Trang chủ Tin Tức Đàn ông chưa vợ Trung Quốc được đông lạnh tinh trùng, nhưng...

Đàn ông chưa vợ Trung Quốc được đông lạnh tinh trùng, nhưng phụ nữ chưa chồng thì bị cấm đông lạnh trứng

834
Vào một buổi chiều tháng Hai trong dịp Tết Nguyên Đán đầu năm, Trương Anh Anh nhận được một cú điện thoại khiến cô đứng tim. Bền bỉ trong suốt nhiều năm nay, Anh Anh đã vận động chính phủ cho phép phụ nữ độc thân ở Trung Quốc được đông lạnh trứng, cũng như tiếp cận với các công nghệ hỗ trợ sinh sản khác gọi chung là ART (Assisted Reproductive Technologies). Cô đã gửi hàng chục bức thư cho các nhà lập pháp từ Cát Lâm, một tỉnh phía đông bắc Trung Quốc. Cát Lâm là nơi duy nhất trên đất nước không giới hạn các biện pháp ART đối với phụ nữ chưa lập gia đình. (Đông lạnh trứng bị cấm đối với phụ nữ trẻ độc thân trên toàn Trung Quốc. Chỉ có phụ nữ đã lập gia đình, từng điều trị vô sinh hoặc đang điều trị ung thư nên không có khả năng thụ thai tự nhiên mới được tiếp cận công nghệ này. Lí do có thể vì Trung Quốc muốn bảo tồn các giá trị gia đình mang tính “truyền thống”, đồng thời hạn chế sinh sản, kiểm soát vấn nạn buôn bán nội tạng và đẻ thuê đang xảy ra ở nước này). Số điện thoại gọi đến từ Cát Lâm. Đầu dây là một đại biểu Quốc Hội, ông nói với Anh Anh rằng trong phiên họp thường niên sắp tới, ông sẵn sàng đệ trình trước Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc một đề nghị cho phép phụ nữ độc thân được quyền đông lạnh trứng. Đối với Anh Anh, đó là lần đầu tiên cô nhận được một phản hồi chính thức trong suốt ba năm hoạt động của mình. Nhưng rồi, cô cũng không nghe được thêm bất kỳ thông tin nào từ vị đại biểu Quốc Hội ấy. Kỳ họp kéo dài vài tuần đã kết thúc vào ngày 20 tháng 3. Anh Anh vẫn không biết liệu đề xuất đó có được đưa ra hay không.

Các kỹ thuật viên kiểm tra bình nitơ đông lạnh phôi tại Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc

Vào năm 2013, trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc bắt đầu diễn ra một cuộc tranh luận nảy lửa, sau khi Từ Tĩnh Lôi, một nữ diễn viên Trung Quốc 39 tuổi chưa lập gia đình, kể về chuyến đi Mỹ để đông lạnh trứng của cô. Tĩnh Lôi mô tả thủ tục này là “liều thuốc duy nhất trên thế giới phòng cho sự hối tiếc”. Nữ diễn viên nói cô không muốn có con vào thời điểm đó. Nhưng đông lạnh trứng sẽ cho phép cô có con trong tương lai, một khi Tĩnh Lôi thay đổi ý định, thậm chí khi tuổi tác đã làm khả năng sinh sản của cô suy giảm – thụ tinh trong ống nghiệm vẫn có thể được thực hiện thành công vào một ngày nào đó, sử dụng chính trứng của Tĩnh Lôi đã được đông lạnh. Bài viết của Tĩnh Lôi dẫn đến cuộc thảo luận mở rộng về việc liệu phụ nữ độc thân có được phép đông lạnh trứng ở Trung Quốc hay không. Các quy định của chính phủ hạn chế đối tượng có thể tiếp cận ART, nó chỉ được sử dụng đối với các cặp vợ chồng còn quyền sinh con, quy định bởi chính sách kế hoạch hóa gia đình, và những cặp vợ chồng vô sinh về mặt y tế. Phụ nữ chưa lập gia đình và phụ nữ đã lập gia đình nhưng có mục đích duy nhất là trì hoãn sinh nở, không thể đông lạnh trứng của họ tại Trung Quốc. Bởi vậy, sau khi Tĩnh Lôi đăng tải câu chuyện của mình, một số phụ nữ Trung Quốc đã học theo cô, đi ra nước ngoài để có thể đông lạnh trứng. Cuộc tranh luận bùng nổ từ quyết định của nữ diễn viên khiến Anh Anh cũng hưởng ứng. Cô coi bản thân mình là một người phụ nữ độc lập và phải tự làm chủ số phận của mình. “Đối với tôi, hôn nhân không phải là nghĩa vụ”, Anh Anh nói. “Tôi không muốn kết hôn, và bây giờ tôi không muốn có con – nhưng tôi cũng không muốn đánh mất cơ hội làm mẹ của mình”. Ở 29 tuổi, Anh Anh vừa vượt qua kỳ thi tư pháp của Trung Quốc, và hiện đang thực tập tại một công ty luật. Đông lạnh trứng cho phép cô tập trung vào sự nghiệp vừa chớm nở của mình, tạm gác lại thiên chức làm mẹ cho tương lai. Nhưng càng tìm hiểu về điều này, cô càng cảm thấy nản lòng. Có 451 cơ sở chăm sóc sức khỏe ở Trung Quốc được cấp phép cung cấp các dịch vụ ART. Tổng cộng mỗi năm có khoảng 700.000 thủ tục được thực hiện, nhưng ngay cả khi chỉ tính số lượng phụ nữ đủ điều kiện đông lạnh trứng, cầu vẫn đang vượt cung. Những người phụ nữ chưa lập gia đình không có cơ hội được tiếp cận các biện pháp ART: Một người bạn của Anh Anh, một người gốc Cát Lâm, cũng độc thân, đã cố gắng làm thủ tục tại tỉnh nhà của mình nhưng đã bị từ chối bởi tất cả các bệnh viện mà cô ấy liên lạc. (Mặc dù Cát Lâm là nơi duy nhất tại Trung Quốc không giới hạn đông lạnh trứng chỉ được thực hiện ở phụ nữ đã lập gia đình, không bệnh viện nào chấp nhận thực hiện nó. Sự thật là dưới luật pháp quốc gia, đông lạnh trứng cho phụ nữ độc thân vẫn là trái luật). Bản thân Anh Anh cũng đã bị từ chối bởi một bệnh viện ở Quảng Châu, thành phố ở miền nam Trung Quốc, nơi cô làm việc. “Khi tôi biết rằng phụ nữ độc thân bị cấm sử dụng công nghệ hỗ trợ sinh sản, tôi đã rất thất vọng. Tôi cảm thấy không công bằng”, Anh Anh nói.

Một đứa bé sinh từ trứng đông lạnh tại Thiểm Tây năm 2011

Vào năm 2016, một nhóm người ủng hộ phụ nữ độc thân và các cặp đôi đồng tính nữ, bao gồm cả Anh Anh, đã xuất bản một bài báo có tựa đề “Quyền sinh sản của phụ nữ độc thân – Báo cáo nghiên cứu về chính sách và thực tế cuộc sống”. Trong báo cáo này, các tác giả dẫn chứng khảo sát từ Zhenai, một nền tảng hẹn hò trực tuyến của Trung Quốc, cho thấy hơn 59% phụ nữ độc thân ở các thành phố lớn có mong muốn có con. Nhưng trong khi những người phụ nữ này không được phép đông lạnh trứng, những người đàn ông độc thân lại được phép đông lạnh tinh trùng của họ. “Đó là sự phân biệt đối xử”, Anh Anh nói. Trong phiên họp Quốc Hội năm 2017 của Trung Quốc, các đại biểu đã đề xuất cho phụ nữ độc thân tiếp cận với ART, sau khi một nhà hoạt động gửi kiến nghị tới tất cả các nữ đại biểu. Ủy ban Kế hoạch Y tế và Gia đình Quốc gia, vào thời điểm đó, trả lời bằng rằng có “lý do về mặt y tế, xã hội, đạo đức và pháp lý” để lệnh cấp vẫn được tiếp tục. Câu trả lời không cặn kẽ, nhưng nó đề cập rằng “chính quyền địa phương đã gặp khó khăn trong việc giám sát các công nghệ hỗ trợ sinh sản” – có thể là ngụ ý đến việc buôn bán trái phép trứng, tinh trùng và dịch vụ đẻ thuê. Cho phép phụ nữ độc thân đông lạnh trứng của họ có thể tạo ra nguồn cung lớn hơn trên thị trường chợ đen, nhưng các nhà hoạt động đã lập luận rằng mang thai hộ cũng nên được hợp pháp hoá. Anh Anh và những người ủng hộ khác lập luận lệnh cấm không còn phù hợp trong bối cảnh chính phủ Trung Quốc đang muốn công dân của mình sinh nhiều con hơn – nhưng dường như họ không được đáp lại. Mặc dù chính sách 2 con đã được thực hiện vào năm 2016 (thay cho chính sách 1 con trước đó), tổng số trẻ sinh vẫn giảm 630.000 trẻ từ năm 2016 đến năm 2017. Đồng thời, tình trạng vô sinh ở Trung Quốc đã tăng từ 3% năm 1992 lên 12,5% năm 2012, một phần là do phụ nữ trì hoãn mang thai. Nếu phụ nữ độc thân – hoặc các cặp vợ chồng không có vấn đề vô sinh – có thể đông lạnh trứng của họ, cơ hội có thai của họ ở độ tuổi về sau sẽ tăng lên.

Một người phụ nữ cầm biển vận động tại Trịnh Châu, Hà Nam

Cho đến hiện tại, công việc vận động của Anh Anh vẫn chưa dừng lại, cô mới gửi 32 lá thư cho các quan chức kế hoạch hóa gia đình ở tỉnh và trung ương. Lưu Trường Thu, một nhà nghiên cứu pháp lý tại Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải đã theo dõi cuộc tranh luận về quyền sinh sản từ năm 2010. Ông không tin chính phủ sẽ thay đổi lập trường của mình. Theo ông Lưu, các quy định hạn chế đông lạnh trứng ngăn ngừa phụ nữ độc thân đưa ra quyết định quá vội vàng, và cũng là để dành thời gian cho công nghệ phát triển, tác động y tế lâu dài của thủ tục đông lạnh trứng vẫn chưa rõ ràng. “Những quy định này có thể chủ quan, nhưng về nguyên tắc, chúng tốt cho người dân“, ông nói. “Đông lạnh trứng là một dạng điều trị y tế, không phải là phúc lợi y tế”. Hiện tại, những phụ nữ độc thân ở Trung Quốc muốn đông lạnh trứng có rất ít lựa chọn, họ phải ra nước ngoài để thực hiện thủ tục. Một chuyến đi Mỹ để đông lạnh trứng có chi phí khoảng 19.000 USD (tương đương 430 triệu VNĐ), thêm 600 USD mỗi năm để bảo quản trứng. Gần hơn, một chuyến đi Thái Lan cũng mất 10.000 USD. “Ở Thượng Hải, dịch vụ [ra nước ngoài đông lạnh trứng] rất phổ biến đối với phụ nữ trên 30 tuổi mà vẫn chưa có chồng”, một người phụ nữ họ Cao cung cấp dịch vụ này giải thích. Trước đây, bà Cao chỉ giúp các đồng nghiệp và bạn bè xung quanh ra nước ngoài để đông lạnh trứng. Nhưng bây giờ, bà đã mở hẳn một công ty trong lĩnh vực này. Nhưng đối với Anh Anh mà nói, đi ra nước ngoài để đông lạnh trứng là quá tốn kém với một phụ nữ vừa có việc làm. Hơn nữa, cô nghĩ rằng các bệnh viện Trung Quốc hoàn toàn có khả năng cung cấp dịch vụ với chất lượng tương đương, chỉ cần họ được phép. “Trước khi tôi 35 tuổi“, Anh Anh nói, “tôi hy vọng mình có thể đông lạnh trứng một cách hợp pháp tại Trung Quốc”. Tham khảo Sixthtone