Trang chủ Tin Tức Giới sản xuất thiết bị Mỹ bắt đầu ‘nếm mùi’ chiến tranh...

Giới sản xuất thiết bị Mỹ bắt đầu ‘nếm mùi’ chiến tranh thương mại

724
Hãng tin Bloomberg ngày 24.7 có bài viết về nhiều khó khăn mà các doanh nghiệp sản xuất thiết bị công nghệ Mỹ vướng phải vì lập trường bảo hộ và chiến tranh thương mại mà Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi xướng.

Nhân vật Win Cramer, CEO JLab Audio, được Bloomberg phỏng vấn chia sẻ rằng ông chưa từng nghĩ doanh nghiệp điện tử tiêu dùng nhỏ của mình sẽ bị tác động nhiều dưới thời Tổng thống Trump, người từng hứa đặt nước Mỹ lên hàng đầu. Ông Cramer đang phải tính lại toàn bộ chiến lược vì thuế quan mà ông Trump áp lên Trung Quốc do nó sẽ tác động đến 70% sản phẩm doanh nghiệp ông sản xuất.

Sau khi thúc đẩy kế hoạch đánh thuế quan lên 50 tỉ USD hàng hóa nhập từ Trung Quốc, chính quyền Tổng thống Trump đe dọa áp thuế lên thêm 200 tỉ USD hàng hóa Đại lục, và cho hay số lượng hàng chịu thuế có thể còn lên cao hơn nhiều. Danh sách các sản phẩm bị tác động trong vòng đánh thuế mới nhất dài 200 trang, bao gồm các sản phẩm điện tử tiêu dùng đã hoàn tất. JLab Audio là hãng thiết kế tai nghe và loa tại Mỹ, sản xuất chúng tại Trung Quốc. Nếu thuế quan mới có hiệu lực, phần lớn sản phẩm của hãng sẽ bị đội chi phí sản xuất, buộc ông Cramer phải chịu phí cao hoặc tăng giá bán.

“Chúng tôi không phải doanh nghiệp đa quốc gia và chúng tôi không sản xuất nhiều thứ. Apple bán hàng tại nhiều nước không nhất thiết là đứng trong vòng bị đánh thuế quan, và họ có nhiều dòng sản phẩm không bị ảnh hưởng. Thuế quan đang làm tổn thương các hãng nhỏ”, ông Cramer nói.

Trong những năm gần đây, chuyện kinh doanh các nhà sản xuất phần cứng nhỏ vẫn ổn bất chấp vấp cạnh tranh từ Apple và nhiều hãng công nghệ lớn khác. Các hãng nhỏ đạt được điều này là nhờ sản xuất giá rẻ tại Trung Quốc. Song vì là doanh nghiệp nhỏ, họ thường có biên lợi nhuận mỏng hơn so với các hãng lớn, và là những công ty đầu tiên bị tác động trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc.

Loa thông minh kiêm trợ lý nhà ở Google Home

Ảnh: Bloomberg

Tổn thương cũng có thể lan đến các doanh nghiệp phần cứng cỡ vừa như Sonos, hãng vốn sản xuất loa ở Trung Quốc và cảnh báo rằng thuế quan có thể làm giảm doanh số khi nộp đơn chuẩn bị lên sàn trong tháng này. Sau này, cả Apple, Amazon và Google cũng có thể bị ảnh hưởng. Sage Chandler, phó chủ tịch thương mại quốc tế của Hiệp hội công nghệ tiêu dùng, cho hay thuế quan được xây dựng rộng đến nỗi nó có thể bao gồm bất kỳ sản phẩm nào kết nối với web, từ phát video trực tuyến đến trợ lý kỹ thuật số kích hoạt bằng âm thanh.

Hiện nhiều doanh nghiệp lớn miễn dịch với tổn thương từ chiến tranh thương mại. Apple, Bose và Sony có lựa chọn sử dụng các sản phẩm, dịch vụ khác để bù đắp chi phí tăng cao và tránh đẩy giá phần cứng lên. JLab Audio thì không như thế, và họ có thể bị buộc phải ngừng bán các sản phẩm không còn cạnh tranh về giá. Nếu các hãng lớn quyết định chuyển chi phí gia tăng lên cho người tiêu dùng, tức tăng giá bán, thì doanh số của toàn danh mục có thể tăng chậm hơn.

“Chúng tôi thận trọng hơn với kế hoạch dài hạn hơn so với thời ổn định. Chúng tôi đang xem xét lại các kế hoạch, đặc biệt là mảng kinh doanh loa. Nếu thuế quan 10% có hiệu lực, chúng tôi có thể bị đẩy bớt khỏi thị trường”, ông Cramer chia sẻ.

Danh sách thuế quan mới cũng gồm số lượng lớn các bộ phận đi vào nhiều thiết bị phần cứng, chẳng hạn như thủy tinh, dây điện, cáp, chất bán dẫn, bộ sạc, bộ điều chỉnh nguồn. Giới doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ, sẽ mất nhiều thời gian và nguồn lực để xác định chính xác tác động của thuế quan. Tổng thống Donald Trump trước đây từng nói sẽ giảm bớt quy định cho doanh nghiệp, song thuế quan lại là một hàng rào quan liêu.

“Một trong các vấn đề là thời gian và nỗ lực thuần túy để giáo dục các doanh nghiệp nhỏ này về chính xác những gì đang diễn ra, vì các doanh nghiệp lớn có mối quan hệ với chính phủ, hải quan và chuyên gia thương mại. Thuế quan lên nước khác sẽ là thuế áp lên chính doanh nghiệp Mỹ”, ông Chandler cho hay.

Tai nghe không dây của Sony

Ảnh: Sony

Theo Hiệp hội công nghệ tiêu dùng, khoảng nửa số hàng hóa bị nhắm mục tiêu đánh thuế trong vòng đầu, vốn có hiệu lực từ ngày 6.7, thuộc lĩnh vực điện tử tiêu dùng. Thuế quan áp lên các sản phẩm như gói pin, tụ điện, thiết bị điều hướng, đèn LED kết nối internet và ổ đĩa. Thuế quan được đề xuất áp lên thêm 16 tỉ USD các sản phẩm khác sẽ ảnh hưởng đến nhiều startup sản xuất thuốc lá điện tử, bình xịt và xe máy điện.

Robert Heiblim, đồng sáng lập BlueSalve Consulting kiêm chủ tịch Boulder International, hãng sản xuất thuốc lá điện tử, cho hay trong tháng 8, ông sẽ xác định xem liệu việc tăng giá bán có bền vững hay không. Doanh nghiệp của ông thiết kế sản phẩm tại Mỹ và sản xuất gia công tại Trung Quốc.

Đợt đánh thuế quan đầu tiên cũng có thể ảnh hưởng các công ty trong lĩnh vực nhà ở thông minh. Một trong các hãng bị tác động sẽ là HiberSense, hãng sản xuất hệ thống điều hòa tự động vừa ra thị trường vào tháng trước sau hai năm phát triển. Bob Fields, giám đốc doanh thu của HiberSense, tự hào nói rằng phần lớn hệ thống được sản xuất ở Mỹ, trừ bộ điều nhiệt được sản xuất ở Trung Quốc và chịu thuế quan.

Thay vì chuyển chi phí lên cho người tiêu dùng gánh bằng cách tăng giá bán, HiberSense quyết định thiết kế sản phẩm mới được sản xuất hoàn toàn tại Mỹ. Tuy nhiên, ông Fields cho hay việc nghiên cứu và phát triển sẽ tốn hàng trăm ngàn USD, tốn nhiều nhất là một năm hoặc lâu hơn. HiberSense đã dành vốn để mua bộ điều nhiệt về trữ để không phải tăng giá sớm.

Các doanh nhân trong mảng sản xuất phần cứng, vừa chớm nở trong ngành có thể đơn giản bỏ hẳn kế hoạch của họ nếu bị tác động mạnh bởi thuế quan. Đơn cử, phó chủ tịch môi giới khách hàng toàn cầu Christian Vizcaino Jordan của nền tảng vận chuyển hàng hóa Flexport, cho rằng cuộc chiến thương mại “ăn miếng trả miếng” sẽ làm tổn thương sự đổi mới, làm giảm tinh thần của cộng đồng khởi nghiệp.