Giám đốc điều hành của Kaspersky, ông Eugene Kaspersky đã tỏ ra khá bất bình và chỉ trích CEO Twitter Jack Dorsey trên một bài blog của mình, khẳng định Twitter đã có “những hành động kiểm duyệt phi lý”.
Kaspersky, được thành lập bởi cựu sỹ quan tình báo Xô Viết cũ Eugene Kaspersky đã không ít lần bị giới quan chức Mỹ cáo buộc có dính líu với các cơ quan tình báo Nga, dù hãng có chủ định hay không.
Bất chấp việc hãng đang ngày càng trở thành một trong những công ty an ninh mạng tốt nhất thế giới, Kaspersky đã trở thành trung tâm của các cáo buộc gián điệp từ giới tình báo Mỹ, và các sản phẩm của công ty cũng đã bị cấm không được phép sử dụng trên máy tính của chính phủ Mỹ.
Một phát ngôn viên của Twitter đã trích dẫn cho trang Telegraph một thông báo của Bộ An ninh Nội địa Mỹ để biện minh cho lệnh cấm của họ. Bài viết, được đăng tải từ tháng 9 năm ngoái, có viết: “Bộ rất quan ngại về mối quan hệ giữa Kaspersky và giới tình báo Nga cũng như các cơ quan chính phủ khác”.
Trong một bức thư gửi tới Kaspersky, Twitter có viết: “Twitter đã đưa ra quyết định loại bỏ tất cả quảng cáo từ các tài khoản thuộc sở hữu của Kaspersky Labs. Điều này dựa trên quyết định của chúng tôi rằng mô hình kinh doanh của Kaspersky Lab xung đột với các chính sách quảng cáo của Twitter”.
Tài khoản Twitter của Kaspersky chủ yếu được sử dụng để đưa tin về các mối đe dọa an ninh mạng đang diễn ra, cũng như các chương trình khuyến mãi cho các sản phẩm anti-virus của hãng. Tài khoản này vẫn còn tồn tại trên Twitter, nhưng không thể đăng quảng cáo.
Quyết định này của Twitter được đưa ra chỉ ít lâu sau khi hai trang tin tức do Nga tài trợ là Sputnik và RT cũng bị thu hồi quyền quảng cáo với lý do tương tự.
Phần mềm của hãng hiện đang được hơn 400 triệu người trên toàn thế giới sử dụng và cũng là một trong những công cụ anti-virus được sử dụng rộng rãi nhất tại Anh với hàng trăm nghìn máy tính đã cài đặt.
Ông Kaspersky cho biết: “Twitter đang tiếp tay cho tội phạm mạng khi họ cản trở chúng tôi cung cấp thông tin kịp thời cho người dùng”.
Trong thời gian gần đây, Twitter đã rất tích cực trong việc cải thiện quảng cáo trên nền tảng, đơn cử là việc toàn bộ các quảng cáo tiền điện tử đều đã bị cấm từ hồi tháng 3 vừa qua.
Theo Kaspersky, hãng sẽ không quay trở lại Twitter để quảng cáo trong năm nay, ngay cả khi lệnh cấm bị gỡ bỏ. Hãng cũng đã quyên góp chi phí quảng cáo mà lẽ ra sẽ đầu tư trên Twitter cho quỹ Electronic Frontier Foundation.
Lệnh cấm này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi các quan chức tình báo Mỹ và Sở Chỉ huy thông tin của Chính phủ Anh (GCHQ) đưa ra tuyên bố chung cáo buộc Nga tham gia vào các cuộc tấn công mạng chống lại Anh và Mỹ, bao gồm cả việc xâm nhập vào các bộ định tuyến không dây.
Duy Nguyễn