Trang chủ Tin Tức Doanh nghiệp viễn thông, điện lực Hà Nội đăng ký hạ ngầm...

Doanh nghiệp viễn thông, điện lực Hà Nội đăng ký hạ ngầm tiếp 60 tuyến phố

774
Theo thống kê, từ năm 2016 đến nay, UBND TP.Hà Nội đã phê duyệt danh mục 3 đợt hạ ngầm các đường dây viễn thông và đường dây điện lực trung, hạ áp trên địa bàn Thành phố với tổng số 119 tuyến (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư giữa UBND TP.Hà Nội với VNPT, MobiFone, Viettel, EVN Hà Nội về việc hạ ngầm hệ thống đường dây viễn thông và đường dây điện lực trung, hạ áp tại các tuyến phố trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016 2020 đã được ký kết tháng 6/2016. Thực hiện Biên bản này cùng văn bản giao nhiệm vụ triển khai các cam kết sau hội nghị “Hà Nội 2017 – Hợp tác đầu tư và phát triển”, thời gian qua 2 Sở Xây dựng và TT&TT cùng các Sở, ngành và đơn vị liên quan tổ chức triển khai.
Theo đánh giá của Sở Xây dựng, các doanh nghiệp đều đã triển khai thực hiện chủ trương của UBND Thành phố, khẩn trương phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan để lập dự án, tổ chức đấu thầu, xin phép và triển khai thi công. Tuy nhiên, đến nay mới hoàn thành cắt dây hạ cột được 33 tuyến gồm 17 tuyến đợt 1 và 16 tuyến đợt 2. “Trong đó, EVN Hà Nội và Viễn thông Hà Nội đã triển khai thi công đảm bảo theo tiến độ chung; các doanh nghiệp Vietel, FPT, MobiFone thi công chậm”, báo cáo của Sở Xây dựng nêu.
Cho biết tại những tuyến đã hạ ngầm xong, cảnh quan đô thị đã được cải thiện đáng kể và được nhân dân ủng hộ, Sở Xây dựng Hà Nội cũng cho hay, với các tuyến thi công năm 2018, chủ đầu tư điện lực, viễn thông đã phối hợp với nhau lập biện pháp thi công chung, đồng nhất và xin 1 giấy phép thi công chung (cấp cho Điện lực) sẽ tránh được trường hợp đào đi, đào lại; tiết kiệm kinh phí và rút ngắn được thời gian thi công và hạn chế ảnh hưởng đến sinh hoạt nhân dân và cảnh quan môi trường.
Theo thống kê, từ năm 2016 đến nay, UBND TP.Hà Nội đã phê duyệt danh mục 3 đợt hạ ngầm các đường dây viễn thông và đường dây điện lực trung, hạ áp trên địa bàn Thành phố, với 18 tuyến đợt 1 (năm 2016), 56 tuyến đợt 2 (đầu năm 2017) và 45 tuyến đợt 3 (cuối năm 2017 và đầu năm 2018).
Kết quả, tổng cộng cả 3 đợt, EVN Hà Nội đã thi công 62/119 tuyến; VNPT Hà Nội đã thi công xong 20/39 tuyến; FPT thi công xong 11/32 tuyến; Viettel thi công xong 12/31 tuyến; MobiFone hoàn thành 6/13 tuyến. Riêng CMC chỉ tham gia đợt 3 nên hiện cả 4 tuyến doanh nghiệp này đầu tư hạ ngầm đều chưa thi công.
Cụ thể, trong đợt 1, các doanh nghiệp đã hoàn thành cắt hạ ngầm các đường dây điện lực và thông tin viễn thông đồng thời cắt bỏ dây cũ, cột cũ tại 17/18 tuyến phố. Tuyến phố Thụy Khuê hiện phần điện lực đã hoàn thành, phần viễn thông MobiFone đang lựa chọn nhà thầu và dự kiến triển khai thi công trong quý II năm nay.
Với đợt thi công thứ 2, theo Sở Xây dựng, tính đến trung tuần tháng 3/2018, các doanh nghiệp điện lực đã hoàn thành tại 41/56 tuyến phố, trong đó Điện lực Ba Đình hoàn thành 8/8 tuyến, Điện lực Đống Đa hoàn thành 14/14 tuyến, Điện lực Hai Bà Trưng đã xong toàn bộ 17/17 tuyến; Điện lực Hoàn Kiếm xong 2/17 tuyến.

Các doanh nghiệp viễn thông đã hoàn thành thi công 34/56 tuyến phố đợt 2. Cụ thể, có 27 tuyến đã hoàn thành hạ ngầm và cắt hạ dây cáp cũ gồm: Quang Trung, Trần Xuân Soạn, Võ Thị Sáu, Trần Khát Chân, Lò Đúc, Châu Long, Cửa Bắc, Quốc Tử Giám, Tôn Thất Tùng, Lương Đình Của, Văn Miếu, Trịnh Hoài Đức, Nguyên Hồng – Vũ Ngọc Phan, Hoàng Ngọc Phách, Trúc Khê, Hàng Bè, Hàng Lược, Hàng Chuối, Hoa Lư, Lê Đại Hành, Thể Giao, Trần Phú – Lê Trực, Ngọc Hà, Chu Văn An, Đội Cấn, Lê Hồng Phong; 4 tuyến đang thi công xong hạ ngầm chuẩn bị cắt dây gồm: Nguyễn Khuyến, Thái Thịnh, Chùa Láng, Trần Quang Diệu – Trung Liệt); 2 tuyến đang thi công (Ngô Thì Nhậm, Lê Văn Hưu).Hiện còn 15/17 tuyến phố trên địa bàn quận Hoàn Kiếm chưa thi công cả điện lực và viễn thông.
Thống kê của Sở Xây dựng cũng cho thấy, còn 22 tuyến phố của đợt 2 các doanh nghiệp viễn thông chưa thi công, trong đó FPT còn 9 tuyến, Viettel còn 5 tuyến, MobiFone còn 4 tuyến, VNPT Hà Nội còn 4 tuyến.
Về kết quả thi công đợt 3, đến nay VNPT Hà Nội đã triển khai thi công tại 3 tuyến: Sơn Tây (15%), Hàng Bún (10%) và Nguyễn Trường Tộ (30%). Điện lực Ba Đình đã thi công xong đặt ống ngầm 3 tuyến Hàng Bún, Nguyễn Khắc Nhu, Nguyễn Trường Tộ; Ccác doanh nghiệp viễn thông, điện lực đang hoàn thiện hồ sơ thiết kế, lập biện pháp thi công chung gửi Sở Giao thông Vận tải cấp phép thi công đồng thời.
Trong báo cáo mới nhất gửi UBND Thành phố, Sở Xây dựng Hà Nội cũng cho biết, Sở đã phối hợp với Sở TT&TT có văn bản gửi các doanh nghiệp đăng ký danh mục hạ ngầm đợt 4 (lần 2 năm 2018) và các doanh nghiệp đã đăng ký hạ ngầm 60 tuyến. Liên ngành Xây dựng – TT&TT hiện đang xin ý kiến các Sở, ngành thành phố, dự kiến sẽ trình UBND Thành phố xem xét phê duyệt trong tháng 6/2018.
Bên cạnh đó, trên cơ sở phân tích rõ những khó khăn, tồn tại trong công tác triển khai hạ ngầm cáp điện lực, viễn thông trên các tuyến phố Hà Nội, Sở Xây dựng đã chính thức kiến nghị UBND quận Hoàn Kiếm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khẩn trương thi công tại các tuyến phố đã nộp biện pháp thi công chung, đồng nhất.
Cùng với đó, Sở Xây dựng cũng đề nghị Sở Giao thông Vận tải tiếp tục tạo điều kiện, đồng thời xem xét rút ngắn thời gian cấp giấy phép thi công cho các doanh nghiệp hạ ngầm khẩn trương triển khai thi công và chỉ cấp 1 giấy phép thi công chung đồng nhất gồm cả điện lực và viễn thông.
Tháng 8/2017, UBND TP.Hà Nội đã ra quyết định 5800 phê duyệt Quy hoạch hạ tầng viễn thông thu động trên địa bàn Hà Nội đến 2020, định hướng đến năm 2030. Một mục tiêu cụ thể của Quy hoạch là quản lý chặt chẽ việc thực hiện các dự án hạ ngầm kết hợp với chỉnh trang đô thị, phấn đấu đến năm 2020 hạ ngầm, thanh thải bó gọn và sắp xếp các đường dây cáp đi nổi trên các tuyến phố chính từ đường vành đai 3 trở vào trung tâm thành phố; hạ ngầm 100% mạng cáp viễn thông tại các tuyến đường vành đai của Thành phố, khu đô thị mới, các khu đô thị vệ tinh, khu công nghiệp, cụm khu công nghiệp, khu dân cư mới và khu vực các tuyến đường xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng theo Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 519 ngày 31/3/2016.
Theo Danh mục các khu vực, tuyến đường, tuyến phố chính quy hoạch xây dựng công trình ngầm hạ tầng đô thị sử dụng chung để hạ ngầm mạng cáp viễn thông được UBND TP.Hà Nội ban hành kèm theo Quyết định 5800 ngày 22/8, trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, sẽ triển khai xây dựng mới và cải tạo tuyến cổng bể kỹ thuật để hạ ngầm cáp viễn thông trên 243 tuyến phố có tổng chiều dài 223.550 m thuộc địa bàn 12 quận. Việc xây dựng các công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật đô thị sử dụng chung để hạ ngầm hệ thống đường dây viễn thông tại các tuyến phố trên địa bàn Hà Nội sẽ được thực hiện theo phương thức xã hội hóa.