Trang chủ Tin Tức Combo 3 sự kiện thiên văn tối nay: nguyệt thực dài nhất...

Combo 3 sự kiện thiên văn tối nay: nguyệt thực dài nhất thế kỷ, mưa sao băng và sao Hỏa to đẹp nhất

706
Đêm nay 27/7 và rạng sáng mai 28/7, anh em Việt Nam chúng ta sẽ được quan sát cùng lúc 3
hiện tượng thiên văn cực kỳ đáng chú ý:
Nguyệt thực toàn phần dài nhất thế kỷ (Trăng Máu),
Mưa sao băng Delta Aquarid với 20 vệt sao mỗi đêm lúc cực điểm và
sao Hỏa tiến lại ở vị trí gần Trái Đất nhất sau 778 ngày, cho phép quan sát rõ nhất so với các ngày khác.
Nguyệt thực toàn phần dài nhất thế kỷ
Cơ bản xíu cho anh em nào lỡ quên, nguyệt thực toàn phần xảy ra khi Mặt Trăng đi vào vùng tối của Trái Đất hoàn toàn, ánh sáng từ Mặt Trời chiều lên Mặt Trăng sẽ bị Trái Đất che khuất, chỉ có dải ánh sáng màu đỏ cam là đi qua được khí quyển Trái Đất nên chúng ta sẽ thấy Mặt Trăng có màu đỏ cam.


Chi tiết hơn về các khung thời gian.
  • 00:14, Bắt đầu pha nửa tối. Mặt Trăng đi vào vùng nửa tối của Trái Đất, bề mặt của nó sẽ bị giảm độ sáng.
  • 01:24, Bắt đầu pha một phần. Mặt Trăng đi vào vùng bóng tối của Trái Đất, bắt đầu chuyển sang màu đỏ cam.
  • 02:30, Bắt đầu pha toàn phần. Mặt Trăng nằm hoàn toàn trong vùng bóng tối của Trái Đất, bề mặt có màu đỏ cam.
  • 03:21, nguyệt thực đạt cực đại. Mặt Trăng nằm sâu nhất trong vùng bối tối của Trái Đất.
  • 04:13, Kết thúc pha toàn phần.
  • Mặt Trăng bắt đầu rời vùng bóng tối của Trái Đất, bề mặt dần nhả màu.
  • 05:19, Kết thúc pha một phần. Mặt Trăng rời vùng bóng tối của Trái Đất, bề mặt dần bị giảm độ sáng.
  • 06:28, Kết thúc pha nửa tối. Mặt Trăng rời vùng nửa tối của Trái Đất, bề mặt dần trở lại như bình thường.

Toàn bộ quá trình này kéo dài tận 103 phút, trở thành lần nguyệt thực toàn phần dài nhất thế kỷ 21. Về quan sát thì anh em chỉ cần mong trời quang, không mây và tất nhiên là không mưa, dùng mắt thường là có thể nhìn thấy như chúng ta ngắm trăng uống trà ăn bánh bình thường.
Anh em nào muốn chụp hình lại bằng điện thoại hoặc máy ảnh thì có thể xem thêm ở đây.
Mưa sao băng Delta Aquarid


Đây là cơn mưa sao băng với trung bình khoảng 20 vệt sao vụt qua bầu trời tại thời điểm cực điểm. Những vệt sao vụt qua hình thành từ tàn tích còn sót lại của sao chổi 96P/Machholz. Do lần này mưa sao băng trùng với nguyệt thực toàn phần nên ánh sáng của Mặt Trăng sẽ gây trở ngại khá nhiều cho việc quan sát. Để quan sát thì anh em hãy nhìn lên khu vực bầu trời hướng đông từ sau 9 giờ tối, nơi các vệt sao sẽ từ đó mà tỏa đi khắp bầu trời. Chú ý quan sát ở nơi tối, không bị ô nhiễm ánh sáng, trời quang, đồng thời để chuẩn bị nên để mắt trong bóng tối liên tục 15 phút không nhìn vào các nguồn sáng để làm quen và dễ quan sát hơn.
Thời điểm quan sát sao Hỏa tốt nhất

Chu kỳ cứ 778 ngày, sao Hỏa lại đi vào vị trí trực đối với Trái Đất, tức là vị trí gần chúng ta nhất. Vào đêm nay và rạng sáng mai, sao Hỏa sẽ nằm đối diện với Mặt Trời và Trái Đất nên được chiếu sáng đầy đủ từ Mặt Trời và quan sát dễ nhất từ Trái Đất. Vị trí của nó so với chúng ta trong đêm nay sẽ là 70,8 triệu km, đạt độ sáng biểu kiến là -2,57, đường kính góc 24,3” trên bầu trời. Đặc biệt, chúng ta hoàn toàn có thể quan sát sao Hỏa bằng mắt thường (tất nhiên có kính
thiên văn chuyên dụng sẽ tuyệt vời hơn). Để quan sát, anh em hãy nhìn lên khu vực bầu trời hướng Đông từ khi trời tối, để ý tìm một chấm rất sáng liên tục không nhấp nháy và có màu đỏ cam, đó chính là sao Hỏa.