Trang chủ Tin Tức Fortnite sẽ không có mặt trên Google Play Store

Fortnite sẽ không có mặt trên Google Play Store

737
 

Epic Games – nhà phát triển Fortnite hôm qua 3/8 đã chính thức công bố sẽ không phân phối tựa game sinh tồn nổi tiếng của mình trên nền tảng Android qua kho ứng dụng thứ nhất Play Store của Google. Thay vào đó, công ty dự định sẽ trực tiếp phân phối phần mềm tới người chơi qua trang chủ chính thức của Fortnite, nơi người dùng Android có thể tải bộ cài đặt game về sau đó tiến hành tải game qua đó.
Xác nhận chính thức từ phía Epic Games đã một lần nữa khẳng định một số tin đồn hồi đầu tuần về việc hãng sẽ bỏ qua kho ứng dụng của Người khổng lồ tìm kiếm khi phát hành sản phẩm.
Hiện vẫn chưa có thông tin về thời gian cụ thể phát hành Fortnite phiên bản dành cho Android, tuy nhiên một số báo cáo khẳng định rằng game sẽ được trình làng cùng thời điểm với màn ra mắt Galaxy Note 9. Epic về phần mình đã từ chối bình luận về thời điểm ra mắt cũng như bất kỳ thỏa thuận hợp tác nào với Nhà sản xuất điện thoại Hàn Quốc.

Epic thà có ít người biết đến Fortnite còn hơn chia cho Google 30% lợi nhuận
Tuyên bố của Nhà phát triển game Mỹ dù sao cũng đã đánh dấu một bước ly khai táo bạo chưa từng có tiền lệ khỏi kho ứng dụng bên thứ nhất lớn nhất thế giới. Trước đây, bất kỳ game hay ứng dụng nào muốn tiếp cận được nhiều người dùng nhất đều phải có mặt trên App Store của iOS hay Play Store của Android. Đối với Fortnite phiên bản iOS, Epic không có nhiều lựa chọn ngoài việc thuận theo “Táo khuyết” bởi quy trình quản lý ngặt nghèo cùng bản chất khép kín của nền tảng không cho phép người dùng cài bất cứ ứng dụng nào ngoài App Store. Với Google và Android lại là câu chuyện khác, Android là một nền tảng mở, và Epic có thể dễ dàng “né” Play Store nếu không muốn, tất nhiên hãng phải đánh đổi khả năng phân phối tuyệt vời của Play Store.
CEO Tim Sweeney cho biết lý do chính dẫn đến quyết định của hãng gồm hai phần. Thứ nhất Epic muốn duy trì tính trực tiếp giữa hãng và người chơi, bởi Fortnite phiên bản PC hiện phát hành trực tiếp qua Epic Games Launcher chứ không qua nền tảng Steam trứ danh của Valve.
“Epic muốn có được mối quan hệ gần gũi nhất với khách hàng trên mọi nền tảng có thể. Điều tuyệt vời nhất ở Internet và cuộc cách mạng số đó là nó cho phép mong muốn của chúng tôi trở thành sự thực, khi mà giờ đây việc mang game tới người chơi không cần thiết phải có những cửa hàng bán game hay nhà phân phối trung gian”.

 

Lý do thứ hai, nhiều khả năng là lý do chính, của Epic Games là hãng không muốn trả cho Google 30% lợi nhuận từ Fortnite, đặc biệt là khi toàn bộ game kiếm tiền từ các hoạt động mua bán vật phẩm trong game.
“Thuế lên kệ 30% của Play Store là một mức giá quá cao trong bối cảnh 70% lợi nhuận còn lại của nhà phát triển phải dùng để trang trải cho toàn bộ các chi phí khác bao gồm phát triển, vận hành game cũng như hỗ trợ game thủ. Trên console mọi chuyện còn khả dĩ chấp nhận được bởi ở nền tảng này người ta đầu tư rất nhiều vào phần cứng và liên tục có những chiến dịch quảng bá game theo thỏa thuận với nhà phát hành game”, Sweeney cho biết.
Song trên nền tảng di động như Android, “30% là một tỉ lệ quá chênh lệch với chi phí dành cho dịch vụ của những kho ứng dụng này, chẳng hạn như xử lý giao dịch, băng thông download hay chăm sóc khách hàng”, Sweeney nói thêm và cho biết rằng Epic “không còn xa lạ với những chi phí này” bởi hãng cũng trực tiếp đảm nhận phân phối Fortnite PC và Mac.

 

Fortnite trên iOS kiếm được 15 triệu USD chỉ trong 3 tuần đầu tiên, vậy nên có thể cho rằng phiên bản mobile là một nguồn lợi nhuận không hề nhỏ của Epic. Tuần trước, công ty cũng giảm bớt lợi nhuận thu về từ cộng đồng những người tạo và bán vật phẩm qua nền tảng Unreal Engine 4 của hãng, một phần vì tình hình tài chính khởi sắc chưa thấy dấu hiệu dừng lại, phần để hãng khuyến khích cộng đồng nhà phát triển này.
Tuy nhiên, không có mặt trên Android đồng nghĩa với việc người chơi phải side load game từ một trang web khác, và điều này không khỏi dấy lên nhiều quan ngại từ các chuyên gia bảo mật, bởi vốn dĩ Android đã không phải là hệ điều hành được biết đến nhờ sự an toàn. Về vấn đề này, CEO Epic trả lời: Game thủ đã chứng tỏ rằng mình đủ năng lực thực hiện những thao tác phần mềm an toàn, và game trên PC vốn đã phát triển qua rất nhiều nguồn khác nhau”, ông chỉ ra nhiều nền tảng phân phối game như Steam, Battle.net của Activision Blizzard, và tựa game e-sport League of Legends của Riot Games.
“Chúng tôi tự tin rằng Android sẽ gặt hái những thành công tương tự. Quan trọng nhất, bảo mật hệ điều hành di động đang dần trở nên kiên cố hơn cho phép người dùng cho phép từng yêu cầu cấp phép một. Chẳng hạn như lưu dữ liệu, truy cập microphone, truy cập danh bạ. Từ góc nhìn của Epic Games, đây là hướng đi mọi nền tảng di động và PC nên đi theo, thay vì chỉ trông chờ vào sự độc quyền của một kho ứng dụng duy nhất và lấy đó làm trọng tài quyết định liệu một ứng dụng có được quyền đến tay người dùng hay không”.
Lý do “ẩn” thứ ba: Trung Quốc

Trụ sở Epic Games tại Cary, North Carolina, Mỹ

Bởi Google không hoạt động tại Trung Quốc, vậy nên không có Play Store tại đây, thị trường ứng dụng Android tại Trung Quốc vốn đã đang hoạt động theo cơ chế nhà phát triển phân phối trực tiếp tới người dùng như WeChat của Tencent và Xiaomi Store. Epic Games cho biết hãng đang nghiên cứu khả năng phân phối Fortnite qua một số kho ứng dụng bên thứ ba khác, tuy nhiên chưa công bố điều gì ngay lúc này.

 

Tóm lại, động thái của Epic Games chắc chắn sẽ ít nhiều tác động tới quyết định của các nhà phát triển ứng dụng khác trong tương lai về việc liệu có tiếp tục “cúng tiền” cho Play Store hay không. Song cũng cần phải nhắc lại, Fortnite hoàn toàn ở trong thế chủ động trước quyết định của mình, bởi tựa game sinh tồn của hãng game Hoa Kỳ đủ nổi tiếng để buộc người dùng phải down từ web về điện thoại, cũng như Epic sở hữu công nghệ điện toán đám mây và nguồn lực công nghệ đủ mạnh để tự liệu.
Trên thế giới không có nhiều studio game đủ mạnh để xử lý chu toàn mọi khâu từ phát triển đến phát hành, duy trì vận hành và chăm sóc khách hàng như Epic Games.
Công Minh (theo The Verge)

VietBao.vn