Trang chủ Tin Tức Cuộc cạnh tranh mới mang tên OTT

Cuộc cạnh tranh mới mang tên OTT

813

 

Khách hàng đăng ký sử dụng các dịch vụ của Truyền hình số vệ tinh K+.

Với sự phát triển của các ứng dụng trên internet, khán giả, nhất là giới trẻ ngày càng ít xem truyền hình trên ti vi, mà thay vào đó là xem truyền hình trên mạng xã hội, trên internet, hoặc bị hấp dẫn trước các loại hình giải trí, tin tức khác. Hay nói một cách khác, truyền hình truyền thống đang bị các nền tảng truyền thông mới như Facebook, Youtube, OTT “đe dọa”. Bởi vậy, nếu các “nhà đài” truyền thống không áp dụng công nghệ mới, thực hiện thay đổi từ nội dung đến cách thức truyền tải, rất có thể sẽ bị mất dần khán giả.

Trở lại với truyền hình OTT trong nước, sau thời gian thử nghiệm miễn phí (năm 2013), từ năm 2017 các “nhà đài” trong nước đã bắt đầu thu phí người dùng. Cụ thể, Truyền hình số vệ tinh K+ tiên phong thu phí truyền hình OTT thông qua gói myK+Now với mức phí 125.000 đồng/tháng. Không nằm ngoài cuộc chơi, VTV sau khi dừng phát sóng kênh truyền hình VTV4 (qua vệ tinh) ở nước ngoài cũng đã chuyển qua cung cấp truyền hình OTT VTVGo để phục vụ bà con Việt kiều.
Có thể nói, truyền hình OTT tại Việt Nam mới trong giai đoạn đầu phát triển. Song, ngay tại thời điểm cung cấp đã có không ít ý kiến lo ngại cho rằng, truyền hình OTT khó phát triển và bị cạnh tranh vì các OTT “lậu” trên mạng. Vì vậy, vấn đề được đặt ra là cơ quan quản lý nhà nước cũng cần có các chính sách quản lý nội dung cung cấp trên truyền hình OTT, nếu không sẽ tạo ra sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp, “nhà đài” trong nước với các đối tượng cá nhân kinh doanh trái phép.

Tuy nhiên, về vấn đề này, lại có quan điểm cho rằng yếu tố cạnh tranh chính là chất lượng, mà truyền hình OTT chính thống có chất lượng tốt hơn OTT “lậu”; thêm nữa vấn đề bản quyền nội dung trên OTT cũng được quản lý nghiêm ngặt hơn, vì chỉ những nội dung có bản quyền mới được cung cấp.
Ngoài ra, theo Nghị định 06/2016/NĐ-CP ngày 18-1-2016 của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình, thì nhà cung cấp dịch vụ truyền hình OTT có thu phí phải xin giấy phép cung cấp dịch vụ. Nếu cung cấp dịch vụ không phép sẽ bị phạt hành chính, nếu ở mức độ vi phạm nghiêm trọng sẽ bị khởi tố hình sự.
Một ý kiến cũng rất đáng chú ý là theo quy định của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP, chỉ có doanh nghiệp đủ điều kiện theo quy định của pháp luật mới được cấp phép để cung cấp và kinh doanh truyền hình OTT tại Việt Nam, trong khi đó các “nhà đài” là đơn vị sự nghiệp nên không thuộc đối tượng được cấp phép kinh doanh dịch vụ OTT.
Tại cuộc làm việc giữa Bộ Thông tin và Truyền thông với VTV trong tháng 4-2018, đại diện VTV kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước sớm tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách để cấp phép cho VTV cung cấp truyền hình OTT thông qua kênh VTVGo nhằm phục vụ kiều bào sống ở nước ngoài (sau khi dừng chương trình VTV4).
Được biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ủng hộ quan điểm này, sẽ giao cho đơn vị chức năng xây dựng các cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho các cơ quan truyền thông lớn thực hiện các nhiệm vụ tuyên truyền và để cùng phát triển. Việt Nga

VietBao.vn