Trang chủ Tin Tức Đánh giá bộ đôi máy ảnh Canon 3000D và 1500D – Nhỏ,...

Đánh giá bộ đôi máy ảnh Canon 3000D và 1500D – Nhỏ, nhẹ, rẻ, liệu có đáng mua?

815

Trong lễ ra mắt sản phẩm mới đây của Canon, chắc chắn mọi ảnh nhìn đều đổ về chiếc máy ảnh không gương lật đầu tiên của Canon với khả năng quay phim 4K – Canon M50. Thế nhưng ta cũng không thể bỏ qua bộ đôi máy ảnh DSLR tầm giá bình dân là 3000D và 1500D.
Những chiếc máy này được nhắm tới người dùng mới, hoặc không có điều kiện tài chính để mua những sản phẩm đắt tiền hơn.
1500D “nhỉnh” hơn khi được trang bị cảm biến APS-C 24.1 megapixel, Wifi và NFC để chuyển ảnh nhanh với điện thoại.
3000D sử dụng cảm biến có độ phân giải thấp hơn – 18 megapixel và chỉ Wifi, lược bỏ NFC.
Trong hộp ta có sạc, dây đeo máy và pin LP-E10. Viên pin này có dung lượng thấp hơn so với viên LP-E6 mà hãng dùng cho dòng máy tầm trung và cao cấp.
Người dùng có thể lựa chọn mua thêm ống kính kit EF-S 18-55 f3.5 – 5.6. Đây là một ống kính tập chụp khá hữu dụng vì nhỏ gọn, có đủ những dải tiêu cự “tiêu chuẩn” và trang bị chống rung dành cho những ai dễ rung tay. Nhưng tất nhiên, vì có khẩu độ nhỏ nên ống kính này không phù hợp với những nhu cầu “xóa phông” hay chụp trong điều kiện thiếu sáng.
Là sản phẩm thấp nhất trong những chiếc máy DSLR, nên Canon cũng phải thực hiện cắt giảm giá thành trên 3000D. Máy được làm bằng nhựa, và cả ngàm gắn ống kính cũng làm bằng nhựa. Với những ống kính nhẹ như kit, hoặc 35mm f2, 50mm f1.8 thì đây không phải là vấn đề, nhưng khi gắn ống kính nặng trong một thời gian dài thì ngàm này có thể sẽ yếu đi.
Hãng cũng “lược” luôn cả cần gạt bật tắt, và tích hợp luôn vào vòng xoay thế độ. Với mình đây không phải là ý hay, làm giảm tốc độ thao tác trong khi bật máy.
Mặt sau máy vẫn đầy đủ các nút thao tác cơ bản, nhưng không được đệm da cho chỗ đặt ngón cái. Nhược điểm lớn nhất của máy nằm ở màn hình. Trong khi các máy ảnh khác của Canon đều có màn hình khoảng 1 triệu điểm thì màn hình của 3000D lại chỉ có 230.000 điểm, và là loại TFT, bị đổi màu khi đổi hướng nhìn.
Máy có thể chụp 3 hình trên giây, với dải iso từ 100 – 6400 và mở rộng tới 12.800. Một tính năng “cứu cánh” của 3000D là khả năng quay phim FullHD tại 24/25/30 fps chứ không bị cắt giảm xuống còn 720p.
1500D có giá bán cao hơn khoảng 3 triệu đồng, nên được trang bị thiết kế cứng cáp, đầy đủ hơn khá nhiều. Ngàm gắn ống kính được làm bằng sắt, giống như những chiếc máy cao cấp của hãng!
Máy có cần gạt nguồn, và vòng xoay chỉnh chế độ riêng, tăng tốc độ thao tác.
Mặt sau của máy cũng nhìn cao cấp hơn, với phần đệm da ngón cái, các nút bấm được in sắc nét. Và trên hết, không thể không nói tới là màn hình 920.000 điểm ảnh, dễ nhìn hơn, không bị hiện tượng biến sắc khi nhìn từ góc chéo.
Cả 2 đều có hệ thống lấy nét cơ bản, gồm 9 điểm chữ thấp với tốc độ trung bình. Hệ thống này hoàn toàn có thể theo kịp với chụp ảnh cảnh vật, chân dung hoặc thậm chí đường phố. Với những ai chụp thể thao, động vật thì chắc chắn sẽ phải tìm tới những sản phẩm cao cấp của hãng như 80D, 7D mark II hoặc 1Dx mark II.
Ngoài những điểm khác biệt về thiết kế bên ngoài, 2 sản phẩm còn được trang bị 2 cảm biến khác nhau. Mình đã có một thời gian sử dụng máy được trang bị cảm biến 18mpx của Canon là 100D. Cảm biến này có độ chi tiết vừa đủ dùng, nhưng gặp điểm yếu là dải biến động sáng (Dynamic range) không thực sự tốt, nên không có khả năng khôi phục vùng tối khi sửa ảnh. Với những ai chụp ảnh JPEG, hoặc không can thiệp hậu kì quá sâu thì cảm biến này đủ tốt.
Nhưng cảm biến trên 1500D không những có độ phân giải cao hơn (24mpx), mà được sản xuất trên công nghệ mới nên cũng được khắc phục nhiều về vấn đề Dynamic range. Khả năng khử nhiễu hạt của 2 máy dừng lại ở mức ổn, nhưng với cảm biến có độ phân giải cao của 1500D thì mình có thể sử dụng tính năng khử nhiễu của Lightroom để làm sạch ảnh hơn mà không sợ mất chi tiết như ở 3000D.
Sau một vài ngày sử dụng, mình không thực sự ấn tượng về cách sử dụng của 2 chiếc máy này. Cả 2 máy đều chỉ có 1 vòng xoay để chỉnh mọi thông số, và đặc biệt ở 3000D lại không có cả cần gạt bật / tắt nên mỗi lần bật máy lại phải xoay đúng chế độ mình cần sử dụng. Nhưng nhìn một cách khách quan, bộ đôi này được làm ra dành cho đối tượng mới chơi, không có nhu cầu về tốc độ chụp hay những tính năng đặc biệt, nên ta không thể đòi hỏi những tính năng của dòng máy cao cấp được.
Chất lượng ảnh dừng lại ở mức “ổn”. Điểm mạnh vẫn là cách Canon phối màu, rất hài hòa và đẹp mắt, nên đôi lúc mình chỉ cần chụp JPEG đủ sáng là có thể đăng mạng chia sẻ. Khả năng khử nhiễu vừa đủ dùng. Người dùng sẽ có chất lượng ảnh tốt nhất nếu sử dụng ISO từ 100 – 800, và sử dụng iso 1600 nếu thực sự cần kíp. Những mức iso cao hơn có khá nhiều nhiễu hạt, nhiễu màu.
Vậy trong 2 chiếc máy này, đâu là sản phẩm đáng tiền hơn? Với những ai không có điều kiện tài chính, hoặc mua cho người khác sử dụng thì 3000D là một lựa chọn không tồi. Nhưng theo mình 1500D là lựa chọn tốt hơn, sử dụng được lâu dài hơn với mức giá nâng cấp không quá cao.