Trang chủ Tin Tức Coi chừng những nguy cơ mất tiền khi dùng thẻ tín dụng/thẻ...

Coi chừng những nguy cơ mất tiền khi dùng thẻ tín dụng/thẻ ghi nợ tại cây ATM

737

Ăn cắp thông tin thẻ ghi nợ/thẻ tín dụng của khách hàng bằng thiết bị skimmer tại ATM là một chiêu trò đã khá cũ. Tuy nhiên những kẻ trộm đang ngày càng tinh vi hơn trong việc giấu thiết bị và qua mặt ngân hàng.
Thuật ngữ Skimmer ám chỉ một dạng tội phạm công nghệ cao sử dụng thiết bị cùng tên gắn trên bộ phận đưa và rút thẻ của ATM. Bởi khả năng ngụy trang khéo léo nên những thiết bị này gần như không thể bị người dùng phát hiện.
Skimmer sẽ chụp hình và thu thập thông tin mã hóa thẻ của người dùng (bao gồm chữ ký trong dải từ tính màu đen), mã PIN phục vụ cho việc làm thẻ tín dụng giả hòng đánh cắp tiền của nạn nhân từ ATM. Chúng cũng có thể lợi dụng thông tin để thực hiện các giao dịch trực tuyến.
Nhiều thiết bị skimmer có thể truyền dữ liệu không dây nên kẻ trộm có thể ung dung ngồi nhà mà vẫn có trong tay rất nhiều dữ liệu quý giá.
Mặc dù vậy theo David Tente, CEO của Hiệp hội Công nghiệp ATM xác nhận, skimmer đang dần bị thay thế bởi một hình thức còn tinh vi hơn thế, đó là “shimmer”. Đây thực chất là một loại thiết bị skimmer siêu nhỏ thế hệ mới, có khả năng đọc dữ liệu từ thẻ ghi nợ/thẻ tín dụng.
Một bảng mạch Shimmer thường hay được kẻ trộm sử dụng tại cây ATM
Theo dữ liệu từ công ty phần mềm FICO tiết lộ, số lượng thẻ ghi nợ bị xâm phạm trong năm 2016 tại các cây ATM và đầu đọc thẻ đã tăng 70%. FICO cũng xác nhận, số lượng đầu đọc thẻ tại ATM bị hack đã tăng 30%.
Ngoài việc sử dụng skimmer, kẻ trộm có thể lấy thông tin thẻ bằng cách cài đặt phần mềm đánh cắp dữ liệu trong đầu đọc thẻ và thông qua các đợt hack hệ thống máy tính chứa thông tin thẻ của khách hàng.
Để tự cứu mình trong trường hợp bị kẻ xấu đánh cắp thông tin thẻ và rút tiền, khách hàng cần nhanh chóng liên hệ với ngân hàng càng sớm càng tốt. Tùy thuộc vào tốc độ phản ứng, số tiền bị thất thoát từ tài khoản cho các giao dịch, thanh toán sẽ giảm thiểu ở mức tối đa.
Katherine Hutt, phát ngôn viên của tổ chức tư nhân Better Business Bureau tiết lộ: “Mọi người thực sự cần chú ý. Chúng tôi có quyền truy cập vào hệ thống tiền 24/7 nhưng những kẻ lừa đảo cũng có thể làm được như vậy”.
Làm sao để bảo vệ bản thân trước nguy cơ bị lấy trộm tiền từ thẻ ATM?
Người tiêu dùng có nguy cơ bị trộm thông tin thẻ nhiều nhất đa số là những người sử dụng máy ATM hoặc các đầu đọc thẻ từ ngân hàng khác, ví dụ tại các cửa hàng tiện lợi, bán lẻ, trạm xăng, trung tâm thương mại. Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa chủ động khá hữu dụng mà Consumer Reports chia sẻ với người dùng:
– Hãy giao dịch với người: Nếu có thể. bạn nên rút tiền hoặc thanh toán hóa đơn từ một nhân viên giao dịch ngân hàng. Nếu mang tiền mặt, bạn có thể trả nó thay vì dùng thẻ để quẹt hoặc rút tiền tại các cây ATM.
– Sử dụng hệ thống thanh toán không tiếp xúc: Hình thức thanh toán mới này đang dần phổ biến hơn khi có sự trợ giúp của công nghệ NFC và ví điện tử. Bạn có thể dùng chính chiếc smartphone để thanh toán với đầu đọc thẻ hay dùng ví điện tử để quét mã QR Code khi thanh toán.
– Tránh sử dụng máy ATM hoặc các thiết bị đầu cuối ở khu vực ít người, vắng vẻ: Đây thường là nơi mà kẻ trộm sẽ tung hoành, dễ dàng qua mặt hệ thống an ninh để gắn skimmer vào trong cây ATM.
– Nâng cao ý thức cảnh giác với các dấu hiệu khả nghi: Trước khi đưa thẻ vào cây ATM hoặc máy quẹt thẻ, hãy chú ý vị trí khe cắm thẻ, camera an ninh bên trên, bàn phím hoặc màn hình. Nếu có bất cứ dấu hiệu khả nghi như lỏng lẻo, không thể sử dụng, bàn phím có hình dạng và màu sắc bất thường, hãy ngừng thực hiện mọi giao dịch. Nếu cảm thấy chắc chắn, bạn có thể báo cáo với ngân hàng để xử lý vụ việc.
– Luôn có ý thức tự bảo vệ và che chắn mã PIN: Ngay từ khi được cung cấp mã PIN, nhân viên ngân hàng đã nhắc bạn phải luôn chú ý che tay khi nhập mã PIN, đây là một thủ thuật tưởng chừng nhỏ và đơn giản nhưng lại vô cùng hữu dụng nếu kẻ xấu có ý đồ đánh cắp thẻ của bạn.
Bên cạnh đó, việc che tay còn giúp tránh bị camera mà kẻ xấu gắn trên cây ATM theo dõi. Tất nhiên nếu cây ATM đã có bộ phận che riêng thì bạn không cần làm điều này. Đồng thời lưu ý không bao giờ tiết lộ mã PIN cho một ai khác nếu họ không phải là người tin cậy nhất.
– Kiểm tra giao dịch ngân hàng thường xuyên: Người xưa đã có câu “cẩn tắc vô áy náy” và bạn cũng nên học tập câu nói này. Chú ý kiểm tra định kỳ số dư tài khoản, các giao dịch ngân hàng bất thường. Nếu có thể hãy đăng ký dịch vụ SMS chủ động và thiết lập mã OTP cho mỗi giao dịch, điều này sẽ giúp bạn nhanh chóng biết được có ai đang đánh cắp tiền của mình hay không.
Trên đây là những chia sẻ hữu ích giúp bạn chủ động kiểm soát được tiền trong thẻ ngân hàng. Hơn hết, mỗi người cần trang bị cho mình kiến thức về tội phạm ngân hàng để tự cứu chính mình. Bởi lẽ một khi bị trộm tiền, ngân hàng sẽ chỉ hỗ trợ cho bạn được phần nào và trên thực tế, lỗi không hoàn toàn thuộc về ngân hàng.
Tiến Thanh