Trang chủ Tin Tức Công việc buồn tẻ nhất tại Facebook: Chuyên viên kiểm duyệt nội...

Công việc buồn tẻ nhất tại Facebook: Chuyên viên kiểm duyệt nội dung, nhiều người bỏ việc chỉ sau 1 ngày vì quá chán

914
Mới có 2 ngày kể từ khi được nhận vào làm, dù là một vị trí ở Facebook nhưng Sarah Katz đã nhận ra rằng đời không như là mơ. Những thứ cô thấy hằng ngày chỉ là những phát ngôn phân biệt đối xử, những bức ảnh ghê rợn và video đầy tính bất nhân so với chuẩn mực xã hội…
Đúng vậy, đó là công việc của một nhà kiểm duyệt nội dung trên mạng xã hội này. Katz mới 27 tuổi, và năng suất kiểm tra trung bình của cô là 8000 nội dung bài đăng/ngày. Dù được chỉ bảo cho những quy tắc kiểm duyệt chúng, nhưng cô lại không hề biết cách đối phó với những căng thẳng, chán chường mình đang gặp phải từng ngày mỗi khi thấy những nội dung tiêu cực trên.
Cũng phải nói thêm, Katz làm việc ở trụ sở văn phòng chính của Facebook tại Menlo Park, California, thoải mái hưởng những quyền lợi hấp dẫn như khuôn viên đa dạng, đồ ăn miễn phí nhưng cô lại chưa hoàn toàn là nhân viên của họ. Đúng thế, không phải tất cả vị trí kiểm duyệt nội dung đều là do Facebook chủ động nhận vào làm một cách chính thức, mà hiện cô mới chỉ ở dạng hợp đồng môi giới cho thuê, do Facebook hợp tác với một công ty tuyển dụng nhờ tìm nhân lực.
Facebook từng bị chi trích vì những cáo buộc để tràn lan nội dung giả về những vấn đề nóng.
Hiện Katz đã rời công ty và tìm cho mình một chuyên viên bảo mật thông tin cho bên khác, nhưng cô vẫn đồng ý tiết lộ những góc khuất về vị trí mình từng làm ở Facebook. Cô cho biết những người “ngoại đạo” như cô thường được giao những công việc bận rộn, mệt mỏi và mang tính chất nặng nề hơn bình thường. Còn các nhân viên chính thức thì thường làm về mảng đối tác, họp hành và chính sách.
Ngày ngày, có khoảng hơn 1 triệu báo cáo của người dùng về những nội dung có thể bị cho là tiêu cực. Dĩ nhiên, toàn bộ những khiếu nại đó không thể cùng một lúc giải quyết được ngay, và con người vẫn là đội ngũ đầu tiên nhúng tay vào đảm nhận công việc đó chứ không phải robot hoặc hệ thống tự động nào như nhiều người nghĩ. Cho đến lúc máy móc thay thế được toàn bộ con người trong việc này thì còn xa lắm!
Tính tới cuối năm 2017, Facebook đã có khoảng 7.500 người phục vụ tiến trình kiểm duyệt nội dung. Chưa hết, để hỗ trợ thêm cho việc đó, họ còn dự định tăng đội ngũ bảo mật thông tin lên 20.000 vào cuối năm 2018 để kết hợp làm việc. “Tôi thật sự nghiêm túc về việc này,” CEO Mark Zuckerberg phát biểu vào tháng 11 năm 2017 sau khi Facebook có dấu hiệu bị xâm nhập và chèo lái thông tin giả.
Không ai biết con số cụ thể của các “nhà kiểm duyệt nội dung” cho các công ty sẽ còn tăng đến bao nhiêu nữa, nhưng thông thường, các chuyên gia nhận định nó có thể tăng đến đơn vị hàng chục ngàn người là chuyện bình thường. CEO Susan Wojicky của YouTube cũng xác nhận rằng Google chuẩn bị tăng đội ngũ đó lên hơn 10.000 người trong năm nay. Vì sao Facebook muốn tìm người “ngoại đạo” để làm việc?
Các công ty hỗ trợ tìm nhân lực sẽ có rất nhiều nguồn sẵn sàng chờ nhận việc, trải dài từ các thể loại làm toàn giờ trực tiếp, làm tại nhà hoặc ở các chi nhánh xa xôi. Những nhân viên hợp đồng từ bên ngoài này có tác dụng giúp cho các công ty vẫn giữ được nguồn lực lâu năm ở trụ sở chính của họ, không cần làm nhiều công việc phát sinh, tập trung vào chuyên môn đang làm để tiếp tục phát triển trọng tâm.
Các lãnh đạo của Facebook cho rằng các công việc đảm bảo kiểm duyệt nội dung không cần quá nhiều kỹ năng cao như một kỹ sư phần mềm thực thụ, vì thế sẽ thuận tiện hơn khi tìm kiếm nhanh chóng qua các nguồn lực bên ngoài. Dù vậy, công việc của họ cũng không hẳn là dễ dàng.
Áp lực của công việc kiểm duyệt nội dung là thứ ít ai biết.
Nhiều người nói rằng trong phiên làm việc, trung bình họ chỉ được phép giới hạn có vài giây để đưa ra quyết định giải quyết một vấn đề được báo cáo. Tiếp tục, có những người cho biết họ nghỉ việc ngay trong 1-2 ngày đầu đi làm vì phải thấy những hình ảnh quá mức ghê rợn khi kiểm duyệt, hoặc không thấy có sự quan tâm từ công ty. Tuy nhiên, đại diện Facebook lại nói rằng họ không hề gây áp lực và đặt ra quy chuẩn xử lý gấp rút như thế cho nhân viên, đồng thời vẫn thường có những buổi cố vấn và giải quyết vấn đề tâm lý làm việc cho những ai gặp khó khăn.
Dù sao thì tương lai của loại hình kiểm duyệt nội dung này cũng đang ở thế lung lay, kể cả khi Facebook hay Google đang đổ thêm tiền để mang về nhiều người làm công việc đó hơn. Lý do chính là vì hệ thống trí tuệ nhân tạo, khi mà chúng đang được huấn luyện và lập trình dựa trên chính những quyết định của con người hiện tại để làm công việc đó. Đến lúc công nghệ tự động làm quen toàn diện với những quy chuẩn rồi, chúng sẽ thay thế hoàn toàn những “nhà kiểm duyệt nội dung” bây giờ.