừng nghiên cứu các công trình của mình trong phòng thí nghiệm. tháng 10/2016, Theranos bị yêu cầu đóng cửa nhiều cơ sở của mình.
Tháng 3/2018, vụ Theranos và Holmes có thêm nhiều diễn biến phức tạp, và chuyển thành “vụ gian lận nghiêm trọng”. Holmes chấp nhận trả số tiền phạt lên tới 500.000 USD, đồng thời trả lại 18,9 triệu cổ phiếu của công ty.
Chưa dừng lại ở đó, ngày 15/6 vừa qua, Elizabeth Holmes đã chính thức bước xuống khỏi chiếc ghế lãnh đạo, đánh dấu một bước lùi nữa của startup đầy thành công, và đối mặt nguy cơ sụp đổ hoàn toàn. Bản thân Holmes có thể phải đối mặt với 20 năm tù, và bỗng chốc đánh mất tất cả: sự nghiệp, tiền tài, danh vọng.
Nguyễn Nguyễn
Theo BI