Trang chủ Tin Tức Dịch vụ hỗ trợ ‘sống ảo’ ở Trung Quốc

Dịch vụ hỗ trợ ‘sống ảo’ ở Trung Quốc

775
Ở Trung Quốc, trên các mạng xã hội như Weibo hay các kênh thông tin đại chúng khác, rất dễ để bắt gặp video quay về những cửa hàng đông nghịt khách với đoàn người xếp hàng tới vài trăm mét hay hình ảnh những chàng trai cô gái xinh đẹp ngày ngày thể hiện sự giàu có của bản thân qua đồ hiệu hay xe cộ. Xung quanh họ luôn có rất nhiều người vây quanh, tung hô và mỗi dòng trạng thái đăng lên luôn đầy ắp các bình luận, lời khen.
Nhưng đằng sau các hình ảnh, video hào nhoáng này có thể chỉ là sự giả dối. Bởi quốc gia này có cả một ngành phụ trợ chuyên cung cấp các dịch vụ hỗ trợ để tuyên truyền “sống ảo” trên mạng Internet.
Nhiều người sẵn sàng bỏ tiền ra để thuê dịch vụ hỗ trợ “sống ảo” trên mạng xã hội ở Trung Quốc.
Theo Xinhuanet, nó được gọi là “Hồng võng” (mạng lưới đỏ). Trong vài năm gần đây, các sản phẩm của “Hồng võng” đang ngày càng thu hút sự chú ý. Đó có thể là một sản phẩm trên các trang thương mại điện tử, với hàng chục nghìn lời bình luận với nội dung hầu hết là khen ngợi. Nó có thể là các video quay cảnh xếp hàng dài cả con phố của một cửa hiệu mới khai trương, phủ sóng tại nhiều trang trên mạng xã hội.
Theo chia sẻ của ông Ngô, người chuyên kinh doanh dịch vụ “Hồng võng” này, tất cả điều kể trên đều có thể mua được. Các sản phẩm mà những đơn vị như ông cung cấp khá đa dạng, từ việc hỗ trợ các thông tin hư cấu, hình ảnh “sang chảnh” tổng hợp đủ loại nội dung, số lượt thích (Like) trên mạng xã hội tới cả dịch vụ thuê người xếp hàng thuê.
“Hầu hết các đánh giá của người tiêu dùng có thể bị giả mạo và việc kinh doanh dựa trên sự gian lận này đã hình thành một quy mô khá đáng kể”, ông chia sẻ.
Cụ thể, riêng việc đánh giá trải nghiệm người dùng trên các nền tảng thương mại điện tử đã được chia thành hai loại là “nghiệp dư” và “chuyên nghiệp”. Các bình luận đánh giá cũng được phân cấp, với giá tiền tương ứng với chất lượng nội dung. Một nhận xét hay lời khen đơn giản chỉ có giá 2-5 nhân dân tệ (tương đương 7.000 – 17.000 đồng). Các tiêu chí đánh giá cụ thể là có hơn 100 từ trong bình luận, có từ 3 ảnh minh họa trở lên. Tuy nhiên, đây chỉ là giá của 3 cấp độ đầu. Còn có các cấp độ bình luận nhận xét mang tính chuyên sâu và đặc sắc hơn, từ cấp 4 tới 7 với mức giá dao động tương ứng từ 50 đến 120 nhân dân tệ (khoảng 170.000 tới 400.000 đồng).
Biếm họa về cảnh xếp hàng thuê ở Trung Quốc. Ảnh: Xinhua
Việc xếp hàng cũng tương tự, nhưng gần như đã có một mức giá chung trên thị trường. Xiao Wang, sinh viên của một trường dạy về truyền thông ở Thành Đô, là một “người xếp hàng chuyên nghiệp”. Anh cho biết nhóm của mình có hàng người tham gia, liên hệ với nhau qua một nhóm chat trên mạng xã hội để chia sẻ về thời gian, địa điểm, số lượng người cần tới và mức lương nhận được theo giờ. Giá thuê một người thường là 100 – 150 nhân dân tệ (khoảng 350.000 – 500.000 đồng) trong vòng 3 giờ. Mức giá này cũng có thể thay đổi tùy vào thời tiết, mưa gió hay nóng nực.
Còn trên mạng Internet, nhiều cá nhân, tổ chức lại có nhu cầu thuê “danh phận”. Đó thường là các công ty buôn bán thực phẩm chức năng, sản phẩm tiêu dùng hay y tế, mỹ phẩm, giáo dục… Các đơn vị cung cấp dịch vụ sẽ giúp đưa ra các loại giấy chứng nhận, bằng cấp với các tên gọi “nghe có vẻ” giống thật và có giá trị cao. Đi kèm là hình ảnh, video để chứng thực cho việc trao cấp các loại văn bằng, giấy tờ này cũng như các đánh giá nhận xét tích cực.
Tuy nhiên, chỉ cần bỏ công tìm hiểu hoặc liên hệ với các đơn vị chức năng có thẩm quyền, rất dễ tra ra việc các văn bằng này không hề tồn tại, chứ chưa nói đến việc các đơn vị này có được cấp giấy chứng nhận hay văn bằng khen thưởng thật hay không. Bên cạnh đó, nhiều công ty cũng sử dụng “Hồng võng” để tung hô cho danh tiếng của mình, nhằm thu hút mọi người tham gia vào hệ thống buôn bán có tính đa cấp. Đó có thể là hình ảnh về việc trao thưởng nhà, xe hơi cho các nhân viên kinh doanh, nhằm đánh vào ước mơ có thể nhanh chóng giàu có của nhiều người.
Cuối cùng là dịch vụ xây dựng hình tượng nhân vật giàu có, xinh đẹp. Có những đơn vị chuyên kinh doanh ở lĩnh vực này, giúp tư vấn và chỉnh sửa ảnh cho khách hàng để biến họ thành các đại gia, thiếu gia, kiều nữ… trên Internet. Với phí dịch vụ chỉ 50 nhân dân tệ (khoảng 170.000 đồng) mỗi bức ảnh chỉnh sửa, một đơn vị kinh doanh nhỏ cho biết họ thu về hơn 10.000 nhân dân tệ (khoảng 35 triệu đồng) mỗi tháng.
Hình ảnh về cảnh trao thưởng của một đại lý bán hàng trên Internet, do công ty dịch vụ hỗ trợ sản xuất. Ảnh: Xinhuanet.
Sự tồn tại của “Hồng võng” đã khiến nhiều cơ quan, tổ chức lo lắng. Nhiều chuyên gia cảnh bảo rằng chất lượng của nhiều sản phẩm đang được quảng bá trên mạng “rất đáng lo ngại”, bởi các đơn vị kinh doanh nhỏ hầu hết đều thiếu quy trình sản xuất và các hệ thống kiểm tra chất lượng đúng chuẩn.
Giám đốc của Hiệp hội Dinh dưỡng Bắc Kinh cho biết: “‘Hồng võng’ khiến người tiêu dùng tin tưởng vào các sản phẩm có khả năng giảm cân, chữa bệnh, giải độc một cách mù quáng. Nhiều loại ngũ cốc, sản phẩm chức năng được thổi phồng công dụng và hiệu năng trong khi thực tế việc sử dụng chúng quá nhiều có thể gây ra ảnh hưởng tới quá trình trao đổi chất, gây tổn thương tới các cơ quan nội tạng và thậm chí làm tăng nguy cơ mắc bệnh”.
Theo tổng thư ký hiệp hội Internet Trung Quốc, hành vi của các công ty “Hồng võng” đã vi phạm luật quảng cáo một cách rõ ràng, gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh và vi phạm các luật khác như an toàn thực phẩm… Ông cho rằng các cơ quan quản lý thị trường nên dành sự chú ý nhiều hơn, bằng việc áp dụng các quy định pháp luật có liên quan. Đồng thời, các cơ quan quản lý có liên quan nên tăng cường việc giám sát và có trách nhiệm giải trình.
Còn trả lời báo chí, đại diện của WeChat cho biết công ty đang rất quan tâm tới vấn đề này. Hệ thống quản lý của ứng dụng liên tục cung cấp và đưa ra các tín hiệu cảnh báo người dùng về các hành vi gian lận, giả mạo trong bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử.
Nhiều chuyên gia cho rằng ngoài việc củng cố các chuẩn mực pháp lý, cải thiện việc giám sát thị trường và năng lực kỹ thuật, tăng cường hình phạt, chính bản thân người tiêu dùng cũng nên duy trì một thái độ hợp lý đối với các sản phẩm dễ lợi dụng “Hồng võng” như mỹ phẩm, quần áo, thuốc chữa bệnh… Đây là các mặt hàng cần xác minh thông tin theo nhiều cách để tránh những mất mát và thiệt hại không đáng có khi mua sắm.
Bảo Nam