Trang chủ Tin Tức Cuộc tranh tài từ 6 trường Đại học tại Chung kết Cuộc...

Cuộc tranh tài từ 6 trường Đại học tại Chung kết Cuộc đua số

785

Cuộc đua số với chủ đề Xe không người lái, diễn ra từ tháng 10/2017 đến tháng 5/2018 do FPT tổ chức, là cuộc thi lập trình công nghệ xe tự hành dành cho tất cả sinh viên đại học. Chương trình được tổ chức ở cả ba khu vực Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM với tổng giá trị giải thưởng hơn 4 tỷ đồng.
BK – PIF (Đại học Bách Khoa TP HCM)
Được xem là dân “ngoại đạo” so với các đội thi khác, bốn chàng trai của đội BK – PIF đến từ CLB Sinh viên Nghiên cứu khoa học của khoa Điện – Điện tử thuộc Đại học Bách Khoa TP HCM.
“Cùng sinh hoạt, chung đam mê nên chúng mình gặp nhau và lập đội để thử sức ở Cuộc đua số”, thành viên Đăng Thanh Tùng chia sẻ. “Tên của đội kết hợp chữ viết tắt của trường Bách Khoa và Câu lạc bộ Pay It Forward”.
Dù có lợi thế về phần cứng, các thành viên vẫn cần trau dồi thêm kiến thức phần mềm như thuật toán, xử lý ảnh, máy học… Nhóm tỏ ra rất hứng khởi, bởi “Cuộc đua số là cuộc thi mang tính học thuật cao trong một lĩnh vực khá mới mẻ, nên đây là cơ hội lớn để nhóm có thể học hỏi và phát triển”, Âu Dương Thanh nói.
MTA Race4Fun (Học viện Kỹ thuật Quân sự)
Đội MTA Race4Fun gồm bốn thành viên đều thuộc Đại đội 351 – Học viện Kỹ thuật Quân sự Hà Nội. Cùng ăn, học và tập luyện trong môi trường quân ngũ nên bộ tứ này rất gắn bó và thấu hiểu nhau.
Mới là những sinh viên năm thứ ba, các thành viên chỉ có nền tảng kiến thức cơ sở ngành. Vì vậy, trong quá trình thi, vừa thử nghiệm vừa rút kinh nghiệm, cả đội mắc phải khá nhiều lỗi sai và mất nhiều thời gian để khắc phục. Khó khăn lớn nhất của MTA Race4Fun là thời gian luyện tập vì đặc thù của môi trường quân ngũ và kỳ học có khối lượng lớn kiến thức. Thành viên Lại Văn Đệ chia sẻ: “Từ khi vào vòng bán kết, cả đội xin nghỉ chế độ xem phim để tập trung từ 19h đến 21h, chứ không được thức xuyên đêm”.
Không được đánh giá quá cao ngay từ đầu, việc MTA Race4Fun tiến vào Chung kết giống như tạo được kỳ tích nhờ ý chí và tinh thần học hỏi bền bỉ của các thành viên.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT, chia sẻ với đội thi trước trận Bán kết.
DUT Stark (Đại học Bách Khoa Đà Nẵng)
Trong vòng bán kết Cuộc đua số phía Nam, Dut Stark với ba thành viên là đội duy nhất hoàn thành sa hình dài hơn 42m trong thời gian 22 giây. Nhóm cũng được đánh giá là ứng viên đáng gờm cho chức vô địch Cuộc đua số năm nay.
Đội trưởng Trần Duy Hùng tự tin sẽ làm nên một sản phẩm xe tự hành “Made in Vietnam” có chất lượng ngang ngửa với các hãng xe lớn trên thế giới. Mỗi thành viên trong đội đều có những thế mạnh riêng, là mảnh ghép quan trọng cho thành công cho DUT Stark.
NII (Đại học Bách Khoa Đà Nẵng)
Sau khi vượt qua vòng Bán kết, trong hơn một tháng qua, đại diện của Đại học Bách Khoa Đà Nẵng đã tập trung tối đa thời gian để hoàn thiện các bước nhằm đạt thành tích tốt nhất tại Chung kết Cuộc đua số 2018 ở Hà Nội.
Phan Duy Hùng cho biết, khâu khó nhất là nhận biết làn đường và vật cản. Đây cũng là hai yêu cầu chính của cuộc thi năm nay. Ngoài ra, thời gian cũng là bài toán khó giải đối với toàn đội, bởi các thành viên còn phải tập trung học tập trên trường.
Cả đội đã lập trình hẳn một phần mềm mới, không sử dụng những dữ liệu cũ, tham số của phần mềm cũ trong các vòng thi trước đó để chuẩn bị cho cuộc tranh tài sắp tới. Các thành viên trong đội có sự phân công khá rõ ràng về phần điện tử, phần mềm, cơ sở Toán học.
UET Fastest (Đại học Công Nghệ Hà Nội)
Bốn thành viên của UET Fastest đã sử dụng kiến thức trong lĩnh vực lập trình, xử lý ảnh, trí tuệ nhân tạo để tạo ra xe tự hành với tốc độ cao nhất, xác định và tránh được vật cản trên đường, nhận dạng và đi đúng theo chỉ dẫn của biển báo rẽ trái, rẽ phải.
Đến với vòng Chung kết, cả đội đều rất quyết tâm và nỗ lực để đạt thành tích tốt nhất.
Sophia (Đại học Công nghệ thông tin TP HCM)
Trong vòng bán kết, Sophia hoàn thành phần thi với quãng đường 13,9m trong thời gian 9,63 giây và giành được một vé tới Chung kết Cuộc đua số 2018.
Đây là đội thi rất trẻ, các thành viên gần như chưa được trang bị kiến thức chuyên ngành nên để có thể lập trình, xử lý thông tin của xe tự hành là cả một nỗ lực lớn. Do đó, để đạt thành tích tốt nhất tại trận tranh tài sắp tới, đội Sophia đang cố gắng luyện tập hết mình.
Prototype (Đại học FPT)
Cùng chung đam mê, các thành viên của Prototype không ngại dậy sớm, thức khuya luyện tập ngay trước cửa ký túc xá ĐH FPT Hòa Lạc. Khi nhận được mô hình xe từ ban tổ chức, cả đội đã bắt tay vào tìm hiểu đề bài và đưa ra phương án xử lý hình ảnh chính xác nhất, cho xe nhận dạng biển báo.
“Phần cứng của xe khi nhận về có khá nhiều lỗi nên đội em mất thêm thời gian để tìm lại các thông số của xe”, Nguyễn Mạnh Cường, trưởng nhóm Prototype, cho hay.
Winwin Spiral (ĐH FPT)
Winwin Sprial chính là đội giành giải Nhất vòng trường với bốn thành viên cùng chung đam mê công nghệ. Để đạt thành tích cao tại Cuộc đua số 2018, các thành viên trong đội phải cân đối thời gian làm việc, tập luyện và học tập.
“Cả nhóm bắt đầu làm việc chung từ tháng 11/2017, nhiều khó khăn gặp phải trong quá trình làm xe tự hành với những trận phản biện nảy lửa, những thuật toán thay đi đổi lại… chỉ để xe chạy đúng lộ trình”, Nguyễn Thế Nam, trưởng nhóm Winwin Sprial, cho biết.
Cả 4 thành viên của Winwin Spiral đang nâng cao quyết tâm chinh phục thử thách, giành được kết quả cao nhất trong vòng Chung kết sắp tới.
Độc giả có thể tham gia dự đoán đội quán quân tại fanpage Cuộc đua số để giành các giải thưởng, gồm Giải nhất là một laptop có giá trị gần 9 triệu đồng, ba giải may mắn mỗi giải một sạc dự phòng (chi tiết tại đây). Kết quả chương trình Dự đoán Quán quân sẽ được công bố trên fanpage Cuộc đua số ngày 22/5/2018.
Trận chung kết Cuộc đua số sẽ diễn ra vào 20h30 ngày 17/5/2018 tại Nhà thi đấu quận Tây Hồ, Xuân La (Hà Nội). Trận đấu được tường thuật trực tiếp trên VTV2, Báo điện tử VnExpress và Fanpage cuộc thi. Để nhận vé xem trực tiếp chung kết, độc giả đăng ký tại đây.
Châu An