Trang chủ Tin Tức Công dụng mới của Wi-Fi: Phát hiện bom và vật liệu nổ...

Công dụng mới của Wi-Fi: Phát hiện bom và vật liệu nổ từ xa

753
Lâu nay, người ta vẫn sử dụng Wi-Fi để kết nối Internet trên các thiết bị điện tử như smartphone, máy tính. Nhưng giờ đây, Wi-Fi hứa hẹn sẽ còn được ứng dụng để phát hiện bom và các vật liệu nổ tại nơi công cộng.
Theo một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học tại Đại học Rutgers-New Brunswick, Mỹ, kết nối Wi-Fi có thể dùng để phát hiện các loại vũ khí, bom hoặc chất nổ trong hành lý vô cùng hiệu quả.
Nghiên cứu trên đã giúp các nhà khoa học giành giải thưởng cao nhất tại Hội nghị IEEE 2018 về truyền thông và an ninh mạng.
Nhóm khoa học tại Đại học Rutgers-New Brunswick, Mỹ cho biết, phần lớn các vật có khả năng gây hại thường chứa kim loại hoặc chất lỏng. Những vật liệu này thường can thiệp vào khả năng phủ sóng của Wi-Fi theo cách mà các nhà khoa học có thể xác định được. Mặt khác, túi đựng được dùng để chứa bom, chất nổ thường được làm từ vải, và Wi-Fi có thể xuyên qua dễ dàng.
Theo Futurism, để có thể phát hiện vũ khí và chất nổ, nhóm nghiên cứu đã xây dựng một hệ thống phát hiện đặc biệt. Hệ thống này có nhiệm vụ phân tích những dấu hiệu bất thường khi sóng Wi-Fi tiếp cận với các vật thể hoặc vật liệu trong túi hành lý.
Khi thử kiểm tra trên 15 đối tượng và 6 loại túi, nhóm phát hiện thấy họ có thể phân biệt các vật thể nguy hiểm với độ chính xác tới 99%. Ngoài ra, hệ thống có thể phát hiện được các vật thể nguy hiểm với độ chính xác tới 90%, các vật thể kim loại là 98% và chất lỏng là 95%.
Nếu đối tượng đặt chất nổ trong túi hành lý tiêu chuẩn, hệ thống hoàn toàn có thể xác định được chất nổ với độ chính xác tới 95%. Nếu được bọc trong một thứ gì đó trước khi đặt vào trong túi hành lý, độ chính xác tuy bị giảm xuống vẫn khá cao, khoảng 90%.
Hiện tại hầu hết các sân bay tại Mỹ đều sử dụng công nghệ quét tia X hoặc CT để kiểm tra hành lý đáng ngờ. Những công cụ này khá đắt đỏ và khó triển khai tại các khu vực công cộng. Do đó, nhân viên an ninh nhiều lúc phải kiểm tra túi bằng cách thủ công và hiển nhiên hiệu quả không cao.
Đồng tác giả nghiên cứu Yingying chia sẻ: “Trong các khu vực công cộng lớn, thật khó để xây dựng các hệ thống kiểm tra đắt tiền giống như ở sân bay. Đôi lúc sẽ cần phải huy động nhân lực để kiểm tra túi xách, và chúng tôi muốn phát triển một phương pháp mới để giảm nhân lực kiểm tra chất nổ”.
Hiện tại nhóm nghiên cứu đang lên kế hoạch tập trung vào việc cải thiện độ chính xác của hệ thống phát hiện vũ khí, chất nổ bằng Wi-Fi, nhằm phát hiện tốt hơn hình dạng của các đối tượng, đồng thời ước tính lượng chất lỏng chứa trong túi.
Nếu chứng minh được tính thực tiễn, công nghệ trên hứa hẹn sẽ sớm được áp dụng như một biện pháp an ninh tiêu chuẩn tại các lễ hội, sự kiện thể thao,… nhằm phát hiện các nguy cơ khủng bố.