Trang chủ Tin Tức Dạy con thời công nghệ: Cuộc cãi vã không hồi kết của...

Dạy con thời công nghệ: Cuộc cãi vã không hồi kết của cha mẹ

674
Trước khi smartphone bắt đầu tạo ra những tác động khiến người ta mơ hồ lo ngại, đồng sáng lập Facebook Sean Parker từng nói: “Chúa biết những gì nó gây ra cho trí não con em chúng ta”, ám chỉ những tiêu cực mà mạng xã hội ảnh hưởng đến trẻ em. CEO Tim Cook của Apple cũng từng tiết lộ ông không bao giờ cho cháu trai của mình đụng đến mạng xã hội.

Vào những ngày cuối năm 2015, Riddhi Shah và chồng đang trên một chuyến xe cùng với nhiều cặp đôi khác. Riddhi đã mang thai được nhiều tháng và đang băn khoăn về việc làm mẹ sẽ như thế nào. Nhiều thứ đã thay đổi kể từ khi Steve Jobs giới thiệu chiếc iPhone đầu tiên, sản phẩm đã lấy đi sự tập trung của con người vào đời sống thực trong cả thập kỷ sau.
“Nuôi dạy con cái bây giờ khó như thắng huy chương vàng Olympic”, một bác sĩ nhi khoa nói với The Verge.
Với cách nuôi dạy con cái thời nay, tranh cãi về việc cho phép con trẻ sử dụng thiết bị điện tử chưa bao giờ hạ nhiệt. Trong cuộc tìm kiếm lời giải đáp cho câu hỏi này, Riddhi nhận được rất nhiều ý kiến từ các bậc cha mẹ khác.
Ngồi ở hàng ghế trước là cô bạn hoạ sĩ của Riddhi, người luôn tự tin với khả năng nuôi dạy con của mình. Cô nói thẳng, vợ chồng cô không bao giờ để con mình đụng vào bất kỳ món đồ công nghệ nào trong hai năm đầu đời.

Những cuộc tranh cãi về cách dạy con thường căng thẳng và không có hồi kết. Ảnh: The Verge.

Riddhi lại cho rằng đây là điều bất khả thi. Là một nhân viên bộ phận chiến lược kinh doanh trong một tập đoàn công nghệ, Riddhi phải xử lý mail và trao đổi nội bộ ngoài giờ làm việc. Chồng cô, ngồi cạnh bên và vẫn giữ im lặng, là một người phải thường xuyên xem CNN và đọc tin tức trên mạng. Tính chất công việc quá bận rộn khiến hai vợ chồng Riddhi không thể theo dõi liên tục hoạt động của con họ. Bạn của Riddhi ngay lập tức phản pháo bởi cho rằng đây chỉ là vấn đề ưu tiên trong cuộc sống mỗi người.

Những cuộc tranh luận như thế, về smartphone và những ảnh hưởng đến đời sống, sức khoẻ con người, diễn ra ở khắp mọi nơi, đặc biệt lại càng căng thẳng hơn khi đề cập đến trẻ nhỏ.
Đến bao giờ để có thay đổi?
Nhiều nhân viên làm việc trong các tập đoàn công nghệ, và những nhà vận động truyền thông về trẻ em từng hợp tác tung ra chiến dịch “Sự thật về Công nghệ” (True about Tech), nhằm thúc đẩy hoàn thiện các tiêu chuẩn đạo đức đối với các công ty công nghệ, tạo tiền đề cho luật và nghiên cứu chính phủ, xây dựng mô hình dạy và học ứng dụng công nghệ trong nhà trường.
Các tổ chức như “Chiến dịch Tuổi thơ Không phải để Kinh doanh” (Campaign for a Commercial Free Childhood) cùng đồng minh đang tạo sức ép dư luận yêu cầu Facebook dừng thử nghiệm ứng dụng Messenger chat for kids.
Bên cạnh đó, các cổ đông cũng yêu cầu Apple nghiên cứu những tác động do smartphone gây ra cho trẻ em, đồng thời tăng khả năng giám sát của phụ huynh. Nhiều tiếng nói trong các nhóm này không chỉ là các nhà hoạt động, mà còn có sự xuất hiện của những cá nhân từng đóng vai trò quan trọng tại Thung lũng Silicon.
 Nhưng cho tới khi ngành công nghiệp điện tử xem xét và tạo sự thay đổi, có thể sẽ tốn một thời gian dài, hoặc thậm chí không bao giờ. Bởi vậy, các bậc phụ huynh vẫn là những người duy nhất có thể kiểm soát trẻ sử dụng thiết bị công nghệ một cách hợp lý, trong khi vẫn phải tự mò mẫm, trao đổi kinh nghiệm cùng những bậc cha mẹ khác.
Riddhi khó chịu vì câu trả lời của cô bạn. Cô cảm giác như mình đã bị liệt vào dạng cha mẹ không biết quan tâm tới con cái, khi mà con cô còn chưa chào đời. Hai năm sau, sự tổn thương trở nên lớn hơn, tới nỗi cô gọi những người phản đối smartphone là “đám phụ huynh già cổ hủ”.
“Những người phụ nữ phản đối smartphone ra vẻ như ta đây hiểu rõ vấn đề, giống như những ông thần bà thần bất cần công nghệ chứ không như bao người bình thường khác”. Riddhi tiếp lời, “thực ra đây chỉ là về vấn đề góc nhìn khi nói tới thiết bị điện tử, giống như là đức tin trong tôn giáo vậy. Họ luôn tưởng mình đang làm điều đúng đắn trong khi người khác đang đi sai đường”.
Để khách quan hơn, chúng ta sẽ đến với một phụ huynh khác là Julie, một trong những người cật lực lên tiếng phản đối smartphone. Cô sống cùng chồng là nhạc sĩ ở North California, rất ngăn nắp, nề nếp và yêu thích lối sống hòa mình với thiên nhiên. Julie cũng là một nhà thiết kế nội thất nổi tiếng. Đứa con trai ba tuổi của Julie chỉ được dùng điện thoại thông minh để xem hình gia đình, gọi FaceTime cho ông bà, và chỉ sử dụng khi đợi ngoài lớp học nhảy của mẹ hay những lúc sinh hoạt với gia đình.
Trong một thế giới tràn ngập sản phẩm công nghệ, quan điểm của Julie rất dễ tạo ra xung đột với người khác. Vừa đi làm về nhà, Julie thấy vú em đang xem video trên điện thoại cùng con trai, dù cô đã nói rõ về các điều khoản không dùng smartphone do mình đặt ra. Không muốn thêm cãi vã với người thân thiết lâu năm trong gia đình, cô chọn giải pháp im lặng.
Julie thường bắt gặp việc cô bạn thân mở TV cho con xem chương trình trẻ em để thảnh thơi tán gẫu. Điều này khiến Julie vô cùng khó chịu, thậm chí cô lại càng bực tức hơn khi bạn mình tỏ ra không quan tâm mỗi khi cô góp ý.
“Tôi không nói rằng bạn tôi không được mở TV nhà cậu ấy”, Julie khó chịu. Kết quả của lần qua nhà chơi đó là một vụ lộn xộn, con trai của Julie không thể nói chuyện với bạn mình do cô bé cứ mải xem TV. Để thu hút sự chú ý của cô bé, cậu nhóc này đã túm tóc cô và đè đầu xuống sàn.
Không dừng lại ở đó, Julia còn tiếp tục vấp phải những tranh cãi trên thế giới mạng, đặc biệt là ở những diễn đàn chia sẻ về cách nuôi dạy con trên Facebook mà cô tham gia. “Tôi nghĩ họ đang cố làm bản thân cảm thấy dễ chịu hơn thôi. Sau nhiều trận cãi vã không hồi kết, tôi quyết định mặc kệ”, Julia cho biết.
Những tranh cãi của Julia thường xoay quanh chuyện ảnh hưởng của thiết bị di động đến sức khoẻ và khả năng tập trung của trẻ nhỏ. Hiểu biết của cô về vấn đề này chủ yếu đến từ chồng cô, người thường xuyên đọc các bài viết của Sherry Turkle như “Đơn độc Cùng nhau: Tại sao Chúng ta Mong đợi Nhiều hơn” (Alone Together: Why We Expect More), có nội dung về những đổ vỡ hạnh phúc gia đình thời công nghệ.
Chồng cô đọc rất nhiều bài viết về chủ đề này, đặc biệt là các bài của Jean M. Twenge viết về giai đoạn khi smartphone mới ra đời đã ảnh hưởng xấu tới lớp trẻ như thế nào, và bài của Andrew Sullivan trên Tạp chí New York về cách cai nghiện Internet ở một trại hè kĩ năng không được phép sử dụng điện thoại.
Tuy nhiên những bài cảnh báo về lạm dụng smartphone lại dựa trên các tình huống chung chung và không được kết luận nguyên nhân một cách khoa học rõ ràng, như trẻ tự kỉ thì thích dùng mạng xã hội, hay mạng xã hội thì làm trẻ tự kỉ. Nghiên cứu khoa học về ảnh hưởng của điện thoại đối với trẻ em vô cùng hiếm, khó tìm và thường chỉ mang những kết quả có thể đoán trước.

Những cảnh báo về lạm dụng smartphone thường chung chung và không có hướng dẫn cụ thể. Ảnh: The Verge.

Twenge, một tờ báo tâm lý học, viết rằng: “Trong suốt một thập kỷ qua, smartphone đang đẩy chúng ta vào tình trạng sức khỏe tâm lý ngày càng tồi tệ”, trong khi một số chuyên gia khác lại cho rằng mạng xã hội có thể giúp trẻ phát triển khả năng giao tiếp và tư duy cộng đồng. Tờ NDR đăng bài: “Smartphone đã khiến trẻ em thụ động như thế nào” (How Smartphones are Making Kids Unhappy). The Huflington Post thì lại đưa tin: “Công nghệ đang giúp trẻ em thông minh hơn bao giờ hết” (How Technology Has Made Ours Kids Smarter Than Ever).
Anya Kamenetz, phóng viên tờ NPR và là tác giả quyển sách được xuất bản gần đây: “Nghệ thuật thời màn hình số: Cách gia đình bạn có thể dung hòa mạng ảo và cuộc sống” (The Art of Screentime: How Your Family Can Balance Digital Media and Real Life), chia sẻ rằng có quá ít nghiên cứu trong lĩnh vực này để có thể đưa ra kết luận chính xác. Cụ thể, nghiên cứu chính quy gần đây nhất về trẻ em với các phương tiện truyền thông đã từ năm 1982.
“Tôi muốn những vấn đề này phải được nghiên cứu một cách chính thức”, Kamenetz trả lời trong một cuộc phỏng vấn radio, “các nhà nghiên cứu đôi khi phát biểu nhiều thứ mà chính họ cũng không chắc chắn. Và chúng ta, với vai trò là phụ huynh, phải tự thân mò mẫm và tìm hiểu. Không ngạc nhiên khi nhiều bậc cha mẹ tự lựa chọn cách điều khiển thời gian con cái mình sử dụng điện thoại, giữa một rừng ý kiến mà không có định hướng”.
“Tôi nghĩ việc bị người khác nói phải dạy con như thế nào là một việc nhạy cảm”, Sierra Filucci, nhân viên hỗ trợ truyền thông trẻ em tại Common Sense Media, San Francisco chia sẻ, “một mặt, họ muốn có những quy tắc rõ ràng, trong khi vẫn muốn thông tin đó đến từ nguồn xác thực đáng tin cậy”.
Nói cách khác, họ không muốn nghe lời khuyên từ mấy bà mẹ bỉm sữa khác.
Mâu thuẫn từ chính các nghiên cứu
Smartphone mới chỉ xuất hiện trên thị trường một cách rẩm rộ trong khoảng 11 năm. Với đặc điểm dễ thay đổi, không dài hạn, các chuyên gia thường chọn nghiên cứu những thiết bị lâu đời hơn như TV. Các nghiên cứu này cũng thường có nội dung chung chung, ví dụ như không khuyến khích xem TV vì dễ gây béo phì, học hành sa sút, rối loạn giấc ngủ hay làm xấu quan hệ gia đình.
Do đó, đám đông chỉ trích smartphone cho rằng thiết bị này cũng như TV, có khi còn tệ hơn, cụ thể như: trẻ em lúc nào cũng chúi mũi vào màn hình di động, họ không thể chọn lọc kiểm soát thông tin, một số ứng dụng còn được lập trình với nội dung gây nghiện.
Nghiên cứu về trẻ em xem TV cũng có kết quả thay đổi liên tục. Năm 1999, Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ (APP) khuyến cáo không nên cho trẻ dưới 2 tuổi xem TV. “Khuyến cáo này rõ ràng, cụ thể”, Filucci nói “các bậc cha mẹ ngay lập tức làm theo mà không đắn đo”.
Sau đó, các nghiên cứu tiếp theo chỉ ra việc xem đúng kênh thông tin có thể hỗ trợ học hỏi, khiến AAP phải thay đổi chính sách một lần nữa vào năm 2016. ”Chúng tôi bị gọi là vú em trên mạng Internet”, Victor Strasburger, bác sĩ nhi khoa là thành viên cố vấn đưa ra khuyến cáo 1999 cho biết. 
Chính sách cập nhật sửa đổi của AAP là không nên cho trẻ dưới 18 tháng tuổi tiếp xúc với công nghệ thay vì 2 tuổi như trước, đồng thời đề cập rõ ràng hơn trong các vấn đề trẻ nhỏ tiếp xúc với Internet. Cụ thể, gọi video không được tính vào thời gian sử dụng thiết bị công nghệ, nên trẻ em có thể dùng để duy trì liên lạc với gia đình. Thời gian sử dụng thiết bị công nghệ tối đa là 1h/ngày đối với trẻ từ 2 tới 5 tuổi, với điều kiện phải là nội dung giáo dục, không chứa quảng cáo hay nội dung bạo lực, không xem TV hay điện thoại trong bữa ăn, và nhấn mạnh phụ huynh nên cùng xem với trẻ.

Chính phụ huynh cũng bị loạn hướng giữa hàng tá thông tin, nghiên cứu. Ảnh: The Verge.

APP cũng khuyến nghị không nên dùng các thiết bị công nghệ dỗ ngọt trẻ, trừ các trường hợp bất khả kháng như trong các chuyến bay dài. Với trẻ hơn 5 tuổi, không có hướng dẫn cụ thể về giới hạn thời gian, thay vào đó là đề nghị gia đình tự sắp xếp hợp lý.
Sau những thay đổi trên, một loạt cuộc gọi đến AAP tỏ thái độ giận dữ về việc thay đổi độ tuổi khuyến cáo, thậm chí kể cả đối với độ dài của văn bản chính thức từ 2 thành 4 trang. “Đôi lúc các vị phụ huynh muốn các quy tắc khuyến nghị phải cực kì cụ thể. Các quy tắc đó thay đổi, và mọi việc trở nên rắc rối”, Filucci chia sẻ.
Bác sĩ Strasburgur cũng đồng ý quan điểm cần có nhiều nghiên cứu hơn, song cho rằng những thông tin hiện nay đã đủ để kết luận. “Chúng ta có số liệu về ảnh hưởng của TV, phim ảnh cũng như nhạc đối với lũ trẻ, các thiết bị điện tử chỉ giúp mở rộng khả năng tiếp cận của chúng với những thứ đó thôi. Chúng ta chưa có dữ liệu cụ thể về mạng xã hội, nhưng đã có các nghiên cứu khá chi tiết về bạo lực và nhắn tin khiêu dâm, hai vấn đề lớn nhất của mạng xã hội hiện nay”. 
“Chúng tôi nghĩ rằng công nghệ có lợi cho con bạn nếu bạn tìm được nguồn nội dung chất lượng tốt. Việc sử dụng hợp lý, cân bằng, chắc chắn sẽ mang đến những ảnh hưởng tích cực tới cuộc sống gia đình”, phát ngôn viên Karen Zuercher của Common Sense Media, tổ chức phi lợi nhuận chuyên đưa ra lời khuyên nuôi dạy trẻ, dẫn đầu chiến dịch “Sự thật về Công nghệ” Cho biết.
Dù vậy, cha mẹ vẫn không thể nào tự tay kiểm soát hết nội dung con cái mình tiếp cận. DeeDee Schroeder, công tố viên cho công ty luật Bechtel ở San Francisco, buộc lòng phải cho phép hai con gái lớn sử dụng smartphone. “Bọn trẻ bây giờ cứ lẩn vào phòng, mở laptop xem Netflix. Tôi không có cách nào kiểm soát chúng cả”, cô nói. Bất lực, Schroeder hướng sự quan tâm còn lại tới hai đứa con nhỏ tuổi hơn đang chuẩn bị vào cấp 2, với lời hứa “tôi sẽ không để chuyện này tái diễn nữa”.
Schroeder bắt đầu tìm hiểu về chiến dịch cam kết “Chờ tới Lớp 8” (wait Until Grage 8), được khởi xướng năm ngoái bởi một bà mẹ ở Texas. Nội dung bản cam kết buộc các gia đình tham gia không cho con cái sử dụng điện thoại tới năm học lớp 8. Schroeder cùng một bà mẹ khác đã thuyết phục được 15 người tham gia. “Không có ai quan tâm tới vấn đề này, chính phủ không làm gì cả, trường học cũng không, cho nên chúng tôi cần nỗ lực của cộng đồng”, Schroeder nói.
Khi Schroeder đề cập tới vấn đề này trong kì họp phụ huynh ở trường, nhiều ông bố bà mẹ làm việc ở các công ty, tập đoàn công nghệ cao cũng bày tỏ sự đồng tình. Một ông bố, là CEO công ty thiết bị di động, hùng hồn tuyên bố: “đã tới lúc nói không với iPhone”.
Phụ huynh phải tự đặt ra giới hạn ngay chính bản thân
Hai năm sau chuyến đi, dù vẫn giữ quan điểm tránh xa công nghệ là việc không thể, vợ chồng Riddhi quyết định đi tới giải pháp: hạn chế kiểm tra email khi con gái 3 tuổi còn thức, và chỉ xem CNN trong vòng 20 phút.
Một hôm có cuộc gọi công việc lúc 8h tối, Riddhi phải thuyết phục một ứng viên tiềm năng gia nhập công ty, trong lúc con gái cô nằng nặc đòi điện thoại để chụp hình. “Nhiều lúc tôi cảm thấy có lỗi khi làm gương xấu cho con. Giữa công việc, sự nghiệp và làm một bà mẹ tốt đôi khi giống như một cuộc chiến vậy”, Riddhi tâm sự.
Cảm thấy con gái quá thích thú với việc xem lại các video tự quay bản thân, Riddhi đã ngừng việc cho con bé xem chúng và giới hạn thời gian sử dụng smartphone xuống chỉ còn 30 phút vào cuối tuần, và tự hy vọng rằng đây sẽ là quyết định đúng đắn. “Những hành động như thế này dường như tác động đến tâm lí của các bậc phụ huynh nhiều hơn là đến con cái của họ.” Riddhi nói.
Không có bất kì một cơ sở nào để ủng hộ cách làm này này, Riddhi thừa nhận, nhưng sự thực thì những bậc phụ huynh lại luôn cảm thấy như vậy: Giờ đây mọi thứ không chỉ liên quan đến trẻ em nữa mà chúng còn là vấn đề của tất cả những ai làm cha mẹ.

Cách trẻ em vui đùa rất khác biệt giữa các thế hệ. Ảnh: The Verge.

Thực tế, khuyến cáo của AAP bao gồm cả hướng dẫn cha mẹ xem TV cùng với trẻ, dẫn trích một số nghiên cứu khi sử dụng thiết bị công nghệ cha mẹ ít tương tác với trẻ hơn, và cách phụ huynh sử dụng thiết bị công nghệ cũng là cách dự đoán thói quen sử dụng đồ điện tử của trẻ. Lạm dụng điện thoại xem đường lái xe về nhà là một minh chứng cụ thể cho việc chúng ta cũng có thể lạm dụng đồ công nghệ.
Các bậc phụ huynh không nhất thiết phải dựa vào những nghiên cứu khoa học để chỉ ra cho con cái rằng điện thoại nguy hiểm dường nào. Họ có thể tự suy ra từ việc lạm dụng điện thoại của chính bản thân mình.
Julie tự hào mình là bà mẹ tránh xa thiết bị công nghệ, biết rõ mạng xã hội có thể làm đứa trẻ trầm cảm, tự ti và tổn thương bởi chính bản thân cô lúc nào cũng thấy cuộc sống màu hồng của người khác trên Facebook. Chính Julie cũng phải tự luyện tập vất vả, vì con, hạn chế sử dụng điện thoại để tập trung vào những mục tiêu trong đời sống thực.
Còn Riddhi, cô cũng hiểu rằng não bộ non nớt của con mình không thể chịu nổi hàng tá thông báo từ các ứng dụng cho trẻ em, bởi cô biết chính mình cũng bị đánh mất sự tập trung từ các tin nhắn.
Đặt luật cho con trẻ bao giờ cũng dễ dàng hơn tự thay đổi hành vi bản thân. Hãy đặt câu hỏi, chính chúng ta đã tự kiểm soát chính mình chưa? Và đâu là giới hạn sử dụng thiết bị công nghệ của phụ huynh?

VietBao.vn