Trang chủ Tin Tức Đại học Quốc gia Hà Nội hy vọng ứng dụng EMDDI mạnh...

Đại học Quốc gia Hà Nội hy vọng ứng dụng EMDDI mạnh hơn Uber, Grab

775
Giúp taxi truyền thống làm chủ công nghệ

Chiều nay, 12.6, tại Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức hội thảo giới thiệu một sản phẩm nghiên cứu khoa học được ứng dụng cho quản lý và phát triển doanh nghiệp, mô hình
điều vận xe trực tuyến EMDDI. Đây là một sản phẩm trí tuệ được phát triển bởi các nhà khoa học thuộc Đại học quốc gia Hà Nội đã được đăng ký bản quyền tác giả tại Cục Bản quyền tác giả Việt Nam.

Theo ông Đào Kiến Quốc, đại diện nhóm nghiên cứu EMDDI, Đại học quốc gia Hà Nội, EMDDI là hệ thống đầu tiên ở Việt Nam và thế giới được thiết kế để dùng đồng thời cho nhiều (có thể là hàng ngàn) đơn vị vận tải trên cùng hệ thống mà không làm mất tính chủ động của các đơn vị vận tải. Các đơn vị sử dụng EMDDI có thể tự cấu hình hệ thống của mình một cách độc lập với các đơn vị khác như tự thiết lập các loại dịch vụ (xe máy, xe 4 chỗ xe 7 chỗ, xe đường dài, taxi, giao hàng), chế độ tính cước, phương thức chọn đường đi, chính sách khuyến mại… Việc thiết lập cấu hình này chỉ mất dưới 10 phút cho một công ty.

Mặc dù được sử dụng cho nhiều công ty nhưng người dân đi xe chỉ cần cài đặt một phần mềm (theo cách gọi của dân công nghệ là app) duy nhất. EMDDI có khả năng phân biệt chính xác địa giới hành chính. Ở địa phương nào EMDDI sẽ tự động kết nối với các nhà cung cấp dịch vụ vận tải ở đó. Trong trường hợp ở tại một địa phương có nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải, EMDDI cho phép khách được tự chọn hoặc để EMDDI tự động chọn xe phù hợp nhất cho khách.

Với việc dùng một app duy nhất cho tất cả các đơn vị vận tải hành khách trên phạm vi cả nước, EMDDI giúp người dân cảm thấy dễ dàng trong việc gọi xe, không cần phải biết sẽ sử dụng của ai tại địa phương. Việc sử dụng chung cộng đồng hành khách tạo ra sự cộng hưởng giữa các đơn vị vận tải, nâng cao sức mạnh cạnh tranh, đặc biệt là với doanh nghiệp taxi truyền thống.

“Không đơn thuần là một phần mềm ứng dụng, EMDDI thực sự là một nền tảng, cung cấp dịch vụ kết nối và quản trị cho các đơn vị vận tải hành khách. EMDDI không kinh doanh vận tải mà thực sự cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin kết nối, không chỉ cho lái xe và hành khách mà còn kết nối các đơn vị vận tải hành khách”, ông Đào Kiến Quốc nói.

So sánh với các hệ thống điều vận xe trực tuyến khác (chẳng hạn như Uber, Grab), ông Quốc cho biết, “họ” vừa cung cấp giải pháp công nghệ, vừa kinh doanh và triển khai nghiệp vụ vận tải, trong khi đó EMDDI chỉ cung cấp giải pháp và nền tảng công nghệ. Nghiệp vụ vận tải là do các đơn vị vận tải đủ điều kiện tham gia hệ thống đảm nhiệm. Vì thế các doanh nghiệp vận tải đương nhiên sẽ đạt lợi nhuận tốt hơn khi tham gia EMDDI, tạo điều kiện cho khách hàng được hưởng giá tốt nhất.

Ngoài ra, với các hệ thống khác, các đơn vị vận tải tham gia hệ thống với tư cách đối tác cấp dưới, làm thuê. Còn với EMDDI, các đơn vị vận tải tham gia hệ thống với tư cách người chủ, họ chủ động quản lý hệ thống của mình ở vị thế như chủ các hệ thống vận tải công nghệ khác.

Có thể hoạt động dù mất kết nối 3G tạm thời

Cũng theo ông Đào Kiến Quốc, EMDDI sử dụng công nghệ lõi tiên tiến, có sức chịu tải cao, khả năng kháng lỗi tốt, có thể hoạt động ngay cả khi mất kết nối 3G tạm thời, hoặc ứng dụng bị ngắt đột ngột.

“Việc xây dựng một phần mềm có giao diện tương tự như Uber/Grab khá đơn giản nhưng để phần mềm có thể phục vụ hàng triệu giao dịch đồng thời thì hoàn toàn không đơn giản. Người ta có thể dễ dàng tìm mua trên mạng mã nguồn phần mềm được gọi là Uber Clones giá chỉ vài nghìn đô la nhưng không thể sử dụng trên quy mô lớn”, ông Quốc cho biết.

EMDDI đã kết hợp với VNPAY (công ty hàng đầu trong lĩnh vực
thanh toán điện tử tại Việt Nam) để tích hợp các chức năng thanh toán điện tử trong hệ thống. Điều này cho phép khách hàng có thể thanh toán rất đơn giản nếu không dùng tiền mặt. Ngoài ví EMDDI Pay, khách hàng còn có thể dùng app Mobile Banking của các ngân hàng để thanh toán thông qua hình thức QR Pay – quét mã QR trên app của lái xe.

Theo GS Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, EMDDI đã được Bộ Giao thông vận tải chính thức cấp phép tham gia thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng. Hiện nay EMDDI đã được triển khai ở nhiều nơi bởi các đối tác là các đơn vị vận tải hành khách hàng đầu ở địa phương, đạt kết quả rất khả quan.

Trong thời gian triển khai, hệ thống tỏ ra có khả năng chịu tải rất cao, hoạt động ổn định 24/7, chưa bao giờ hệ thống phải tạm ngừng do sự cố. EMDDI đã chứng tỏ có khả năng cung cấp dịch vụ trong một phạm vi cả nước cho nhiều đơn vị vận tải hành khách sử dụng mà người sử dụng chỉ cần nạp một app duy nhất.

Nhóm nghiên cứu cũng cho rằng, lợi ích lớn nhất là nhờ thống nhất app trên cả nước, cho nhiều đơn vị vận tải nhưng không làm mất chủ động của các đơn vị vận tải nên có thể lôi kéo được người dân sử dụng. Ngay cả đối với các đơn vị vận tải đã có app riêng, việc chuyển sang dùng EMDDI cũng sẽ tốt hơn khi người dân đã quen sử dụng một app chung và EMDDI có thể hỗ trợ ngay hoạt động điều vận taxi truyền thống hiện nay.

Nghiên cứu hàn lâm kết hợp ứng dụng phục vụ khởi nghiệp

Theo GS Nguyễn Hữu Đức, các năm gần đây Đại học Quốc gia Hà Nội tập trung hiện thực hoá chủ trương đẩy mạnh phát triển các không gian sáng tạo và hỗ trợ khởi nghiệp gắn với định hướng phát triển đại học đổi mới sáng tạo.

Với quan điểm tri thức là tài sản có thể vốn hóa, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức nghiên cứu theo định hướng hàn lâm kết hợp đổi mới sáng tạo trong hệ sinh thái khởi nghiệp, phát triển hài hòa giữa mục tiêu vốn hóa tài sản tri thức, gia tăng giá trị kinh tế của đại học với việc tạo ra giá trị cộng hưởng cho doanh nghiệp và cộng đồng.

Hiện nay, Đại học quốc gia Hà Nội ưu tiên các hướng nghiên cứu cơ bản định hướng đến phát triển sản phẩm quốc gia, các công nghệ lõi của cuộc cách mạng công nghệ 4.0.