Trang chủ Tin Tức Dè chừng mắc bẫy tivi giảm giá “ảo” mùa World Cup 2018

Dè chừng mắc bẫy tivi giảm giá “ảo” mùa World Cup 2018

664
Khuyến mãi mua tivi trúng xe máy của một hệ thống siêu thị điện máy

Chỉ còn hơn 3 ngày nữa là đến thời điểm World Cup 2018 chính thức khởi tranh tại Nga, trong những ngày này, thị trường tivi trong nước đang tỏ rõ “sức nóng” khi hàng loạt trang thương mại điện tử, siêu thị điện máy ồ ạt đua nhau tung ra các chương trình khuyến mãi.
Các doanh nghiệp chạy đua tung ra các thông tin quảng cáo mùi mẫn như “giảm giá sập sàn”, giảm “giá sốc”, “xả hàng không lợi nhuận”… cho hàng loạt mẫu tivi để dễ thu hút sự chú ý của khách hàng.
Ví dụ, một chiếc tivi Samsung QLED đang được một siêu thị quảng cáo giảm đến 6 triệu đồng; một chiếc tivi LG 4K 55inch có giá niêm yết 57 triệu đồng đi kèm thông tin khuyến mãi lên tới hơn 16 triệu đồng gồm phiếu mua hàng gần 14 triệu, loa nghe nhạc, thùng bia…
Hoặc đó là hàng loạt sản phẩm như tivi LED 32inch Sharp 32inch có giá 3,99 triệu đồng; hay chiếc tivi UltraHD 43inch Samsung HD giá 10,9 triệu đồng…

Những thông tin giảm giá từ 25-35%, trả góp 0% xuất hiện tràn ngập trong những ngày này

Cùng đó, hàng loạt siêu thị điện máy cũng liên kết với các tổ chức tín dụng như Home Credit, ACS, FE Credit để tung ra chương trình bán hàng trả góp 0% nhằm kích cầu mua sắm.

Tuy nhiên, bên cạnh các doanh nghiệp uy tín, trên thị trường tivi, đặc biệt là tại các sàn thương mại điện tử với sự tham gia của hàng loạt nhà bán hàng khác nhau, việc mua được sản phẩm giảm giá, khuyến mãi thực sự không phải lúc nào cũng dễ dàng, người tiêu dùng không nên vội vàng “mờ mắt” bởi những thông tin khuyến mại.
Nhiều doanh nghiệp tung chiêu giảm giá đến vài chục %, thế nhưng thực chất đó chỉ là giá đề nghị đã cũ của hãng, trong khi giá thị trường tại nhiều điểm không tuyên bố giảm cũng ngang ngửa.
Trong suốt thời gian qua, thực trạng nói trên đã được báo chí, cơ quan quản lý cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng lên tiếng cảnh báo.
Do đó, để tránh bẫy mua hàng một đằng nhưng hàng nhận thực tế lại… một nẻo, không đúng như quảng cáo, khi mua sắm trên các trang thương mại điện tử người tiêu dùng cần lựa chọn nhà bán hàng uy tín, xem kỹ mô tả sản phẩm cũng như cam kết khi giao nhận, đổi trả hàng.
Một số trang thương mại điện tử hiện có phần đánh giá điểm uy tín, tỉ lệ đơn hàng tốt, có chất lượng dịch vụ tốt đã được kiểm chứng của từng nhà bán hàng, người tiêu dùng có thể truy cập để xem xét kỹ lưỡng trước khi thực hiện giao dịch.
Cùng đó, nếu không có điều kiện đến tham khảo trực tiếp tại các cửa hàng, siêu thị điện máy, người tiêu dùng nên gọi điện thoại cho siêu thị để hỏi cụ thể về giá bán cuối cùng cũng như các chương trình khuyến mãi kèm theo.
Người tiêu dùng có thể sử dụng các trang so sánh giá, điền tên mã sản phẩm cần mua vào để tham khảo giá giữa các doanh nghiệp, cửa hàng đang cùng bán một mặt hàng.
Sau khi đã có giá bán cạnh tranh nhất, người tiêu dùng vẫn cần gọi điện thoại trực tiếp đến các cửa hàng, siêu thị để nắm được giá bán cuối cùng do niêm yết trên website của nhiều địa chỉ thường không phải là giá tốt nhất.