Trang chủ Tin Tức Giới trẻ Sài Gòn kiếm tiền từ cho thuê căn hộ dịch...

Giới trẻ Sài Gòn kiếm tiền từ cho thuê căn hộ dịch vụ trên Airbnb: Nếu nhiều phòng, lãi có thể gấp đôi gửi tiết kiệm ngân hàng

707
Nếu nhiều phòng, lợi nhuận có thể gấp đôi tiền gửi tiết kiệm ngân hàng
Airbnb (AirBed & Breakfast) là ứng dụng kết nối trực tiếp người có phòng (chủ nhà/ chủ phòng trọ/ căn hộ/ villas) cho thuê với người thuê phòng (đi du lịch/ công tác) cần tìm chỗ lưu trú, kể cả ngắn ngày hay dài ngày thông qua một ứng dụng. Được đánh giá cao vì giá rẻ, nhu cầu cao nên mô hình chia sẻ không gian này trên Airbnb đang được giới trẻ hoặc hộ gia đình có phòng trống, ít sử dụng tận dụng kinh doanh. Khoản phí đối với chủ nhà ở mức 3% tổng giá trị đặt phòng, phí thu khách đặt phòng ở mức 6 – 12% và mức phí này sẽ hiển thị luôn trong quá trình khách sử dụng dịch vụ.
Nhiều bạn trẻ thuê rồi cho thuê lại căn hộ/phòng trên Airbnb
Anh Hoàng Văn Quý (ngụ Q.Tân Bình, Tp.HCM) thuê lại 2 căn hộ đã cũ trên đường Trương Định (Q.3) từ đầu năm 2017, sau đó  anh Quý cho một hộ gia đình thuê cố định 1 căn với giá 20 triệu đồng/tháng. Căn còn lại, diện tích khoảng 60m2, anh sửa sang lại, đăng kí cho thuê dịch vụ trên Airbnb và một số kênh linh động khác như blog, facebook. Theo anh Quý, đăng kí cho thuê trên Airbnb lượng khách Tây hỏi khá nhiều. Anh cho thuê phòng theo giờ, ngày, tháng. Nếu trừ các chi phí mỗi tháng, anh Quý thu về khoảng 8 triệu đồng/tháng.

Cũng thuê lại một căn hộ trung cấp tại Q.Bình Thạnh với giá 17 triệu đồng/tháng, chị Lương Hà (29 tuổi) đăng kí cho thuê dịch vụ căn hộ trên Airbnb. Một tháng trừ các chi phí, căn hộ mang về cho chị khoảng 10 triệu đồng/tháng.
NĐT cần bỏ một khoản tiền để tân trang, lắp nội thất trước khi cho thuê. Ảnh:P.N
Theo chị Hà, nếu có nhiều phòng cho thuê dịch vụ ở ké kiểu Airbnb, một năm NĐT có thể đạt lợi nhuận khoảng 12-15%/năm, nếu so với lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng, mức này nhỉnh hơn rõ nét.
Tham gia chia sẻ không gian trên Airbnb từ đầu năm 2016, chị Vũ Thị Hòa, sống tại Q.2 Tp.HCM (28 tuổi) tiết lộ, có khoảng 600 triệu đồng trong tay nên đã quyết định chọn đầu tư dịch vụ ở ké trực tuyến. Chị thuê 3 căn hộ lần lượt tại Q.2, Q.3 và Q.5, đầu tư nội thất mỗi căn hết khoảng hơn 100 triệu đồng và cho thuê ngắn ngày. Khoảng 4 tháng đầu, chị phải bù lỗ hàng tháng vào tiền thuê căn hộ và các chi phí phát sinh do lượng khách còn thưa thớt. Từ giữa năm 2016 đến nay, lượng khách ổn định, thậm chí có thời điểm chị phải từ chối khách hàng vì hết chỗ. Hiện tại, hàng tháng trừ các chi phí chị thu về khoảng 11-12 triệu đồng/tháng/căn.
Sẽ kiếm được khá nhiều tiền từ khách cũ nếu làm tốt khâu dịch vụ…
Là một NĐT có kinh nghiệm 3 năm trong lĩnh vực cho thuê căn hộ/phòng dịch vụ trên Airbnb, anh Hoàng Đình Trọng (ngụ Q.3) chia sẻ: “Mình thường hay thuê căn hộ rồi đăng lên Airbnb. Khoảng 3-7 ngày sẽ có khách đầu tiên. Sau gần 3 năm vận hành, khách hàng hiện tại đều đều. Rất nhiều khách cũ đi công tác hoặc du lịch có nhu cầu trở lại thuê phòng của mình. Do đó, làm việc lâu năm ở lĩnh vực này sẽ có lợi thế là kiếm được lượng khách cũ kha khá nếu dịch vụ của mình tốt.
Nếu làm khâu dịch vụ tốt, khách cũ sẽ quay lại với mình. Ảnh: P.N
Anh Trọng chia sẻ về kinh nghiệm trước khi đưa phòng/căn hộ lên Airbnb:
Chụp hình về căn hộ/phòng: Nên thuê thợ ảnh chụp vì đây là khâu quan trọng “đập” vào mắt khách hàng, ảnh hưởng đến quyết định thuê. Chụp hình cần làm bật các góc cạnh, vật dụng trong phòng, càng đẹp càng tốt.
Đưa giá cả hợp lý: giá thuê phụ thuộc vào khu vực. Người cho thuê nên làm phép tính so sánh với các phòng/căn hộ cùng khu vực và cùng tính năng để đưa ra giá bằng hoặc thấp hoặc cao hơn. Ngoài ra, giá thuê còn phụ thuộc vào diện tích căn phòng cho thuê. Nếu chủ nhà cho thuê cả phòng thì giá khác, còn nhà có 1 phòng mà share để cho thuê thì giá lại khác…
Mô tả về căn hộ/phòng của mình trên Airbnb một cách ngắn gọn: Nên mô tả về căn hộ/phòng của mình bằng những từ đặc sắc nhưng phải phù hợp với đối tượng khách thuê. Chẳng hạn, phòng của mình phù hợp với khách du lịch, khách công tác hay đi bụi…?. Nên viết bằng cả tiếng anh và tiếng Việt để nhiều người có thể xem được.
Chuẩn bị bản đồ hướng dẫn đường đi, phương tiện cho khách: Có thể đăng trên Airbnb một vài địa điểm nổi bật, từ những địa điểm đó di chuyển về phòng/căn hộ của mình bằng phương tiện nào là tiện nhất, đường nào là nhanh nhất…khu vực của mình có những món ăn, chơi gì đặc sắc…
Ngoài ra, tạo tài khoản thanh toán, vạch ra vài vật dụng quan trọng trong nhà để tạo cảm giác thoải mái cho khách thuê…
Khi đưa lên Airbnb hình ảnh căn hộ dịch vụ khá quan trọng, ảnh hưởng đến quyết định của khách thuê. Ảnh: P.N
Theo anh Trọng, vận hành mô hình này trong thời gian dài, lượng khách cũ tự tìm đến mình khá lớn, lượng khách mới cũng tăng lên nếu dịch vụ của mình được đánh giá tốt trên Airbnb. Anh Trọng cho hay, hiện nay rất nhiều bạn trẻ thuê rồi cho thuê lại, chia sẻ không gian trên Airbnb và tăng thêm thu nhập hàng tháng. Có những bạn thuê mấy chục phòng và vận hành nên mức lời hàng tháng cũng được nhân lên. Nếu không giỏi tiếng Anh, theo anh Trọng có thể thuê người giỏi tiếng anh để tiếp khách hàng nước ngoài. Mọi chi phí NĐT nên tính kỹ lưỡng để tính ra phần lãi mình hưởng hàng tháng. “Nếu tính lợi nhuận ròng, mô hình kinh doanh kiểu Airbnb có thể đạt từ 15-18%/năm”, anh Trọng khẳng định.
Nhưng cũng nhiều nhiêu khê…
Một số NĐT thừa nhận rằng, đây là hình thức kinh doanh mới mẻ, có thể linh hoạt dòng vốn, là cách kiếm tiền mà nhiều người háo hức vì không quá phức tạp, ít vốn. Tuy nhiên, cũng không ít NĐT bị “mắc kẹt” dòng vốn hoặc sống cầm chừng với mô hình này.
NĐT Vũ Thị Hòa, sống tại Q.2 Tp.HCM chia sẻ với chúng tôi: “Mấy phòng mình cho thuê chủ yếu qua blog, website, facebook.., trên Airbnb sử dụng để khi các bạn muốn thanh toán cho tiện. Nhìn chung, kiếm được từ thuê căn hộ dịch vụ này không nhiều nhưng đủ chi trả cho các chi phí như điện, nước, internet, ăn uống. Vì thế, khi các bạn quyết định cho thuê nhà/phòng trên Airbnb hãy nhớ là tiền này chỉ là làm thêm, có thể gọi là thu nhập thụ động, có thêm tiền để đi du lịch, ăn uống, đi chơi hay đơn giản chỉ để chi trả bớt 1 vài chi phí trong cuộc sống, nó không phải là khoản đầusinh lời mạnh mẽ”.
Tuy nhiên, không ít NĐT mắc kẹt dòng vốn vào mô hình kinh doanh căn hộ dịch vụ vì không thu hút được khách thuê lâu dài
Tại Việt Nam, tính đến tháng 6/2017 có khoảng 6.500 cơ sở Airbnb và con số này chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong khi đó, lượng khách du lịch đến Việt Nam tăng nhanh, mục tiêu chạm mốc 10 – 10.5 triệu lượt khách quốc tế và 47 – 48 triệu lượt khách du lịch nội địa… là những điều kiện lý tưởng để Airbnb Việt Nam mở rộng mô hình.
Tuy nhiên, theo các NĐT, không phải căn hộ/phòng nào chia sẻ trên Airbnb cũng đạt được lượng khách như kỳ vọng. Không ít trường hợp NĐT phải liên tục bù lỗ vì tình trạng vắng khách, hoặc đợt khách bị ngắt quãng. Đặc biệt, đối tượng NĐT thuê rồi cho thuê lại nếu lượng khách không đều sẽ ảnh hưởng rõ nét đến dòng vốn đầu tư, thậm chí thua lỗ.
Sự cạnh tranh trong chất lượng, dịch vụ tăng lên cũng khiến mô hình kinh doanh này gặp nhiều rào cản
Chưa kể, người cho thuê còn phải đối mặt với khá nhiều những rắc rối phát sinh từ cho thuê. Chẳng hạn, đối tượng khách thuê không tử tế; người ra vô nhiều lần khiến đồ đạc nhanh xuống cấp; phiền phức với chủ nhà về việc sửa chữa, tân trạng lại đối với trường hợp thuê rồi cho thuê lại… Chuyện “hậu trường” Landmark 81: Coteccons thắng thầu Lotte vì Chủ tịch Phạm Nhật Vượng muốn tòa nhà cao nhất Việt Nam phải để người Việt làm
Theo Trí Thức Trẻ
 
Theo Cafebiz

VietBao.vn